Với một thị trường hấp dẫn gần 100 triệu dân, nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng cùng xu hướng chuyển dịch theo làn sóng Công nghiệp 4.0, Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng vào sự xuất hiện của nhiều chú kỳ lân (startup tỷ đô) trong thời gian tới.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn bởi làn sóng Công nghiệp 4.0. Ảnh: Vininf.org.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn bởi làn sóng Công nghiệp 4.0. Ảnh: Vininf.org.

Trong Dự thảo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030 mới công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, Việt Nam phải có 5 công ty công nghệ trị giá 1 tỷ USD, và tăng gấp đôi vào năm 2030”, bên cạnh nhiều kỳ vọng khác như: tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 đạt ít nhất 20% (năm 2025) và tăng lên 40% trong 5 năm tiếp theo; tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển đạt ít nhất 2% GDP (năm 2030), qua đó đưa Việt Nam lọt top 30 nước dẫn đầu thế giới về sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ và Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, trên những lĩnh vực được ưu tiên là hành chính công, điện nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, logistics, thương mại, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, …

Trước Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đã xây dựng chính sách tương tự. Năm 2015, Trung Quốc ban hành chiến lược Made in China 2025 với mục tiêu trọng tâm là ưu tiên phát triển năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và sản xuất trong các ngành chế tạo. Năm 2017, Thái Lan công bố chính sách Thailand 4.0, tập trung vào các sản phẩm sáng tạo công nghệ cao, đòi hỏi nhiều hỗ trợ và sự đầu tư lớn như chế tạo ôtô, điện tử thông minh, nông nghiệp, công nghệ sinh học … Và gần đây nhất, năm 2018, Malaysia cũng ban hành chiến lược My-i4.0, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy ứng dụng của CMCN 4.0 trong ba ngành công nghiệp xúc tác (điện và điện tử, máy móc và thiết bị, hóa chất) và 2 ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng (không gian và thiết bị y tế).

Giấc mơ của Việt Nam, trên thực tế là hoàn toàn khả dĩ, bởi chúng ta vốn đã có một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như FPT, Thế giới di động (MWG),… đạt giá trị vốn hóa thị trường vượt 1 tỷ USD; nếu Viettel, Mobifone, Vinaphone … sớm cổ phần hóa hoàn toàn và niêm yết trên sàn chứng khoán (IPO) thì chắc chắn cũng sẽ được định giá rất cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa có những thương hiệu mạnh với vị thế toàn cầu được khẳng định. Theo bảng xếp hạng mới nhất của Thomson Reuters về 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới (có doanh thu trên 1 tỷ USD), dựa trên tiêu chí hiệu quả về mặt tài chính và quản lý, 45% có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan xếp thứ hai với 13 công ty, tiếp theo là Ấn Độ (5 công ty); tính theo châu lục thì Bắc Mỹ dẫn đầu với 47 công ty, tiếp theo là châu Á (38), châu Âu (14) và châu Úc (1) … song không có bất cứ một đại diện nào đến từ Việt Nam.

Ngoài ra, việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp tỷ USD có lẽ sẽ không phụ thuộc vào ý chí của chính quyền, theo những chỉ tiêu được hoạch định từ trước, mà nhất thiết phải dựa trên bản lĩnh và nội lực của tầng lớp doanh nhân – thứ chỉ có thể thăng hoa trong một môi trường kinh doanh tự do, minh bạch về mặt pháp luật và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong lúc đó, Việt Nam lại được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 khá thấp (báo cáo đầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF) do nhiều nguyên nhân như cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng …), hệ thống thể chế, pháp luật còn tồn tại nhiều yếu kém; hoạt động ứng dụng các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật), blockchain (chuỗi khối), Big Data (dữ liệu lớn) ... vào sản xuất kinh doanh còn chậm và gặp nhiều rào cản. Đó là những thứ cần sớm được cải thiện, nếu không thể làm được thì những mục tiêu mà chúng ta đặt ra như có 10 doanh nghiệp kỳ lân, hay trở thành người đi đầu trong trào lưu 5G, … sẽ trở nên vô nghĩa.

Thứ nữa, nền tảng nội lực của một quốc gia suy cho cùng vẫn phải nằm ở khoa học công nghệ. Quá trình công nghiệp hóa không thể chỉ mãi dựa dẫm vào đầu tư nước ngoài (FDI); nhập hàng về phân phối; hoặc khá hơn chút là mua linh kiện về lắp thành sản phẩm hoàn chỉnh, rồi gắn cho nó cái mác Made in Vietnam mà quan trọng hơn chúng ta cần phát huy được tiềm năng ứng dụng của khoa học công nghệ, hoàn thiện tri thức quản lý và kiến tạo môi trường kích thích sự năng động, sáng tạo của các cơ sở nghiên cứu mũi nhọn.

Nhìn sang nước Nhật, nhiều công ty nhỏ bé, ít được biết tới của xứ sở này (có doanh thu khoảng vài trăm triệu tới tỷ USD) như Tokyo Electron, Shin Etsu, Lasetec, … lại đang nắm giữ vị thế độc tôn trong chuỗi cung ứng cung ứng công nghệ toàn cầu; chỉ đến khi thương chiến Nhật – Hàn bùng phát, Nhật tuyên bố kiểm soát chặt nguồn cung nguyên liệu và máy móc (do tranh chấp pháp lý liên quan đến lịch sử) khiến các đại gia Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix lao đao thì chúng ta mới để ý họ quan trọng đến mức nào. Để so sánh, tập đoàn FPT của Việt Nam hiện đang có gần 27 ngàn nhân lực, hoạt động trên nhiều lĩnh vực (phần mềm, viễn thông, giáo dục, phân phối, …), đạt doanh thu lẫn giá trị vốn hóa thị trường khoảng hơn 1 tỷ USD một chút (2018, còn kém xa thời hoàng kim của chứng khoán năm 2007); trong khi Thế giới di động (MWG), mặc dù được định giá hơn 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán, nhưng cũng đang phải loay hoay chuyển đổi mô hình kinh doanh do lợi nhuận cận biên ngày càng giảm và vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ mới như Lazada, Shoppee,…

Giải pháp sau cùng vẫn là Việt Nam cần sớm cải cách toàn diện thể chế và môi trường kinh doanh. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể thu hút được nhiều nhân tài của thế giới cho một cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong đó có nguồn chất xám gốc Việt tương đối đông đảo, những người có đủ năng lực, kinh nghiệm và kết nối (network) để xây dựng nên những đế chế công nghệ tỷ đô và gây ảnh hưởng đối với thế giới. Đó là con đường mà Đài Loan (thập niên 1980) rồi Trung Quốc sau này đã đi và thành công rực rỡ, chúng ta chỉ cần khéo léo học theo rồi áp dụng, nhưng phải khẩn trương trước khi quá muộn.