Dù chưa có nghiên cứu cụ thể song 2-3 năm gần đây, việc đổi mới công nghệ đã trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp dệt - may. Các công nghệ mà Tập đoàn Vinatex lựa chọn đều hướng tới tiêu chí tốn ít năng lượng và nguyên liệu đầu vào, mức độ tự động hóa cao.

“Nếu không đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, doanh nghiệp sẽ tự bó tay mình” - ông Nguyễn Sĩ Phương - Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ, Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) - khẳng định khi nói về nỗ lực chuyển mình để bắt kịp xu thế hội nhập của ngành dệt - may.

Dốc tiền đầu tư

Cuối năm 2015, Vinatex quyết định “rót” gần 1.000 tỷ đồng cho một loạt nhà máy tại Hà Tĩnh với kỳ vọng mở rộng chuỗi cung ứng các sản phẩm dệt - may. Theo đó, Nhà máy may Hồng Lĩnh 1 được đầu tư 110 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2016. Nhà máy may Hồng Lĩnh 2 được đầu tư 80 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2017. Nhà máy dệt khăn Hồng Lĩnh được đầu tư 314 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2017, công suất 1.500 tấn/năm.

Máy đính thùa khuy điện tử tại Công ty May 10. Ảnh: Loan Lê
Máy đính thùa khuy điện tử tại Công ty May 10. Ảnh: Loan Lê

Nhà máy dệt nhuộm và dệt kim Hồng Lĩnh được đầu tư 410 tỷ đồng, công suất 1.400 tấn/năm. Các cơ sở này đều chọn công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao và tốn ít năng lượng. Hai trung tâm xử lý nước thải và trạm bơm nước cấp cho toàn khu vực với công suất 4.000m3/ngày cũng được song song triển khai.

Theo ông Phương, ngành dệt - may hoạt động theo chuỗi - bắt đầu từ nguyên liệu cho đến sản phẩm. Với lợi thế có đầy đủ các công đoạn từ sản xuất nguyên liệu như sợi, vải đến cắt may, Vinatex đã làm được sản phẩm hoàn chỉnh có sự liên kết các công đoạn với nhau.

Một điểm yếu mà từ trước tới nay dệt - may Việt Nam vẫn chưa khắc phục được là nguyên liệu đầu vào (vải) chủ yếu phải nhập khẩu. “Chính vì thế, Vinatex xác định sẽ phải làm vải đủ chất lượng để cung cấp cho ngành may. Tập đoàn đã đầu tư các nhà máy, công nghệ thiết bị để làm ra vải đủ chất lượng, đáp ứng nhu cầu dệt - may. Tập đoàn cũng đầu tư máy làm sợi công nghệ hiện đại để chạy sợi chất lượng cao, có tính chất đặc biệt. Trong quá trình dệt - nhuộm cũng có một số thiết bị công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng và thải ít nước” - ông Phương cho biết.

Là một doanh nghiệp có sản phẩm đã được khẳng định chất lượng trên thị trường, Công ty May 10 không dám “ngủ quên trên chiến thắng”. Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc - cho biết, doanh nghiệp này rất chú trọng việc áp dụng công nghệ để có sản phẩm đạt chất lượng và bảo vệ cho thương hiệu của mình. Với công nghệ lập trình bán tự động, máy thùa đính tự động, một công nhân cùng lúc có thể điều khiển 3 máy thùa, 2 máy đính, Trong khi đó với quy trình bình thường, phải bố trí 5 lao động cho các công đoạn này.

Không chỉ có vậy, những công nghệ cao dùng để chống hàng giả cũng được May 10 đầu tư. “Đây là cách để bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng. Việc kiểm soát chặt các khâu sẽ tránh phát sinh những sự cố ngoài ý muốn. Trong tình hình kinh tế thị trường và bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp khi hiệp định TPP được ký kết và có hiệu lực, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đấy sáng tạo, đổi mới sản xuất được các doanh nghiệp ý thức rất rõ” - ông Thân Đức Việt khẳng định.

Hướng đến sản phẩm không độc hại

Ông Nguyễn Sĩ Phương cho biết, để đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đầu tư đổi mới công nghệ trong các khâu kiểm soát chất lượng cũng được doanh nghiệp dệt - may chú trọng.

Cụ thể, Vinatex đã áp dụng hệ thống quản lý để kiểm soát áp dụng từ đầu vào cho đến đầu ra cũng như kiểm tra sản phẩm cuối cùng.

“Trước đây, có thể các doanh nghiệp dệt - may chỉ quan tâm đến độ bền và tính chất vật lý của sản phẩm, nhưng nay phải hướng tới tiêu chí không độc hại cho người sử dụng, kiểm soát các hoá chất còn dư trong vải có thể ảnh hưởng đến da hoặc có tiềm năng gây ra bệnh ung thư. Quá trình áp dụng công nghệ phải gắn vào kiểm soát, không sử dụng hóa chất gây độc hại cho người sử dụng” - ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Sĩ Phương, ngoài nguyên liệu đầu vào, áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng là điều rất quan trọng, cũng như thiết bị và con người, công nghệ. Các thành viên của Tập đoàn Vinatex là những đơn vị tiên phong đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường, tốn ít nhiên liệu, chất thải ít.

Nguồn lực lao động trong ngành dệt - may lớn nên để cạnh tranh, Vinatex phải sử dụng thiết bị dây chuyền có độ tự động hóa cao để giảm bớt nhân lực. Ví dụ, khâu kéo sợi trước đây phải sử dụng khoảng 120 người, nhưng hiện nay với thiết bị và phương pháp quản lý mới giúp giảm còn dưới 100 người, tạo nên năng suất và sự cạnh tranh của sản phẩm.

Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện các doanh nghiệp dệt - may chủ yếu nhập khẩu vật liệu, nguyên liệu, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ (kể cả mẫu mã)… Trong bối cảnh hội nhập, nếu doanh nghiệp không tập trung tự tạo ra giải pháp mới về mặt kỹ thuật, kiểu dáng công nghiệp, chắc chắn giá trị cạnh tranh và khả năng cạnh tranh sẽ bị hạn chế.

“Điều này doanh nghiệp chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt, có những thời điểm Campuchia đã vượt lên. Vì thế, nếu không tập trung nguồn lực để có đối tượng mới thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Lâm cảnh báo.