Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nói chung đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là bài toán nền tảng cần phải giải quyết trước khi nói đến những thay đổi mang tính đột phá khác cho loại hình doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Ảnh: VietnamNews
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Ảnh: VietnamNews

Đồng tiền là đầu câu chuyện

Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, hằng năm đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 30% thu ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và tạo ra gần 60% việc làm. Có thể nói, những chàng lực sĩ tí hon khổng lồ này đóng vai trò không thể thay thế được trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là nguồn vốn tự có ít ỏi nên phải trông chờ phần lớn vào nguồn tài chính bên ngoài. Trong khi đó, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, hệ thống tài chính của Việt Nam phụ thuộc vào các ngân hàng. Cho đến hiện nay, với họ việc vay vốn từ các ngân hàng vẫn còn là điều khó. Khảo sát của VCCI cho biết chỉ khoảng 30% doanh nghiệp SME tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Có nhiều lý do khiến các tổ chức tài chính khó cấp vốn cho SME, nhưng đặc biệt là vì thiếu thông tin (hay còn gọi là ‘thông tin không đối xứng’) khiến quá trình đánh giá và phục vụ đối tượng này trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải đáp ứng những quy định ngặt nghèo đang ngày càng nâng lên về bảo đảm tiền vay và các thủ tục chặt chẽ khi thẩm định, ra quyết định. Do vậy, phần lớn ngân hàng không “mặn mà” với SME. Họ thường thực hiện các hoạt động chắc chắn và có lợi như cho vay tập đoàn lớn và cho vay tiêu dùng.

Trong khi đó, SME vẫn phải tiếp tục dựa vào các nguồn nội bộ hoặc vay ngoài với chi phí cao, nhiều rủi ro. Thậm chí, trong bước đường cùng, nếu không tiếp cận được với các nguồn chính thức, doanh nghiệp SME sẽ phải tìm đến những nguồn phi chính thức như tín dụng đen.

“Tín dụng đen đang thật sự là một vấn đề rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ, than thở. Tại Diễn đàn an ninh tài chính tiền tệ cuối tháng 12/2020, ông cho rằng nếu không giải quyết được những khoảng trống mà khu vực chính thức đang tạo ra thì cuối cùng “thành ra tín dụng đen lại có cơ hội phát triển”.

Ngay trong bài toán chuyển đổi số đang được nhà nước khuyến khích, ông Hùng cho biết để thực hiện một kế hoạch chuyển đổi thành công cũng cần ít nhất 1-2 năm, những kế hoạch loại này thường sẽ bị ngân hàng từ chối. Do vậy, giải quyết bài toán dẫn vốn sẽ là tiền đề quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số cũng như phát triển sản xuất - kinh doanh.

Giải pháp từ công nghệ tài chính

Làm thế nào để lấp đầy những khoảng trống về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ? Sự ra đời của Fintech – loại hình kết hợp giữa công nghệ với các mô hình kinh doanh sáng tạo trong dịch vụ tài chính – có thể là lời giải cho vấn đề này. Fintech có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng về tài chính cho doanh nghiệp SME bởi nó cung cấp những giải pháp chưa từng có để đối phó với hai rào cản chính mà các doanh nghiệp này phải đối mặt là bất đối xứng thông tin và thiếu tài sản thế chấp.

Một mặt, Fintech cho phép các nhà cấp vốn giảm đáng kể chi phí giao dịch khi tiếp cận tới những phân khúc khách hàng chưa được phục vụ như SME. Nó bao gồm nhiều hình thức, ví dụ công nghệ kế toán để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý báo cáo tài chính, những cơ chế chấm điểm tín dụng mới bằng nguồn thông tin phi truyền thống như lịch sử thanh toán, thông tin thanh toán trên các ứng dụng, hoạt động trực tuyến và lịch sử di động. Điều này khiến các bên cấp vốn có thể hiểu rõ hơn về người đi vay mà không cần tốn quá nhiều chi phí để khảo sát và cho phép tỷ lệ chấp nhận vay cao hơn, linh hoạt hơn.

Mặt khác, số hóa và công nghệ tài chính cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng với một số nguồn tài chính thay thế mà trước đây khó làm được như cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (Equity Crowfunding), tài trợ dựa trên chuỗi cung ứng và tài trợ thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các công nghệ Blockchain (tức ‘sổ cái phân tán’) cũng giải quyết bài toán niềm tin do bất đối xứng thông tin và thiếu tài sản thế chấp của hai bên tham gia vay mượn. Blockchain có thể áp dụng cho bất kỳ giao dịch tài sản kỹ thuật số nào được thực hiện trực tuyến. Những ứng dụng của Blockchain như “hợp đồng thông minh” có thể thực hiện giao dịch ngay lập tức khi mỗi bên đáp ứng các điều kiện nhất định đã thỏa thuận, bỏ qua bất kỳ người trung gian nào và gần như không có rủi ro (và chi phí) thực thi.

Minh chứng tại Singapore cho thấy Fintech có thể thúc đẩy hiệu quả việc cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Validus, công ty Fintech cho vay tín chấp ngắn hạn ở đây, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ tài chính trong hệ thống của họ đã chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận hằng năm lên tới 17%, đóng góp 300 triệu USD cho GDP, và tạo ra 10.000 việc làm cho Singapore.

Ở Việt Nam, Validus dự báo thị trường cho vay ngang hàng P2P có thể đạt 7,8 tỉ USD trong năm 2020. Trong khi đó, hãng tư vấn McKinsey nhận định, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỉ USD. Như vậy, tính toán sơ bộ chỉ ra rằng một lĩnh vực cho vay của Fintech như P2P có thể giải quyết được hơn 37% nhu cầu vốn của SME.


Hiện nay, Fintech vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành. Chúng vẫn phải tiếp tục cải thiện để đối mặt với các thách thức khác như đảm bảo công nghệ bảo mật, tinh hóa mô hình kinh doanh và nâng cao hiểu biết về tài chính còn hạn chế của khách hàng.

Trong khi mở ra các cơ hội tài chính mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự gia nhập của các công ty Fintech và các công ty công nghệ lớn vào thị trường tài chính SME có thể gây khó khăn cho những người chơi truyền thống là ngân hàng. Về lâu dài, nó có thể tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các ngân hàng phải thay đổi bản thân để tiếp cận tới những đối tượng vốn bị bỏ qua này.

Tuy vậy, hiện nay, Fintech vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành. Chúng vẫn phải tiếp tục cải thiện để đối mặt với các thách thức khác như đảm bảo công nghệ bảo mật, tinh hóa mô hình kinh doanh và nâng cao hiểu biết về tài chính còn hạn chế của khách hàng.

Chờ tiếng pháo khởi động

Điều trở ngại lớn nhất với sự phát triển của Fintech hiện giờ là thiếu khung pháp lý. Đối với những mô hình mới mẻ lại liên quan đến ‘dòng tiền’ của cả xã hội, Chính phủ sẽ phải thiết kế các biện pháp chính sách thích hợp để cân bằng giữa lợi ích của đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro có thể tạo ra.

Trên thực tế, việc xây dựng chính sách này gặp rất nhiều thách thức. Mặc dù đã tiến hành xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) từ năm 2017 nhưng sự thận trọng của các bên khiến Dự thảo Nghị định này đến nay vẫn chưa thể hoàn tất. Trong số sáu nước Đông Nam Á đang phát triển Fintech, Việt Nam và Philippines là hai nước chưa áp dụng được cơ chế này.

Trong lúc chờ pháp lý hoàn thiện, các công ty Fintech vẫn từng bước phát triển và mở rộng thị phần nhanh chóng. Theo Báo cáo Tổng quan thị trường Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2020 của TopDev, ở lĩnh vực thanh toán, hệ thống Fintech Việt Nam hiện đã có 36,2 triệu người dùng, trong khi lĩnh vực cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng và cung cấp tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự tham gia của gần 50 công ty Fintech.

Dường như cấp vốn và khai thông tín dụng là cuộc chơi không thể đảo ngược. Sớm hay muộn, để tăng trưởng Việt Nam cũng cần những công cụ tài chính mới. Và hiện nay, không chỉ Fintech mà “cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung đều rất mong chờ các cơ quan quản lý sớm ban hành sandbox để cho phép những hình thức huy động vốn thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Kim Hùng nhấn mạnh.