Năm 2017 vừa qua đánh dấu sự tăng hạng vượt bậc của Việt Nam về chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST), từ thứ hạng 59 năm 2016 lên thứ hạng 47 (tăng 12 bậc). Các chỉ số về năng lực cạnh tranh cũng như môi trường kinh doanh đều có sự tăng trưởng đáng kể.

Hội nhập quốc tế, tuân theo các thước đo chung

Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đầu năm 2014. Vì vậy, ngày 18/3/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/ NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xác định mục tiêu đến hết năm 2015 Việt Nam đạt nước trung bình của nhóm nước ASEAN-6 trên 6 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh.

Năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP, trong đó tăng mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2016 đạt mức trung bình ASEAN-4 và mở rộng lên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2016/ NQ-CP mở rộng thêm các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của các thị trường theo cách xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới; duy trì mục tiêu đạt trung bình ASEAN-4 đến hết năm 2017 và đặt mục tiêu đạt ASEAN-3 đến hết năm 2020.

Nhóm các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm R&D của Tổng công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: P. Hòa

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau ba năm triển khai Nghị quyết 19 (từ năm 2014 đến 2016), môi trường kinh doanh của nước ta đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực ĐMST chưa có nhiều cải thiện và vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra (đạt trung bình của nhóm nước ASEAN-4).

Trong bối cảnh đó, đầu tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2017/ NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2017, định hướng 2020.

So với nghị quyết của các năm trước tập trung chủ yếu vào các chỉ số môi trường kinh doanh, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã mở rộng, toàn diện và bao trùm hơn, tiếp cận đồng bộ bốn vấn đề: (i) Môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới); (ii) Năng lực cạnh tranh quốc gia (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới); (iii) Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới); và (iv) Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên Hợp Quốc).

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP không chỉ chú trọng tăng tốc trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn đưa ra một tầm nhìn với nhiều điểm mới, thể hiện qua gần 250 chỉ tiêu và tương ứng là từng ấy nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ ngành, địa phương.

Trong đó có 10 chỉ tiêu về Chính phủ điện tử, 82 chỉ tiêu về Đổi mới sáng tạo, 114 chỉ tiêu về Năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết lần này là thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hướng nền kinh tế tới một giai đoạn phát triển cao hơn.

Chính phủ đã lần đầu tiên định vị và đặt mục tiêu về năng lực ĐMST của Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu, thể hiện rõ quan điểm hội nhập quốc tế, tuân theo các thước đo thông lệ chung của quốc tế. Việc sử dụng bộ chỉ số ĐMST theo cách tiếp cận của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giúp chúng ta đánh giá được năng lực ĐMST, theo dõi được mức độ cải thiện và so sánh được khoảng cách về năng lực ĐMST của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới để từ đó xây dựng và thực hiện các biện pháp cải thiện năng lực ĐMST, cải thiện năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Điều này cũng đòi hỏi phải thay đổi cách thức quản lí, phối hợp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, với nguyên tắc quản lí phải dựa trên số liệu thống kê, các kết quả theo dõi và đánh giá. Đây cũng chính là ĐMST trong quản lí nhà nước.

Cần những giải pháp dài hạn

Theo phân công của Chính phủ, ngoài việc trực tiếp chủ trì cải thiện 24 chỉ số ĐMST và phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc cải thiện các chỉ số ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ còn được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST của các bộ, ngành và địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2017 Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ tích cực và chủ động tiến hành tập huấn, hướng dẫn, đồng thời đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số.

Đồng thời, Bộ đã cùng với một số bộ, cơ quan thu thập thông tin, dữ liệu còn thiếu hoặc chưa cập nhật của Việt Nam để cung cấp cho các tổ chức quốc tế kịp thời phục vụ đánh giá, xếp hạng chỉ số ĐMST năm 2017, góp phần giúp công tác đánh giá, xếp hạng chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2017 được đầy đủ và phản ánh đúng thực trạng.

Lớp học robot được tổ chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ trong dịp khởi động Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Anh Tuấn

Hiện nay, Bộ đang rà soát thông tin, dữ liệu, phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức quốc tế để có dữ liệu cập nhật, phục vụ đánh giá, xếp hạng chỉ số ĐMST năm 2018.

Mới đây tại hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2017”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng sự nâng hạng về chỉ số ĐMST quốc gia trước hết là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nhiều nỗ lực của các bộ, ngành, nhưng “làm được đã khó, để duy trì và tiếp tục phát triển còn khó khăn hơn”.

Vì vậy, “Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành, khó đến đâu cũng quyết tâm làm. Chúng ta sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề nghị chuyên gia quốc tế cùng vào cuộc để Việt Nam có thể tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, đánh giá thực trạng, từ đó có giải pháp cụ thể cho việc nâng hạng chỉ số những năm tiếp theo” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số ĐMST. Các bộ, ngành, địa phương không chỉ cần tập trung xây dựng và thực hiện đồng thời các giải pháp có kết quả, có tác động ngay mà còn hướng tới các giải pháp mang tính dài hạn, bởi chỉ có như vậy, việc cải thiện chỉ số ĐMST và năng lực ĐMST mới bền vững và có ý nghĩa đóng góp trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Để các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của chỉ số ĐMST, nắm bắt cách thức tính toán, nguồn dữ liệu của chỉ số ĐMST, trong năm 2017 Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tổ chức WIPO tiến hành tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ WIPO và các chuyên gia trong nước để trực tiếp hướng dẫn chi tiết cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Cũng ngay trong tháng 3/2017, Bộ KH&CN đã biên soạn Tài liệu hướng dẫn về “Định nghĩa, cách tính toán và nguồn dữ liệu của các chỉ số ĐMST”.

Mới đây nhất, tháng 12/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành “Sổ tay hướng dẫn về Chỉ số ĐMST toàn cầu” cung cấp những thông tin chi tiết cần thiết như nguồn dữ liệu và phương pháp tính toán. Những tài liệu hướng dẫn trên đã được gửi tới tất cả các bộ, ngành, địa phương.