Tại hội thảo “KHCN và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất bốn giải pháp cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Kỹ thuật viên của Công ty  thiết bị ngành may THSM đang giới thiệu công nghệ cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Vĩnh Phúc
Kỹ thuật viên của Công ty thiết bị ngành may THSM đang giới thiệu công nghệ cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Quang Vinh hiện nay là Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam.

Theo quan điểm của ông, tính đến nay, Việt Nam đã có tương đối đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, chủ yếu được triển khai thông qua các công cụ thuế (chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp), các chương trình hỗ trợ và các giải pháp tài chính (trích lập Quỹ KH&CN, hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp, bảo trợ tín dụng cho các khoản vay đổi mới công nghệ). Tuy nhiên đánh giá chung cho thấy, quá trình này của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nguyên nhân từ nhiều góc độ:

Về cơ quan nhà nước, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về KH&CN tại các địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương thiếu chặt chẽ, chưa có cơ chế thực thi đồng bộ trong việc triển khai cơ chế, chính sách phát triển KH&CN, hỗ trợ đổi mới công nghệ. Các chính sách của nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mát thời gian, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác.

Về phía doanh nghiệp, mặc dù nhận thức được lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp nào biết ứng dụng và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay, việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, phải vay vốn với lãi suất cao nên khó có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện nghiên cứu phát triển hoặc nhận công nghệ chuyển giao tiên tiến từ nước ngoài.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ tài chính còn nhiều bất cập: hiện tại thuế Thu nhập doanh nghiệp là công cụ chính để nhà nước thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên công cụ này có một số bất cập: quy trình xét miễn giảm thuế phức tạp cũng sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh; quá trình xin hỗ trợ vốn vay của đổi mới công nghệ của doanh nghiệp bị kéo dài, tốn nhiều thời gian và công tác.

Vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cũng đang là nút thắt quan trọng. Việc giải quyết vấn đề này thông qua mở rộng hợp tác với các nhà khoa học chưa đồng bộ vì mục tiêu của hai bên chưa được hợp nhất. Nếu như các nhà khoa học có mục tiêu là hoàn thiện ý tưởng, phát minh sáng chế thì mục tiêu của doanh nghiệp là tổ chức sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm, trong trường hợp họ là nhà đầu tư thì cuối cùng phải đạt được mục tiêu bán được hàng và có lợi nhuận.

Mặt khác, việc quảng bá về hoạt động KH&CN nói chung và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng còn hời hợt nên doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả lâu dài của việc đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp không biết đến Luật Chuyển giao công nghệ, hoặc một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN, Kết quả, rất ít doanh nghiệp tham gia thụ hưởng những hỗ trợ nghiên cứu KH&CN của nhà nước.

Trên cơ sở những vấn đề mà thực tế đặt ra, ông Nguyễn Quang Vinh đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thiết thực và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là:

Hỗ trợ kết nối theo chuỗi cung ứng: Các giải pháp hỗ trợ đổi mới công nghệ cần hướng tới việc phổ biến công nghệ kèm theo việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thể chế, tạo nên sự lan tỏa về công nghệ. Hiện tại, chính phủ đang triển khai tích cực các chính sách trên nhưng trong quá trình xây dựng các giải pháp chính sách cần quan tâm đến chiến lược đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp S&M, bao gồm: nhận diện xu hướng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị của các ngành sản xuất kinh doanh có sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển trên cơ sở phân tích ngành, phân tích phí sản xuất trung bình của toàn ngành; xác định nhóm doanh nghiệp và thu thập thông tin chi tiế về doanh nghiệp ở các nước phát triển có nhu cầu di chuyển nhà máy sang các nước đang phát triển; chuẩn bị hồ sơ giới thiệu về lợi thế của doanh nghiệp nội địa, thiết kế các kịch bản tiếp cận và thuyết phục hợp tác; tìm hiểu đối tác nước ngoài và đề xuất hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế của hai bên. Do đó từng ngành, các hiệp hội và cơ quan quản lý phải có hướng tập trung hỗ trợ đồng bộ để doanh nghiệp có thể thực hiện các bước này.

Xây dựng thí điểm một số khu cụm công nghiệp chuyên ngành và các trung tâm nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp, phát triển một số thương hiệu quốc gia cho một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Để làm được việc này, nhà nước phải có đầu tư cho thị trường quốc tế về một số sản phẩm tiềm năng của Việt Nam, trên cơ sở đó doanh nghiệp Việt Nam (một nhóm trong một ngành) tập trung cải thiện chuỗi giá trị theo nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Đây là cách tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam có thị trường bền vững.

Tăng cường giải pháp hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ: Giải pháp này chỉ hiệu quả khi đổi mới cơ chế hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước/vốn ODA cho các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi nếu họ tham gia các chương trình đổi mới công nghệ, công nghệ cao…; Tăng cường hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp S&M, thông qua đó tạo thêm nguồn vốn dài hạn, có lãi suất hợp lý cho họ có vốn đầu tư đổi mới công nghệ, cập nhật công nghệ; Nâng cao vai trò hoạt động của các cơ quan tín dụng chính sách như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đổi mới và ứng dụng KHCN, tăng cường áp dụng phương thức thuê mua tài chính cho khu vực tư nhân và các doanh nghiệp S&M để họ dễ dàng cho sắm thiết bị, máy móc mới; Có chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các vườn ươm doanh nghiệp phù hợp theo từng giai đoạn: khởi sự, tăng trưởng, phát triển thành doanh nghiệp lớn; Xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan để đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, đánh giá rủi ro cho vay đối với khu vực tư nhân, đặc biệt đối với S&M chưa có lịch sử tiếp cận tín dụng, qua đó tăng cường các khoản cho vay tín chấp; Đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào đổi mới công nghệ của các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm.

Tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI: Ở khía cạnh này, nhà nước có thể thúc đẩy các chương trình kết nối thông tin phục vụ phổ biến công nghệ để phát triển công nhiệp phụ trợ và trao đổi hàng hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia của các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, nước ngoài; khi các doanh nghiệp đã tiếp cận được doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng thì nhà nước cần có ưu đãi ngay để có kênh thông tin và ngân hàng có thể cho vay ưu đãi, nếu có sự đảm bảo của các doanh nghiệp nước ngoài và công nghệ cao thì cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt.