Đại học Thăng Long (TLU) - trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam - vừa kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Nhân dịp này, chúng tôi đã xin gặp GS.TS Hoàng Xuân Sính - một trong những người sáng lập, đồng thời là hiệu trưởng đầu tiên, và hiện là Chủ tịch HĐQT của trường - để nghe từ bà những câu chuyện còn ít được biết về ngôi trường mở đường cho sự ra đời của khối đại học ngoài công lập, và về những thử thách mà trường phải vượt qua trong quá trình phát triển.

GS. TS Hoàng Xuân Sính tại phòng làm việc. Ảnh TT

GS. TS Hoàng Xuân Sính tại phòng làm việc. Ảnh TT

“Chúng tôi đã phải chịu nhiều sự mò mẫm”

Thưa cô, ban đầu những người sáng lập đã mơ về một ngôi trường đại học như thế nào?

Ngày ra đời, Đại học Thăng Long mang tên Trung tâm Đại học Thăng Long với ước mơ, tham vọng của những người sáng lập rằng, trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm bao gồm nhiều trường con. Nhưng ước mơ thì lớn lao như vậy, chứ bắt tay vào toàn những việc mò mẫm.

Cô có thể kể thêm về thời điểm chắc chắn là đáng nhớ này?

Ban đầu, chúng tôi được chấp thuận thực nghiệm mô hình cho toàn quốc về đại học tự chủ tài chính, không xin kinh phí nhà nước. Giai đoạn này chúng tôi phải chịu nhiều sự mò mẫm về quy chế hoạt động, chẳng hạn như nên thu học phí của sinh viên bao nhiêu đây? Đối với chúng tôi việc này không dễ vì chưa có tiền lệ. Hồi đó các trường đại học công của chúng ta mới có thêm hệ B dành cho những sinh viên thiếu 1 điểm chuẩn. Sinh viên hệ B phải trả học phí 9kg gạo/tháng, thế là chúng tôi quyết định lấy học phí 10kg gạo/tháng, tương đương 10 nghìn đồng/tháng.

Với 74 sinh viên tuyển được cho năm đầu tiên, chúng tôi bị hụt mỗi tháng 910 nghìn đồng! Sang các năm tiếp theo, tiền hụt tăng thêm vì số sinh viên đông lên. Cũng may là hàng tháng chúng tôi có mấy chục giáo sư Việt kiều trích lương bù cho. Mãi đến năm 1992, khi trường hướng tới các tổ chức tư nhân, quỹ phi chính phủ để xin giúp đỡ thì sự viện trợ của các giáo sư Việt kiều mới chấm dứt.

Mô hình thử nghiệm cuối cùng đã được đánh giá ra sao, thưa cô?

Năm 1994, khi tiến hành tổng kết mô hình thí điểm đại học dân lập, chúng tôi được đánh giá chỉ đạt về mặt học thuật, còn về mặt tài chính thì mô hình không thể đứng vững nếu cứ phải trông vào tiền quyên góp để trả lương cho giảng viên. Tuy nhiên quan điểm của Bộ GD&ĐT là các vấn đề về tài chính có thể gỡ dần, quan trọng trường đã thành công về mặt học thuật.

Tôi vẫn còn nhớ, ở thời điểm đó, trong khi các trường đại học khác chỉ có khoa Tin thì trường chúng tôi là nơi đầu tiên có khoa Toán – Tin, với môn Toán đóng vai trò quan trọng, cho sinh viên vốn liếng kiến thức để làm nghiên cứu về sau. Trường chúng tôi cũng là nơi đầu tiên dạy cả kế toán Mỹ và Pháp, trong khi các trường lúc đó chỉ dạy kế toán Việt. Quả nhiên vài năm sau, chẳng còn trường nào ở Việt Nam dạy kế toán Việt nữa. Sau khi có kết luận về mô hình, chúng tôi được chính thức thành lập Trường Đại học Dân lập Thăng Long, chữ Trung tâm được thay bằng chữ Trường theo quy định của Nhà nước.

Trung tâm Thực hành tài chính, một dạng phòng học mô phỏng dành cho sinh viên khối ngành Kinh tế - Quản lý, vừa được Đại học Thăng Long đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018. Ảnh: kenh14.vn

Trung tâm Thực hành tài chính, một dạng phòng học mô phỏng dành cho sinh viên khối ngành Kinh tế - Quản lý, vừa được Đại học Thăng Long đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018. Ảnh: kenh14.vn

Được chính thức công nhận là trường đại học, hẳn điều đó giúp trường phát triển thuận lợi hơn?

Lẽ ra phải mừng rỡ khi được chính thức trở thành trường đại học. Nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy, mừng thì có mừng nhưng lo vô cùng, thậm chí có lúc hoang mang, sợ hãi không biết tương lai đi đâu về đâu. Vì sao? Vì chúng tôi không có một tấc đất cắm dùi và không có đội ngũ giảng viên riêng của trường, toàn người đi mượn bên ngoài. Giai đoạn này đối với chúng tôi còn khổ sở hơn giai đoạn thí điểm nhiều.

Không biết bắt đầu từ đâu, cho nên cứ thấy việc gì tốt cho sinh viên thì chúng tôi đâm đầu vào làm. Chúng tôi quyết định phải có chương trình giảng dạy tốt và đội ngũ giảng viên tận tụy, tâm huyết. Chúng tôi chú trọng khâu tuyển sinh, bằng mọi giá giữ chất lượng đầu vào. Trong nhiều năm liên tiếp, trường tuyển sinh chưa đến một nửa con số mà Bộ GD&ĐT cho phép dù việc đó khiến trường thất thu khá nhiều. Chúng tôi cũng tổ chức dạy học theo hệ thống tín chỉ để tạo điều kiện tốt cho sinh viên học tập. Ai cũng hiểu tổ chức đào tạo theo niên chế dễ dàng và ít tốn kém hơn nhiều so với tổ chức đào tạo theo tín chỉ, nhưng đào tạo theo niên chế thì nhiều sinh viên trượt hơn và sinh viên trượt phải học lại cả năm. Đại học Thăng Long đã tự làm lấy phần mềm quản lý việc dạy tín chỉ một cách thực chất, không phải tín chỉ ngoài vỏ nhưng ruột vẫn là niên chế, được hơn 50 trường đại học trong cả nước học tập.

Bên cạnh đó, theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường, chúng tôi lấy toàn bộ thu trừ chi hằng năm để phát triển cơ sở và các hoạt động đào tạo, không chia cổ tức cho cổ đông. Vì chỉ có mỗi nguồn thu từ học phí, chúng tôi cũng phải tiết kiệm từng đồng thì mới đủ chi.

“Chưa kiếm được đủ tiền cho nghiên cứu khoa học, đó là vấn đề rất đáng sợ”

Như vậy đến thời điểm này, cô đã có thể tạm yên tâm về ngôi trường?

Chúng tôi đã làm được kỳ công với ngân sách rất nhỏ bé của mình - năm học 2008-2009, sau 3 năm xây dựng, toàn bộ trường Thăng Long chuyển sang cơ sở mới. Nhiều đoàn khách đến thăm đánh giá tối thiểu phải có 500 tỷ đồng mới xây được nhưng do chúng tôi tự tay làm tất cả, xây như xây nhà của mình, không thông qua nhà thầu nào nên chỉ mất 200 tỷ đồng.

Mặc dù cơ sở khang trang, các trường nước ngoài đến làm việc đều công nhận được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi tự nhận thấy mình vẫn đang ở giai đoạn tương đương tuổi “vị thành niên” của đời người, mà chúng tôi gọi là “vị đại học”, bởi trường mới đang xây dựng đội ngũ giảng viên, chưa bắt đầu vào nghiên cứu. Hiện chúng tôi đặt mục tiêu tất cả các giảng viên đều lên tiến sĩ. Những người nói tiếng Anh tốt, lương tháng được tăng thêm 1 triệu. Những người giảng dạy được bằng tiếng Anh thì thu nhập tăng vọt. Ai cũng thích lắm, học suốt ngày vì có mục tiêu cụ thể. Chúng tôi xác định, đến năm 2048 trường mới bước sang giai đoạn xây dựng đội ngũ nghiên cứu khoa học. Xong giai đoạn này, dự kiến kéo dài 40 năm, chúng tôi sẽ có một đại học thật sự.

Mới đây, chúng tôi đã thành lập Viện Toán và Khoa học ứng dụng Thăng Long (TIMAS) như một nỗ lực xây dựng đội ngũ giảng viên – nghiên cứu trẻ. Hiện nay, tất cả các môn khoa học trên thế giới đều cần Toán, nên chúng tôi tin rằng, nếu thành công với TIMAS, chúng tôi sẽ có tương lai. Chẳng phải Thomas Friedman đã từng nói, nhà toán học mang lại sự phồn vinh giàu có cho một quốc gia nhưng họ lại có thể làm việc khi quốc gia đó còn nghèo vì họ không đòi hỏi gì ngoài giấy, bút chì và không gian tĩnh lặng, không bị ai quấy rầy.

Theo cô, vì sao phải mất nhiều năm như vậy mới có một trường đại học thật sự trưởng thành? Đó là do tiềm lực của trường hay do bối cảnh chung của đại học Việt Nam?

Trong giáo dục, chất lượng là thứ phải lâu mới tỏ được. Nói đến một trường đại học là nói đến tên tuổi các giáo sư của trường vì họ là những người hút các đồng nghiệp nước ngoài đến cộng tác, và hút sinh viên giỏi đến học. Tôi vẫn thường nói, Thăng Long hãy còn non yếu về các giáo sư, nhưng chúng tôi chưa có nhiều [giáo sư] vì đất nước chưa có nhiều.

Ngay cả ở những nước có kinh tế mạnh, trường đại học của họ cũng phải mất cả trăm năm mới gây dựng được truyền thống và danh tiếng.

Nhưng thực tế là ở Việt Nam có một số trường đại học ngoài công lập đang nổi lên rất nhanh trong các bảng xếp hạng tổng thể và xếp hạng về học thuật.

Tôi biết có một số trường tư tăng số công bố nghiên cứu rất nhanh nhờ chiến lược trả tiền để các nhà khoa học bên ngoài đưa thêm tên trường vào phần địa chỉ bài báo. Làm bài báo phải sử dụng đến nghiên cứu sinh và sinh viên. Nếu nhà nghiên cứu không phải người của trường thì không có lợi gì cho việc giảng dạy sinh viên hay đào tạo nghiên cứu sinh của trường cả. Trường chúng tôi là trường tư, chúng tôi không thể lấy học phí của sinh viên để làm những việc không có lợi cho sinh viên. Với chúng tôi, đó là việc phải kỵ, phải tránh, hoàn toàn không nên làm.

Hiện nay nhiều người vẫn đầu tư vào giáo dục đại học với quan điểm đại học là siêu lợi nhuận. Nhưng đâu phải thế, đại học đâu phải là siêu lợi nhuận mà luôn thậm chi. Nhiệm vụ của đại học là nghiên cứu khoa học, nhưng nếu chỉ có học phí thôi, không có sự trợ giúp của chính phủ, xã hội, và doanh nghiệp thì không đủ vì nghiên cứu khoa học đòi hỏi đầu tư rất nhiều. Hiện chúng tôi chưa kiếm được đủ tiền cho nghiên cứu khoa học, đó là vấn đề rất đáng sợ, nhưng bằng bất cứ giá nào, chúng tôi sẽ phải tìm được cách đầu tư cho họ [các giảng viên - nghiên cứu viên].

Đại học Thăng Long gồm hai tòa nhà cao 8 và 10 tầng. Ảnh: tin247.com

Đại học Thăng Long gồm hai tòa nhà cao 8 và 10 tầng. Ảnh: tin247.com

“Làm điều tốt chưa chắc có hiệu quả ngay”

Kể từ khi mô hình đại học dân lập Thăng Long được thử nghiệm và chấp nhận, đến nay đã có hơn 100 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ra đời, chiếm khoảng 1/7 số trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Là “thiểu số”, các trường ngoài công lập có “chịu” sự phân biệt nào không, thưa cô, xét từ kinh nghiệm của Đại học Thăng Long?

Dần dần đã có sự công bằng trong đối xử giữa trường công và trường tư nhưng không phải ngay từ đầu đã được như vậy. Chẳng hạn, có thời điểm, sinh viên được tiêu chuẩn mua 15kg gạo/tháng nhưng sinh viên Thăng Long chỉ được mua 10kg. Rồi có lần khi Úc tổ chức thi lấy học bổng Master, sinh viên Thăng Long là người duy nhất đỗ nhưng lại không được cho đi vì không phải là sinh viên trường công lập. Lần đó tôi phải chạy lên nói với Bộ trưởng [Bộ GD&ĐT] Nguyễn Minh Hiển thì mới giải quyết được. Trường dân lập cũng dễ bị “bắt nạt”, bị “làm phiền” hơn bởi các cơ quan công quyền. Môi trường không thuận lợi thì cản trở sự phát triển nhiều lắm, khi chúng tôi cứ mắc míu vào những chuyện lặt vặt.

Những thành kiến đối với mô hình trường tư cũng gây khó khăn cho chúng tôi, thí dụ trong việc tuyển giảng viên, vì họ không nhìn thấy tương lai cho việc tiến thân của mình. Thời kỳ đầu, thậm chí có người ngại phải nói mình làm việc ở trường tư. Chúng tôi không tuyển được người xuất sắc dù mọi đãi ngộ cũng như bên trường công, nếu không nói là hơn.

Cô có thể chia sẻ điều mình đúc kết được từ quá trình làm quản lý giáo dục đại học nhiều năm?

Trong giáo dục phải kiên trì, làm điều tốt chưa chắc có hiệu quả ngay nhưng nếu làm điều không tốt thì tất cả lập tức sụp đổ, không cứu vãn được.

Một câu hỏi hơi riêng tư nhưng chắc cũng là của nhiều người biết về cô: ở tuổi 86, cô vẫn tham gia điều hành trường trước sự thán phục của nhiều người. Sức khỏe và sự minh mẫn đó là do cô được thừa hưởng di truyền hay do sự rèn luyện của bản thân?

Tôi cũng đầy bệnh, như đang bị ho đây này. Nhưng về cơ bản tôi sống thanh thản, vô lo. Với tôi, mọi chuyện cứ thường, tự nó phát triển, mình nghĩ sao hết được. Tôi không tính toán điều gì cho riêng mình. Tôi cũng không chua chát, vì tôi làm được nhiều điều mình muốn.

KH&PT trân trọng cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này. Chúc cô năm mới dồi dào sức khỏe và thành công!

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Đại học Thăng Long là mọi bụi bặm và ồn ào từ con đường vành đai chạy ngang qua đều bị chặn lại phía sau cánh cổng. Dù ngoài trời lạnh lẽo, mưa lép nhép nhưng sảnh đường của trường hôm đó vẫn sạch bóng và ấm cúng. Cây xanh hiện diện khắp nơi, màn hình liên tục chạy dòng chữ khuyến khích sinh viên nên chọn đi cầu thang bộ vì điều đó có lợi cho sức khỏe. Các lớp học được cách âm lý tưởng, từ ngoài chỉ có thể thấy giảng viên đang giảng bài hoặc sinh viên đang phát biểu qua dải kính trong suốt trên tấm cửa gỗ.

GS.TS Hoàng Xuân Sính, người chúng tôi xin phép được gọi là “cô” trong cuộc phỏng vấn, làm việc trong căn phòng rộng rãi, có cả một chiếc máy chạy bộ. Hành lang dẫn đến phòng làm việc của bà được trang bị hệ thống đèn cảm biến, chỉ bật sáng khi có người. Nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam cuốn hút chúng tôi bằng ngữ điệu và cử chỉ sinh động, biểu cảm. Buổi phỏng vấn kết thúc nhanh gọn vì bà luôn trả lời thẳng vào câu hỏi.

Trước khi ra về, chúng tôi nhờ bà dẫn đi thăm Khoa Âm nhạc ứng dụng chuyên đào tạo về thanh nhạc, khoa mới nhất của trường, vừa được thành lập cách đây hai năm. Khoa có 22 phòng học nhưng mới có 30 sinh viên. Nhiều phòng học được trang bị đàn piano, ngoài ra còn có cả sân khấu mini, phòng tập vũ đạo - tất cả đều toát lên vẻ chuẩn mực ngay cả so với các trường nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Sinh viên các khoa khác trong trường có thể đến đây học để lấy chứng chỉ về thanh nhạc, vũ đạo hoặc đơn giản để đổi một phần nho nhỏ trong môn học nào đó bằng việc học nhạc. “Chúng tôi mạnh tay đầu tư cho khoa này vì chúng tôi tin rằng âm nhạc giúp giải phóng con người,” bà nói giản dị.