Vừa qua, ĐH Y - Dược TP. HCM đã tổ chức lễ thành lập Trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới Sáng tạo (GIC).

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub trao đổi với một nhà nghiên cứu của ĐH Y Dược TP.HCM – Ảnh: T.Đăng
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub trao đổi với một nhà nghiên cứu của ĐH Y Dược TP.HCM – Ảnh: T.Đăng

Trung tâm GIC với sứ mạng hỗ trợ các cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên của ĐHYD ở ngành học khác nhau có điều kiện tốt nhất để thực hiện các dự án giáo dục, nghiên cứu liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Tại lễ thành lập trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới Sáng tạo (GIC) của trường Đại học Y Dược TP.HCM, PGS TS Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường, nói vui: “Nghề bác sĩ và chăm sóc sức khoẻ đang là nghề bận rộn nhất hiện nay. Bận đến nỗi, chúng ta nhìn thấy rất nhiều vấn đề trong công việc, nghiệp vụ cần giải quyết, mà không dừng lại để biến nó thành sản phẩm, thành công ty khởi nghiệp được. Vậy nên Trung tâm GIC phải ra đời để giúp hoàn thành những sáng kiến này và đưa nó vào cuộc sống”.

Chuyện của những người làm y tế

PGS Diệp Tuấn nói về trải nghiệm của cá nhân mình: “Hồi tôi còn là sinh viên năm 3 trường Y, đi thực tập, thấy một cô gái trẻ nằm thoi thóp trên giường bệnh. Cô tự tử bằng cách uống axit, nên thực quản bị thương nặng, và có khả năng bị dính lại với nhau, phải nằm điều trị và rất đau đớn. Tự dưng tôi nhớ ra cái ống thông bàng quang, nếu mình chế ra cái thiết bị tương tự như vậy nhưng kích thước nhỏ hơn, đưa vào trong thực quản, bơm cho phồng lên, cho thêm chất nhờn bên ngoài, sẽ giúp thực quản cố định và không bị dính vào nhau… Nhưng rồi, tôi không biết bước tiếp theo của suy nghĩ này là gì, sẽ nói với ai, sẽ nhờ ai giúp đỡ… Nếu thời đó mà có GIC thì hay quá…”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Đăng, người vừa được bổ nhiệm làm phó giám đốc điều hành GIC thì góp thêm những mẩu chuyện nhỏ để chứng minh khả năng vô tận của “những người bận rộn”: “Có nhiều nơi ở Việt Nam, bác sĩ phải đi khám bệnh từ… 3 giờ sáng, nên đúng là chúng ta thiếu thời gian để suy nghĩ, để sáng tạo, hoặc đã làm xong những cải tiến, những giải pháp hữu ích nhưng không thể biến nó thành dự án khởi nghiệp để đi xa hơn được. Lúc nghiên cứu về các mô hình của trung tâm sáng tạo y dược trên thế giới, tôi tìm ra những ví dụ đơn giản mà rất hay: Chuyện một cô bé 12 tuổi, suốt ngày phải vào bệnh viện truyền dịch. Cô sợ lắm, nên nghĩ ra việc lấy con gấu bông của mình lồng bên ngoài túi dịch truyền, thế là đỡ sợ hơn hẳn. Cô bé nghĩ chắc cũng nhiều bạn cần con gấu bông ôm túi dịch truyền như mình, nên lên trang mạng gọi vốn cộng đồng xin mọi người đóng góp để mang chú gấu này đến cho mọi bệnh nhân nhi đồng. Dự án được ủng hộ gấp năm lần số tiền cần có, và nó thành công tới mức cô bé này phải nhờ người giúp đỡ để đưa “con gấu dịch truyền” của mình thành một sản phẩm thương mại”.

Tiến sĩ Đăng, vừa tròn 30 tuổi, đã có mấy mươi bài báo quốc tế từ Nhật Bản, cầm trên tay cái “kính hiển vi giá 1 USD”, và chiếu đoạn clip về cái kính đặc biệt này. Đó là sản phẩm của hai sinh viên y khoa Mỹ, thấy rằng nhu cầu kính hiển vi là rất lớn, đặc biệt ở các vùng không có nước sạch, vì họ cần xem các loài siêu nhỏ trong nước, mà kính thì đắt lắm. Vậy là họ chế ra cái kính hiển vi bằng giấy, gấp gọn lại như chơi xếp hình origami kiểu Nhật Bản, và… bán hàng triệu cái trên toàn thế giới”.

Và chờ đợi sứ mệnh khởi nghiệp

Trần Ngọc Đăng cũng giới thiệu nhiều công trình nghiên cứu của trường, có khi chỉ là một luận văn tốt nghiệp cử nhân thôi, sử dụng trí tuệ nhân tạo để thống kê và chẩn đoán xác suất ung thư vú của một sinh viên. Có khi là ứng dụng giám sát và giảm trầm cảm của một giảng viên… Tất cả đều có sẵn ở đâu đó, vấn đề là… không có ai hỗ trợ.

Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Saigon Innovation Hub, ký kết hợp tác với trường ĐH Y Dược về hỗ trợ thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ xong, nói: “Hôm nay là một điểm khởi đầu đặc biệt, khi mà các bác sĩ, thầy thuốc và chuyên gia chăm sóc sức khoẻ ngồi đầy đủ để nói câu chuyện về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong công tác chuyên môn của quý vị. Tôi theo đuổi câu chuyện này từ nhiều năm, và hiểu rằng lĩnh vực khởi nghiệp trong y tế luôn là nóng nhất trên thị trường, đặc biệt là câu chuyện về dược liệu bản địa của địa phương. Tôi tin rằng, từ bước khởi đầu này, chúng ta có thể làm ra được nhiều điều có ích cho cuộc sống cũng như mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, có thể xuất khẩu được. Trách nhiệm của một trung tâm như thế này là quá lớn, và sẽ phải tiến dần đến cơ chế tự chủ, để biến mình thành một vườn ươm khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực…”.

Tối về, gặp PGS TS Trịnh Thị Diệu Thường, người bác sĩ đầu ngành phía Nam trong lĩnh vực y học cổ truyền, chị bảo: “Tôi đồng ý ký ủy quyền cho những bạn trẻ này các công trình nghiên cứu của mình, để thương mại hóa cũng được, để lập dự án khởi nghiệp cũng được, miễn sao những gì tôi tạo ra, được lan tỏa tác động rộng lớn hơn là tốt. Chứ… tôi siêu bận rộn, không làm được đâu”.

Lĩnh vực khởi nghiệp trong y tế luôn là nóng nhất trên thị trường, đặc biệt là câu chuyện về dược liệu bản địa của địa phương. Trách nhiệm của GIC là sẽ phải tiến dần đến cơ chế tự chủ, để biến mình thành một vườn ươm khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực…, theo ông Huỳnh Kim Tước.