Hàng triệu nông dân Việt Nam chỉ cần ngồi nhà bấm điện thoại là có thể biết mọi thông tin liên quan đến đồng ruộng, được cung cấp nhờ công nghệ viễn thám nhằm phục vụ sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực.

Đây là mục tiêu của dự án “Viễn thám địa lý cho nông nghiệp và nước tại Đồng bằng sông Cửu Long - G4AW” được Chính phủ Hà Lan tài trợ, chính thức được triển khai tại Việt Nam từ đầu năm 2016. Dự án vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ký kết và Tập đoàn Lộc Trời là đối tác chính để triển khai.
Lễ ký dự án “Viễn thám địa lý cho nông nghiệp và nước tại Đồng bằng sông Cửu Long  giữa Chính phủ Hà Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: K.A
Lễ ký dự án “Viễn thám địa lý cho nông nghiệp và nước tại Đồng bằng sông Cửu Long giữa Chính phủ Hà Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: K.A

Vệ tinh phục vụ trồng lúa

Việt Nam nằm trong 10 nước được chọn từ 33 ứng viên để thực hiện dự án G4AW. Bằng công nghệ viễn thám, các dữ liệu địa lý kết hợp với các thông tin liên quan đến khí hậu, thời tiết, hạn hán sẽ được sử dụng để đưa ra tư vấn phù hợp, kịp thời.

Theo ban quản lý, dự án sẽ sử dụng các ảnh từ vệ tinh, số liệu thu thập tại đồng ruộng được nhập liệu thông qua điện thoại di động để xử lý ảnh viễn thám. Mô hình ước đoán năng suất lúa và dự báo dịch hại cũng được sử dụng để thông tin diễn biến về tình hình sinh trưởng cây lúa, dự báo năng suất lúa, tình hình sâu bệnh, dịch hại, lũ lụt, nhiễm mặn… Các thông tin sau khi thu thập và xử lý sẽ được cung cấp miễn phí cho hàng triệu nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long qua các kênh như truyền thông công cộng, website và tổng đài tin nhắn để có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Người dân chỉ cần ngồi nhà bấm điện thoại là có thể biết mọi thông tin liên quan đến khí hậu, thời tiết và được dự báo các nguy cơ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tiết kiệm hạt giống, nguồn nước và phân bón. Ngoài ra, nông dân cũng có thể nhận được những cảnh báo sớm về tình hình hạn hán, lũ lụt và các diễn biến dịch hại trong quá trình sản xuất.

Nâng cao năng suất, chất lượng bằng KH&CN

Việc kết hợp dữ liệu địa lý với điện thoại di động để cập nhật thông tin hằng ngày đã chứng minh tính hiệu quả ở châu Phi và Ấn Độ. Tại Việt Nam, công nghệ viễn thám chưa được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, việc đưa dự án G4AW vào thực hiện tại Việt Nam hứa hẹn sẽ trực tiếp đem lại nhiều thông tin hữu ích với góc nhìn khoa học đến cho hàng triệu người dân. Những thông tin này sẽ đem lại cho người dân tầm nhìn rộng hơn, bao quát và kịp thời hơn trong sản xuất nông nghiệp. Các dữ liệu địa lý cũng giúp Tập đoàn Lộc Trời trong việc hoàn chỉnh và phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững. Ngoài ra, với các ứng dụng của dự án, quá trình quản lý, canh tác được thực hiện tốt hơn, quản lý lượng phân bón và nước tưới phù hợp. Những số liệu thu thập được giúp xác định vùng dịch hại trọng điểm để xây dựng biện pháp phòng trị hiệu quả, tốn ít chi phí và an toàn cho môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và công nghệ cao nhưng còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long trước thực trạng biến đổi khí hậu và việc khai thác, sử dụng sông Mêkông.

Bộ KH&CN đang được Chính phủ giao triển khai chương trình cấp quốc gia “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, trong đó có nội dung nghiên cứu và sử dụng công nghệ vệ tinh, công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển bền vững vùng này.

“Bộ KH&CN sẽ kết hợp chặt chẽ với dự án G4AW để đưa vào chương trình này. Bộ cũng cam kết sát cánh với các đơn vị triển khai dự án và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ chương trình KH&CN cấp quốc gia. Những kết quả của dự án sẽ mang lại bước phát triển mới cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng như phát triển lúa gạo ở Việt Nam” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Tập đoàn Lộc Trời là công ty tiên phong trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, hiện có sự tham gia của hơn 40.000 hộ nông dân. Đây cũng là công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam sở hữu chuỗi trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Nhờ áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật và nâng cao hàm lượng chất xám trong việc tạo ra sản phẩm, Lộc Trời đã thành công trong việc đưa thương hiệu gạo Việt Nam đến 36 quốc gia. Dự án G4AW với tổng kinh phí 1.869.288EUR được thực hiện trong 3 năm. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời đối ứng 390.000EUR, phần còn lại do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Sóc Trăng và Cần Thơ sẽ là hai tỉnh đầu tiên được thử nghiệm dự án.