Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (ĐHN) giai đoạn đến năm 2020.

Để thẩm định an toàn cho dự án điện hạt nhân (ĐHN), các cơ quan liên quan đã tham vấn đối tác nước ngoài và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thuê thêm tư vấn nước ngoài.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (ĐHN) giai đoạn đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng ĐHN quốc gia phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và thực tiễn Việt Nam, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu triển khai dự án ĐHN Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả.

Nguồn nhân lực chất lượng cao làm việctrong nhà máy ĐHN là một trong những khâu then chốt đảm bảo an toàn. Ảnh: Bùi Khôi
Nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong nhà máy điện hạt nhân là một trong những khâu then chốt đảm bảo an toàn. Ảnh: Bùi Khôi

2016 là năm bản lề

Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) - cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn thứ hai - chuẩn bị hồ sơ xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên. Năm 2016 sẽ có ý nghĩa rất quan trọng vì là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đồng thời, đây là năm các bộ, ngành thẩm định các hồ sơ đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cũng như hồ sơ địa điểm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khẳng định các dự án được khả thi, an toàn và có địa điểm sẵn sàng cho việc xây dựng nhà máy.

Năm 2016-2017 là giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để ký hợp đồng xây dựng với các đối tác, trước mắt là Liên bang Nga. Đây là năm kết thúc giai đoạn 2 và chuẩn bị giai đoạn 3 rất quan trọng là xây dựng và đưa vào vận hành các tổ máy đầu tiên.

Trong việc đảm bảo an toàn - theo Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Hoàng Anh Tuấn, phải có trách nhiệm của các bên liên quan, từ trách nhiệm lập pháp của Quốc hội đến trách nhiệm ban hành quyết định của các bộ, ngành, đặc biệt là của Bộ KH&CN. Đồng thời, phải có trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các ngành khác trong quản lý nhà nước để huy động nhân lực chất lượng cao; đồng bộ, toàn diện các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của một dự án theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, đáp ứng đúng điều kiện thực tiễn trong nước. Yêu cầu cao về an toàn càng cần được quan tâm đặc biệt sau thảm họa Fukushima.

Việc thẩm định an toàn đang được triển khai dựa vào các thông tư được Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về an toàn cho giai đoạn phê duyệt địa điểm và dự án cũng như đánh giá tác động môi trường. Các cơ quan liên quan đã tham vấn đối tác nước ngoài cũng như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trong việc này. Tuy nhiên thời gian tới, Việt Nam sẽ phải thuê thêm tư vấn nước ngoài để hỗ trợ năng lực trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm.

Việt Nam sẽ tự đào tạo một phần nhân lực

Nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong nhà máy ĐHN được xem là một trong những khâu then chốt, cốt lõi cho tính an toàn. Nhân lực trong một nhà máy ĐHN gồm 3 cấu phần chính là đội ngũ quản lý, vận hành và bảo dưỡng.

Hiện nay, Việt Nam đã có trên 300 sinh viên được đào tạo chuyên ngành về ĐHN tại Liên bang Nga, trong đó có nhiều sinh viên của tỉnh Ninh Thuận. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt để sau này về vận hành và bảo dưỡng nhà máy. Trong giai đoạn tới, một số trường đại học trong nước sẽ mở thêm các bộ môn chuyên ngành về kỹ thuật hạt nhân để đáp ứng nguồn nhân lực cho dài hạn. Đội ngũ quản lý là cán bộ các bộ, ngành liên quan hiện được Bộ KH&CN tập trung đào tạo.

Theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế là Việt Nam mới bắt đầu làm ĐHN nên chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, có những việc làm chưa đồng bộ, chưa có chính sách thực sự để huy động tài năng trẻ và cán bộ quản lý, kỹ thuật có kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghiệp khác.

Tuy vậy, Việt Nam cũng nhận được nhiều thuận lợi khi có những hướng dẫn chung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập hơn 10 điều ước quốc tế nên có cơ hội hợp tác trực tiếp với các đối tác nước ngoài với trình độ công nghệ cao, bề dày kinh nghiệm trong đào tạo cán bộ cũng như tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Đây sẽ là một trong những yếu tố góp phần thuận lợi đối với chủ trương phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.