Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) và ĐH Bách khoa Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị liên quan lắp đặt thử nghiệm 5 thiết bị quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động tại KCN Formosa Hà Tĩnh.

13 năm, 8 vụ mất nguồn phóng xạ

Việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội gia tăng đáng kể những năm gần đây, nhất là thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ ứng dụng trong công nghiệp, xây dựng, hải quan... như các thiết bị đo, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát hàng hóa xuất - nhập cảnh, thăm dò khai thác dầu mỏ, sản xuất ximăng... Tuy nhiên, tình hình an toàn, an ninh đối với nguồn phóng xạ đang đặt ra vấn đề cho các nhà quản lý.

TS Trần Quang Vinh (giữa) cùng các cộng sự lắp đặt thử nghiệm thiết bị QL&GS nguồn phóng xạ di động tại Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh ngày 18/3/2016. Ảnh: N. Hưng
TS Trần Quang Vinh (giữa) cùng các cộng sự lắp đặt thử nghiệm thiết bị BKRAD nguồn phóng xạ di động tại Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh ngày 18/3/2016. Ảnh: N. Hưng

Sau vụ mất nguồn phóng xạ đầu tiên ngày 23/12/2003 tại Công ty cổ phần ximăng Việt Trung (ở thôn Cổ Động, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), Việt Nam đã xảy ra thêm 7 vụ khác tương tự. Gần đây nhất, cuối năm 2015, dư luận hoang mang khi nguồn phóng xạ Cs - 137 trong Nhà máy ximăng Bắc Kạn bị phát hiện đã thất lạc. Như vậy, cứ gần 2 năm lại xảy ra một vụ, trong đó có 5 vụ hoặc mất hẳn hoặc đến nay chưa tìm thấy, chỉ có 3 vụ tìm thấy được.

Trước thực trạng này, ngày 21/7/2015 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi thông tư 23/2010/TT-BKHCN về hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ. Theo đó, các cơ sở chụp ảnh phóng xạ công nghiệp phải lắp đặt thiết bị định vị giám sát nguồn phóng xạ trên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ di động. Cục An toàn bức xạ hạt nhân phải thiết lập hệ thống giám sát nguồn phóng xạ di động kết nối với các thiết bị định vị trên.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cục An toàn bức xạ hạt nhân đã hợp tác với các đơn vị liên quan của Chính phủ Hàn Quốc triển khai dự án Radlot (Radiation Source Location Tracking System) nhằm bảo đảm an ninh cho các nguồn phóng xạ NDT (thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp - PV).

Tuy nhiên, khi thực hiện dự án này phía Hàn Quốc cũng chỉ cung cấp được cho Việt Nam 30 bộ thiết bị giám sát an ninh gắn với nguồn phóng xạ. Để chủ động, các nhà khoa học Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo thiết bị quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động tích hợp tên BKRAD để cung ứng cho thị trường trong nước.

Sản phẩm nội địa có nhiều cải tiến

TS Trần Quang Vinh - thuộc Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm đề tài - chia sẻ: “BKRAD không phải là thiết bị giám sát hành trình mà là thiết bị quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động. Thiết bị được tích hợp cảm biến đo phóng xạ và có các tính năng về phần cứng phù hợp với môi trường làm việc của vật chủ - projector - chứa nguồn phóng xạ”.

BKRAD có 2 tính năng chính là định vị, truyền thông trên cơ sở hạ tầng di động sẵn có ở Việt Nam và hệ cảm biến, giám sát. Với hệ cảm biến, giám sát, BKRAD cho phép xác định trạng thái projector nhằm thiết lập chế độ làm việc phù hợp.

Khi projector chứa phóng xạ đang làm việc hoặc di chuyển, BKRAD gửi dữ liệu trực tuyến về trung tâm với chu kỳ 30 giây/lần. Trong trường hợp projector không hoạt động, BKRAD sẽ tự động chuyển về chế độ tiết kiệm năng lượng và gửi dữ liệu 60 phút/lần. Khi projector lưu kho, BKRAD sẽ gửi dữ liệu 10 tiếng/lần. Ngoài ra với hệ cảm biến, giám sát, BKRAD cũng tự động kích hoạt một thiết bị bí mật giám sát chính bị phá hoại. Chức năng này cho phép tìm lại projector bị đánh cắp hoặc thất lạc.

Ông Trần Quang Vinh dẫn ví dụ: Khi gắn thiết bị này, công nhân sử dụng projector di chuyển đến đâu đều được phát hiện tức thời. Khi nguồn phóng xạ được tời ra khỏi projector đến vị trí chiếu chụp, hệ cảm biến phóng xạ cho phép phát hiện trạng thái này. Đây là điểm cải tiến mà các thiết bị trước chưa làm được.

“BKRAD là sản phẩm được làm hoàn toàn ở trong nước - từ khâu thiết kế cho đến chế tạo, Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ này. Vỏ dưới được làm bằng hợp kim để tránh va đập, vỏ trên được làm bằng vật liệu chịu nhiêt, chỉ có linh kiện điện tử là phải nhập từ nước ngoài” - ông Vinh cho biết thêm.

Đánh giá về thiết bị này, ông Trần Mạnh Cường - Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Cục An toàn bức xạ hạt nhân - cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, thiết bị tương đối ổn định và có thể đáp ứng yêu cầu mà cục đề ra. Tuy nhiên, việc một thiết bị hệ thống viễn thông đáp ứng đúng với yêu cầu của bài toán về quản lý rất phức tạp. Tôi cho rằng trong thời gian tới, nhóm tác giả cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm một số tính năng, kể cả phần cứng và phần mềm, sao cho phù hợp với thực tế hơn nữa”.

Theo thông tư 13/2015/TT-BKHCN, tất cả các tổ chức, cá nhân có sử dụng thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp chứa nguồn phóng xạ đều phải lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ di động. Đây có thể xem là “cú hích” để các sản phẩm nội địa chứng minh khả năng của mình.

“Cục An toàn bức xạ hạt nhân rất mong muốn hướng tới sản phẩm nội địa chứ không sử dụng sản phẩm của nước ngoài. Sản phẩm này có thể chạy song song với các sản phẩm Hàn Quốc trong dự án Radlot. Trên cơ sở đó, các đơn vị nghiên cứu có thể lựa chọn những lợi thế của sản phẩm nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu, bổ trợ cho sản phẩm của mình” - ông Trần Mạnh Cường gợi ý.