Phương pháp học tập chính thống ở bậc đại học chủ yếu là Đọc tài liệu - Chuẩn bị quá trình tham gia bài giảng - Thảo luận - Củng cố kiến thức thu nhận được từ giờ giảng. Như vậy, việc tự đọc - tự học đóng vai trò quan trọng nhất.

Phương pháp học tập thụ động thầy đọc - trò chép đang diễn ra tại phần lớn các trường đại học của Việt Nam. Ảnh: INT

Phương pháp này khác hoàn toàn với hình thức học tập thụ động đang diễn ra phần lớn các trường đại học của Việt Nam (thầy đọc - trò chép, hầu như không có chuẩn bị, thảo luận…). Lý do lớn nằm ở chỗ chúng ta không có những giáo trình cung cấp đủ lượng kiến thức cũng như mức độ chi tiết trong nội dung để người đọc có thể tự học.

Phần lớn sách giáo trình ở Việt Nam viết ra mang tính hàn lâm quá cao, khó tiếp cận, trong khi ví dụ minh họa hay phần giải thích ý nghĩa thường ít được quan tâm; các chuẩn mực khoa học cũng chưa được tuân thủ đầy đủ. Dĩ nhiên lý do cũng đến từ phía người học khi mà ý thức tự học của các em còn chưa cao, nhưng tôi tin tưởng rằng việc chưa cung cấp được tài liệu tự học phù hợp là một nguyên nhân ngăn cản các em nâng cao ý thức tự học.

Để hỗ trợ tốt cho quá trình tự học, việc xuất bản giáo trình hướng đến đối tượng sinh viên là rất quan trọng. Cá nhân tôi nhận thấy, phần lớn giáo trình của bậc giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay mang tính chất sách tổng hợp kiến thức hơn là hướng đến truyền tải kiến thức cho người đọc. Một điểm dễ nhận ra là các giáo trình tiếng Việt có số trang tương đối thấp (200~400 trang) trong khi các giáo trình bằng tiếng Anh mà tôi tiếp cận thường có số trang lên đến 600~1000. Sở dĩ có sự chênh lệch như vậy vì họ cung cấp kiến thức và các diễn giải một cách rất kỹ lưỡng, số lượng ví dụ minh họa và liên hệ thực tế phong phú, ngoài ra còn có những thông tin bổ trợ hướng người đọc đến những nguồn thông tin khác nhằm củng cố kiến thức.

Khi tôi bắt đầu công việc tại Đại học Thủy lợi năm 2008, nhà trường đã triển khai chương trình mua một số sách giáo trình (dựa theo đề cương giảng dạy) của các trường đại học ở Mỹ. Những giáo trình đó được dịch hoặc chủ biên dịch bởi các giảng viên ở Đại học Thủy lợi, sau đó hiệu đính và phản biện rồi cuối cùng đưa thư viện thực hiện in ấn và lưu hành nội bộ. Dự án này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của Đại học Thủy lợi, hướng tới chuẩn hóa kiến thức về khoa học kỹ thuật trong đào tạo và nghiên cứu theo các tiêu chuẩn chung của thế giới. Ngoài ra, dự án hướng tới việc xây dựng nguồn tài liệu tham khảo phong phú phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu của cả sinh viên và giảng viên. Nếu không có dự án này, nhiều giảng viên hầu như không có cơ hội tiếp cận với các giáo trình quốc tế kinh điển.

Nói như vậy để thấy, một dự án xuất bản giáo trình quốc tế là thực sự cần thiết, không chỉ để thay đổi hình thức và thái độ học tập của sinh viên Việt Nam, vốn đã đang khá tụt hậu so với sinh viên đại học nhiều nước trên thế giới. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân khi tham gia dự án ở trường Đại học Thủy lợi, tôi nhận thấy, những dự án tương tự sẽ thành công nếu giải quyết được hai vấn đề nhân lực và tài lực với mức độ quan trọng tương đương nhau.