Nhiều nhà khoa học Mỹ bày tỏ lo ngại với đề xuất viết lại luật nghiêm cấm quấy rối tình dục trong môi trường giáo dục của chính phủ Mỹ.

Thư ký Giáo dục Hoa Kỳ Betsy DeVos và Tổng thống Donald Trump, đã đề xuất những thay đổi lớn đối với một bộ luật liên bang liên quan đến việc cấm phân biệt đối xử về giới tính trong giáo dục. Ảnh: Jabin Botsford / The Washington Post
Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, người ngồi cạnh Tổng thống Donald Trump trong ảnh này, đã đề xuất những thay đổi lớn đối với luật cấm phân biệt giới tính trong giáo dục của liên bang. Ảnh: Jabin Botsford / The Washington Post

Đề xuất gây tranh cãi của chính phủ Mỹ nhằm thay đổi luật nghiêm cấm kỳ thị giới tính trong lĩnh vực giáo dục đã thu hút được gần 103 nghìn ý kiến từ công chúng, trong đó có nhiều ý kiến của các nhà khoa học. Trọng tâm của cuộc thảo luận xoay quanh tương lai của Tiêu đề IX (Title IX) thuộc đạo luật giáo dục 1972 vốn được coi là vũ khí pháp lý quan trọng trong cuộc chiến chống quấy rối tình dục và các hành vi tình dục sai trái khác trong môi trường học thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng những thay đổi được đề xuất bởi Bộ Giáo dục Mỹ hồi tháng 11/2018 sẽ làm giảm mức độ bảo vệ đối với học sinh, sinh viên. Thời gian lấy ý kiến công khai về bản kế hoạch nêu trên là 60 ngày, và đã kết thúc vào ngày 30/1/2019.

Trên trang lấy ý kiến của chính phủ (regulations.gov), Celia Ford, nghiên cứu sinh ngành Khoa học thần kinh tại Đại học California, Berkeley, viết: “ Nếu quan tâm đến những người bị quấy rối và phải chịu bạo hành tình dục thì chúng ta không thể để cho các quy định trong Tiêu đề IX bị suy yếu.”

Ami Radunskaya, nhà toán học tại Đại học Pomona ở Claremont, California, và là chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ trong Toán học, viết: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng sự phổ biến của hành vi quấy rối tình dục trong các ngành khoa học toán học vẫn đang tiếp diễn”. Theo Ami, những thay đổi được đề xuất “sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn”.

Định nghĩa lại sự quấy rối

Đề xuất nêu trên của Bộ Giáo dục Mỹ sẽ định nghĩa lại hành vi quấy rối tình dục, từ "hành vi có bản chất tình dục trái với mong muốn” thành “hành vi trái với mong muốn dựa trên cơ sở giới tính; có tính chất nghiêm trọng, phổ quát, và cố ý xúc phạm; cản trở rõ rệt quyền tiếp cận bình đẳng với chương trình hoặc hoạt động giáo dục [của tổ chức]”.

Luật sửa đổi cũng yêu cầu những người tố cáo phải có mặt tại một phiên tòa trực tiếp và đối chất với đại diện của người mà họ tố cáo.

Betsy DeVos, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, nói rằng những thay đổi này sẽ hỗ trợ cho cả những người bị cáo buộc cũng như những người cáo buộc họ, đồng thời giảm gánh nặng điều tra các cáo buộc quấy rối tình dục cho các trường đại học.

Các hội sinh viên và các nhóm giáo dục đại học đã thúc giục các thành viên của mình đóng góp ý kiến trước khi thời gian lấy ý kiến công khai kết thúc.

Ford biết được thông tin này thông qua Liên đoàn Sinh viên-Nhân viên của Đại học California. Cô nói rằng những thay đổi trên sẽ dẫn đến nguy cơ các trường đại học diễn giải luật theo nhiều cách có hại.

Ford lo rằng trường đại học có thể cả quyết rằng một giảng viên có hành động không phù hợp với các đồng nghiệp cấp dưới trong khi làm việc không bị coi là có hành vi “nghiêm trọng, phổ quát và cố ý xúc phạm”.

Cô cũng lo lắng rằng những thay đổi này sẽ gây tổn hại cho các nhóm vốn đã yếm thế tại nhiều cơ sở giáo dục, chẳng hạn như những người da màu hoặc các nhóm thiểu số về giới và xu hướng tính dục (LGBT+).

Radunskaya cũng nghĩ như vậy. "Nhiều thay đổi trong đề xuất sẽ khiến cho người ta mất hết can đảm để đi tố cáo, và sẽ làm cho các cơ sở giáo dục ít phải chịu trách nhiệm hơn,” Radunskaya nói. “Chúng ta cần đi theo cách khác - làm cho môi trường trở nên cởi mở hơn chứ không phải ngược lại”, Radunskaya bình luận.

Quấy rối tình dục, một vấn nạn trong môi trường học thuật

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2018 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia của Mỹ cho thấy nạn quấy rối tình dục xuất hiện ở khắp nơi trong môi trường học thuật và gây tổn hại đến tính liêm chính trong nghiên cứu.

“Tôi biết nhiều sinh viên và thực tập sinh đã rời bỏ khoa, chuyên ngành hoặc lĩnh vực nghiên cứu của họ do bị quấy rối” - Carol Ward, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Missouri ở Columbia, viết trong ý kiến đóng góp.

“Tôi nhận ra có những cái khó trong các tình huống quấy rối, nhưng việc lờ đi hay ngăn cản việc tố cáo và làm nhục các nạn nhân sẽ làm cho vấn đề bị kéo dài mãi chứ không được giải quyết”, Ward nói.

Ward cũng lưu ý rằng những thay đổi trong đề xuất sẽ bao gồm cả việc yêu cầu cơ sở giáo dục phản ứng chỉ khi hành vi quấy rối hoặc tấn công xảy ra trong khuôn khổ “chương trình hoặc hoạt động giáo dục” của họ. Nhiều người băn khoăn liệu điều này có loại trừ các vụ việc xảy ra bên ngoài khuôn viên nhà trường không.

Ward cho rằng: “Các thành viên thuộc cộng đồng phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, bất kể chúng xảy ra ở đâu hoặc khi nào thì chúng ảnh hưởng đến các thành viên khác trong cộng đồng,” Ward viết.

Tuy nhiên, DeVos và Bộ Giáo dục Mỹ không có nghĩa vụ thay đổi các quy định đã đề xuất trên cơ sở ý kiến công khai nhận được.

“Tôi tin chắc rằng điều này sẽ gây ức chế trong việc tố cáo và cũng sẽ gây ra rất nhiều hoang mang" - theo Jill Dunlap, giám đốc nghiên cứu và thực hành tại Hiệp hội Quốc gia Các cơ quản quản lý Nhân sự sinh viên (NASPA) ở Washington DC. “Chúng ta đang phá hủy công sức của nhiều năm theo nghĩa cố gắng khiến học sinh, sinh viên tin tưởng vào quy trình” - Dunlap nói.

Nguồn: