Trước yêu cầu công nghiệp hóa rất cao trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ bức xạ trong công nghiệp như xử lý dây cáp điện với độ bền cao, tạo vật liệu nano chitosan bán dẫn… là cần thiết. Ngay từ lúc này, phải chuẩn bị trước về phòng thí nghiệm, đội ngũ chuyên gia.

Đó là quan điểm của TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN - được chia sẻ tại hội thảo quốc gia lần thứ II về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà cục tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo ông, việc năng lượng nguyên tử được ứng dụng rất rộng trong cuộc sống, từ y tế, nông nghiệp, công nghiệp… thời gian qua chứng minh tính hiệu quả của nó. Đặc biệt, công nghiệp là lĩnh vực có nhiều triển vọng trong việc ứng dụng nguồn năng lượng này. Việc sử dụng máy gia tốc trong công nghiệp và xử lý nước thải đem lại cho Mỹ và Nhật Bản doanh thu 20-30 tỷ USD mỗi năm.

Nhiều kết quả ứng dụng công nghệ bức xạ được giới thiệu ở hội thảo ngày 13-14/10 về ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Hà Nội. Ảnh: HM

Thực tế, công nghệ bức xạ là loại hình công nghiệp trong đó bức xạ ion hóa được sử dụng làm nguồn năng lượng trong các quá trình sản xuất. Việc sử dụng tia gamma Co-60, dòng điện tử gia tốc và tia X (chuyển đổi từ dòng điện tử gia tốc) đang được triển khai ở nhiều nước.

Hiện trên thế giới có hơn 200 nguồn chiếu xạ gamma Co-60 và hơn 1.000 máy gia tốc điện tử hoạt động cho mục đích ứng dụng công nghiệp. Cụ thể, công nghệ bức xạ có thể biến tính polymer tạo vật liệu cách điện, màng ống co nhiệt hay chế tạo vỏ lốp ôtô, chiếu xạ xử lý nước thải, khí thải…

“Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng máy gia tốc ứng dụng công nghệ bức xạ, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật phục vụ hoa quả xuất khẩu” - ông Tuấn cho biết.

Ông Phan Sơn Hải - Viện Nghiên cứu hạt nhân - cũng dẫn một thực tế chứng minh tính hiệu quả của kỹ thuật hạt nhân: Các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật này trong nghiên cứu xói mòn, suy thoái đất nông nghiệp và trầm tích hồ.

Cụ thể tại khu vực Tây Nguyên và Lâm Đồng, các nhà khoa học đã dùng đồng vị Be7, Cs137 và Bp210 như các chất chỉ thị giúp nghiên cứu quá trình xói mòn, phân bố đất. Bằng cách so sánh lượng đồng vị rơi lắng này tại từng điểm lấy mẫu trên lưu vực, so sánh với lượng đồng vị tại vị trí bằng phẳng, không bị xói mòn, các nhà khoa học có thể đánh giá tốc độ xói mòn hoặc bồi tụ tại các vị trí lấy mẫu khảo sát. Cs137 có thể cho biết lịch sử xói mòn trong khoảng 50 năm gần đây, còn Bp210 cung cấp thông tin xói mòn trong khoảng 100 năm.

“Trong tương lai, trước yêu cầu công nghiệp hóa của Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ bức xạ tạo ra các vật liệu đặc biệt sẽ rất cần thiết. Vì vậy, ngay từ lúc này, phải tạo ra năng lực khoa học và công nghệ, tạo phòng thí nghiệm, đội ngũ chuyên gia để những năm tới - khi điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta đáp ứng được, đội ngũ này sẽ cùng với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ bức xạ rộng hơn vào thực tế” - TS Tuấn nói.