“Phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp đồng bộ để triển khai việc đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ (SHTT). Không thể chấp nhận tình trạng nợ đọng đơn, tình trạng SHTT chưa trở thành động lực cho đổi mới sáng tạo”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh khẳng định như vậy tại hội nghị về quản lý SHTT vừa diễn ra tại Hải Phòng.

85% số đơn đã được xử lý

Trong năm 2015, Cục SHTT tiếp nhận 93.985 đơn các loại và đã xử lý 75.283 đơn, bao gồm 35.360 đơn đăng ký xác lập quyền. Về sở hữu công nghiệp, cục đã chấp nhận bảo hộ 25.621 đối tượng và từ chối bảo hộ 9.739 đối tượng.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, con số này cho thấy tình trạng nợ đọng đơn vẫn còn rất lớn, hiện cơ quan quản lý mới giải quyết được 85% lượng đơn đăng ký: “Vì vậy, một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tìm các giải pháp đồng bộ để xử lý tình trạng nợ đọng”.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh chủ trì hội nghị về quản lý SHTT tại Hải Phòng. Ảnh: Loan Lê

Đây chính là vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu giải quyết trong buổi làm việc gần đây với Bộ KH&CN. Theo đó, Bộ KH&CN cần chỉ đạo Cục SHTT điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về SHTT phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà việt Nam là thành viên, các quy định liên quan đến trình tự thủ tục, điều kiện trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và dịch vụ sở hữu công nghiệp, loại bỏ những quy định gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội.

“Cần tập trung từng bước rút ngắn thời hạn xử lý đơn, sớm khắc phục tình trạng tồn đọng đơn, cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình, đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định đơn, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo để nâng số lượng và chất lượng thẩm định viên; nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp “ - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Lộ trình 1,5 năm cho hạ tầng công nghệ thông tin

Tại hội nghị về quản lý SHTT, đại diện các sở KH&CN, các tổ chức đại diện chủ sở hữu công nghiệp hiến kế tháo gỡ tình trạng tồn đọng đơn. Giải pháp nâng số lượng và chất lượng người đại diện sở hữu công nghiệp - cầu nối giữa Cục SHTT và các chủ thể đơn - được đưa ra.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cho biết, theo ghi nhận tại sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp, cả nước hiện có 171 tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và 310 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Năm 2015, tỷ lệ đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp nộp qua các tổ chức dịch vụ đại diện chiếm gần 60%. Chất lượng đơn nộp qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ngày càng cao, tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Đồng tình với giải pháp này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, mới đây trong buổi làm việc với Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý giải pháp huy động các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các viện, trường tham gia thẩm định đơn đăng ký sáng chế, từng bước xã hội hóa một số khâu trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp, giúp Cục SHTT rút ngắn khâu này. Theo đó, cục sẽ thành lập các trung tâm SHTT ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các trường đại học lớn, giúp cho việc xử lý tình trạng nợ đọng đơn có hiệu quả hơn.

“Chúng tôi cho rằng chính các trung tâm này sẽ gắn kết chặt chẽ với các nhà khoa học, giúp thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Họ sẽ hiểu và tư vấn cho các nhà khoa học những kết quả nào cần bảo hộ, giúp việc hoàn thiện các đơn đăng ký SHTT được hiệu quả hơn và việc thẩm định trở nên nhanh chóng hơn” - ông Trần Việt Thanh nói.

Thứ trưởng cũng cho biết, nhiều giải pháp đồng bộ khác cũng đang được thực hiện như hoàn thiện quy trình xử lý đơn, đơn giản hóa, phân cấp mạnh mẽ hơn, giảm bớt những khâu không cần thiết, tăng cường nguồn lực xử lý đơn, đào tạo đội ngũ thẩm định đơn… Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại phù hợp với sự phát triển CNTT và yêu cầu của chính quyền điện tử về sự công khai, minh bạch đối với người nộp đơn đang được xúc tiến.

“Cục SHTT đang xây dựng hệ thống CNTT hiện đại thông qua thỏa thuận với tập đoàn Viettel. Hy vọng dự án sẽ hoàn thành tốt với sự hiện diện của hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, phù hợp với các nước phát triển. Theo lộ trình, dự án tích hợp hạ tầng CNTT hiện đại đã được hoàn thành và chuẩn bị đưa vào triển khai, dự kiến khoảng 1,5 năm nữa sẽ có hạ tầng CNTT mới phục vụ cho việc xử lý đơn” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh chia sẻ.