Để tăng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN trong nông nghiệp, theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp - nông thôn, Việt Nam cần đổi mới căn bản về chính sách.

1 sản phẩm của doanh nghiệp địa phương tham gia trình diễn tại Techmart 2015. Ảnh: Lê Loan
1 sản phẩm của doanh nghiệp địa phương tham gia trình diễn tại Techmart 2015. Ảnh: Lê Loan

Cụ thể, cần xây dựng chính sách mới về thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực phát triển giống cây trồng, vật nuôi; cơ khí nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ sau thu hoạch; tự động hóa trong nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; công nghệ tái chế, tận dụng phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp; sản xuất và phát triển thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học…

Cần xây dựng Quỹ Đổi mới KH&CN nông nghiệp với hình thức hội đồng quản lý quỹ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ tịch, với 7-9 thành viên gồm chuyên gia trong các lĩnh vực: KH&CN, đầu tư/tài chính, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp và đại diện một số doanh nghiệp KH&CN dẫn đầu trong nông nghiệp. Hội đồng phê duyệt đặt hàng sản phẩm KH&CN và áp dụng cơ chế giải ngân dựa trên kết quả đầu ra, giám sát bằng sản phẩm.

“Ngân hàng” các vấn đề cần nghiên cứu, chuyển giao trong sản xuất nông nghiệp cần được hình thành để báo cáo hội đồng quản lý quỹ, đảm bảo thông tin nhu cầu được cập nhật thường xuyên trên cơ sở thu thập thông tin từ các viện, doanh nghiệp, tổ chức khuyến nông, chính quyền và người dân…

Nên xây dựng hướng dẫn cụ thể danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng mà trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ; coi đây là hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và được áp dụng mức thuế suất 0%.

Ngoài ra, cần nghiên cứu và hình thành hàng rào kỹ thuật, đưa ra các giải pháp ngăn chặn nhập khẩu máy móc chất lượng thấp, gây ô nhiễm môi trường. Công khai tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường để doanh nghiệp có thể nhập khẩu các máy móc mà trong nước sản xuất không hiệu quả. Có chính sách trợ cấp nhiên liệu cho nông dân và ngư dân, khuyến khích đầu tư dịch vụ duy trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị nông - lâm - ngư nghiệp ở nông thôn...