Đã gần hết năm 2015 nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa được phân bổ bất cứ phần kinh phí nào để thực hiện nội dung tuyên truyền cho điện hạt nhân mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Ông Bùi Nhật Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển xung quang vấn đề này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Nhật Quang phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo - Trưng bày về phát triển điện hạt nhân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Nhật Quang phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo - Trưng bày về phát triển điện hạt nhân

Thực hiện nhiệm vụ chính trị khi kinh phí chưa về

Ông nhận định thế nào về vai trò của địa phương đối với việc xây dựng nhà máy ĐHN trên địa bàn?

Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư năm 2012 là cơ sở quan trọng để triển khai nhà máy ĐHN và ngay sau đó Chính phủ đã ra hàng loạt quyết định nhằm thúc đẩy quá trình phát triển ĐHN của Việt Nam. Trong số các văn bản quan trọng đó có quyết định số 370 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dự án thông tin tuyên truyền về ĐHN.

Ninh Thuận là địa bàn được triển khai hai nhà máy ĐHN đầu tiên, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Ninh Thuận đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức để đóng góp vào quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN. Ngoài chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, Ninh Thuận cũng tăng cường các hợp tác quốc tế nhằm liên kết chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong việc triển khai thực hiện dự án này.

Nhấn mạnh yếu tố đồng thuận của cộng đồng, ngày 28/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 370/QĐ-TTg phê duyệt đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam đến năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền ĐHN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ khi có Quyết định 370 đến nay?

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã rất chủ động triển khai công tác tuyên truyền trên toàn tỉnh và hai xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - nơi sẽ xây dựng hai nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta, thông qua các hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, họp dân phố, phát tờ rơi....

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông của tỉnh như Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận thực hiện công tác tuyên truyền, trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh không có kinh phí.

Tính đến thời điểm này, Ninh Thuận vẫn chưa nhận được những hỗ trợ đầy đủ về mặt thông tin tuyên truyền về ĐHN. Người dân Ninh Thuận - đặc biệt là người dân khu vực xây dựng các nhà máy - đang rất lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hai dự án trên địa bàn.

Chúng tôi đã cố gắng cung cấp thông tin liên quan đến ĐHN, giải đáp phần nào những thắc mắc nhưng hiệu quả chưa cao, chỉ phần nào tạo sự yên tâm về mặt tâm lý cho người dân và chủ yếu là khu vực hai dự án. Lý do là Ninh Thuận chưa nhận được đủ mức hỗ trợ của trung ương, bao gồm cả hỗ trợ về tài chính cũng như hỗ trợ về số liệu, thông tin chính xác mang tính khoa học và có căn cứ pháp lý cụ thể về ĐHN mà điều này thuộc trách nhiệm của một số bộ, ngành trung ương như Bộ Công Thương và một số bộ, ngành khác. Đây là vấn đề nghiêm trọng, rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính.

Việc thiếu kinh phí tuyên truyền tác động như thế nào đến tiến độ chuẩn bị của hai dự án ĐHN đầu tiên của nước ta, thưa ông?

Công tác chuẩn bị dự án ĐHN thực tế vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, việc thông tin tuyên truyền chưa đầy đủ đã có những ảnh hưởng nhất định đối với địa phương. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, tại các cuộc tiếp dân, người dân ở khu vực dự án vẫn rất băn khoăn, lo lắng, muốn làm rõ nhiều vấn đề, nhất là thời điểm cụ thể xây dựng hai dự án ĐHN, khi nào từng hộ dân nhận được tiền đền bù để di dời... Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân nhưng do còn vướng về việc cung cấp kinh phí tuyên truyền, vướng về thông tin nên bản thân lãnh đạo tỉnh cũng chưa giải đáp một cách thấu đáo những thắc mắc của người dân.

Việc xây dựng hai nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 của nước ta được thực hiện theo chủ trương của Quốc hội từ năm 2009. Người dân cần được biết về hiệu quả kinh tế cũng như các tác động tích cực, tiêu cực của ĐHN nên tháng 2/2013, Thủ tướng đã ký Quyết định 370 thông qua phương án tài chính tài trợ thông tin tuyên truyền cho ĐHN với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng.

Phát triển điện hạt nhân rất cần sự đồng thuận của công chúng. Ảnh: LL
Phát triển điện hạt nhân rất cần sự đồng thuận của công chúng. Ảnh: LL

Thông tin tuyên truyền về ĐHN không chỉ ở địa bàn xây dựng các nhà máy mà còn trên cả nước là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh Ninh Thuận và nhiều bộ, ngành liên quan khác. Nhưng thông tin tuyên truyền cũng là việc tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Ninh Thuận còn rất khó khăn - một trong những tỉnh nghèo nhất nước, song đến nay đã gần hết năm 2015, địa phương vẫn chưa được phân bổ bất cứ phần kinh phí nào để thực hiện nội dung tuyên truyền mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Cần sự phối hợp và cơ chế đặc thù

Ông vừa nhắc đến sự phối hợp giữa các bộ, ngành về thông tin, cũng như sự chậm trễ của Bộ Tài chính về phân bổ kinh phí theo Quyết định 370 Thủ tướng đã phê duyệt đối với công tác tuyên truyền, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Liên quan đến công tác chuẩn bị xây nhà máy ĐHN có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó đối với tỉnh Ninh Thuận là nhiệm vụ di dân và tái định cư - một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng phải thực hiện một loạt các công tác đầu tư khác cho cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, lựa chọn một số con em địa phương đi học để chuẩn bị nguồn nhân lực.

Nguồn lực của Ninh Thuận hiện nay chưa thể cân đối được, chưa đáp ứng được yêu cầu của hai dự án ĐHN đầu tiên của nước ta và vẫn phải trông vào nguồn ngân sách của trung ương.
Mới đây, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ để đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến ĐHN và về cơ bản, những đề nghị của Ninh Thuận đã được Chính phủ chấp thuận, đang chờ Bộ Chính trị cho ý kiến chính thức.

Tháo gỡ vấn đề kinh phí tuyên truyền ĐHN cho Ninh Thuận, theo ông nên bắt đầu từ đâu?
Tôi cho rằng, cần có một cuộc họp liên ngành giữa cơ quan quan trọng nhất về kinh phí là Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì thực hiện đề án 370 là Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Ninh Thuận, để thống nhất cách thức giải ngân cụ thể, để địa phương có kinh phí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền.

Sự phân vai rõ ràng, phối hợp đồng bộ thì chắc chắn hoạt động này sẽ đạt được thành công và việc phát triển điện hạt nhân của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dự án ĐHN Ninh Thuận cần tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ:

- Thực hiện dự án di dân, tái định cư. Kế hoạch đến hết quý IV/2016 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để năm 2019 hoàn thành các hạng mục dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, tổ chức di dân đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng cho EVN.
- Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì nhiệm vụ xây dựng, trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt trong năm 2016.
- Triển khai đề án “Thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN” theo Quyết định 370, cụ thể:
+ Kế hoạch năm 2014: 478 triệu đồng.
+ Kế hoạch năm 2015: 1.020 triệu đồng
+ Kế hoạch khung giai đoạn 2016-2020: 6.000 triệu đồng
Phân bổ kinh phí năm 2014-2015: 0 đồng
Ông Lê Kim Hùng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận