Không ít phòng làm việc vẫn sáng đèn sau 8h tối; những cán bộ không nghỉ trưa để cố gắng giải quyết đơn đăng ký nhiều nhất có thể... là những câu chuyện phía sau không thể hiện trên bản báo cáo tổng kết năm 2016 của Cục Sở hữu trí tuệ.

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh

Những con số khởi sắc

Năm 2016, công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Chỉ trong vòng một tuần, có tới hai lần Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trực tiếp về làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) với mong muốn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động này mạnh mẽ hơn nữa. Sự quan tâm đặc biệt này đã “truyền lửa” tới từng cán bộ của cục.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - trong ngày tổng kết công tác cuối năm 2016 - đã chỉ ra nhiều con số cho thấy sự khởi sắc trong công tác thẩm định và xử lý đơn đăng ký bảo hộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (ngoài cùng, bên phải) cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (thứ hai, bên trái), ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục Trưởng Cục SHTT (ngoài cùng, bên trái) thăm Phòng xử lý và tiếp nhận đơn tại Cục SHTT. Ảnh: Châu Long

Theo đó, trong số 87.974 đơn các loại gồm phần lớn là đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (giải pháp hữu ích, sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...), được gửi đến thì đã có 74.033 đơn được xử lý. So sánh với lượng đơn tiếp nhận cùng kỳ trong năm 2015 thì năm 2016 tăng 11,3%, trong khi số đơn đã xử lý tăng 4,2%. Riêng lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu quốc tế, lượng đơn tiếp nhận là 5.967 đơn và trong số này có 4.306 văn bằng bảo hộ được cấp.

Nhìn vào những con số này, thật khó để cảm nhận sự thay đổi tích cực; nhưng trong bối cảnh nợ đọng đơn bảo hộ sở hữu trí tuệ được nhắc đến như một vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, trong đó lớn nhất vẫn là câu chuyện nguồn lực có hạn mới thấy những con số trên đã nói lên nhiều điều.

Nói như chị Nguyễn Thị Nguyên Lý - Phó Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế - thì con số không phản ánh hết sự sôi động đằng sau nó. Đó là những căn phòng sáng đèn tới 7-8h mỗi tối,những cán bộ không dám nghỉ trưa vì tuần nào cũng có mấy trăm đơn đến hạn.

“Đơn quốc tế năm nay tăng lên rất nhiều, trong khi lĩnh vực này luật chơi không cho phép chậm. Nếu đơn xử lý chậm, doanh nghiệp sẽ bị từ chối bảo hộ. Vì vậy dù lực lượng mỏng, công việc đã đạt định mức nhưng anh em vẫn phải làm ngoài giờ, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để xử lý đơn. Đây cũng chính là lý do ở lĩnh vực đăng ký quốc tế không có đơn tồn đọng” - bà Lý giải thích.

Toàn cảnh trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Loan Lê

Đây chỉ là một trong số nhiều đầu việc hiện Cục SHTT đang đảm trách, trong đó phải kể đến từ công tác pháp chế và chính sách, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra... cũng ngốn không ít thời gian và nguồn lực, song cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Không có cách nào khác là đổi mới

Ghi nhận những kết quả mà các cán bộ, người lao động thời gian qua đã nỗ lực đạt được, song những cụm từ: “Phải thay đổi”, “sáng tạo hơn”, “quyết liệt hơn”, “đổi mới chính mình”... vẫn được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh nhắc lại nhiều lần khi nói về kế hoạch trong thời gian tới.

“Làm thế nào để sở hữu trí tuệ trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội? Từng người, từng vị trí phải cùng suy nghĩ về vấn đề này để làm sao sở hữu trí tuệ có đóng góp nhiều hơn. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao các nhà khoa học chưa quan tâm đến đăng ký sáng chế? Vì thủ tục khó khăn rườm rà hay sở hữu trí tuệ chưa mang lại hiệu quả cho nhà khoa học... Tất cả những nút thắt này cần tìm được lời giải “ - Thứ trưởng Trần Việt Thanh trăn trở.

Trên thực tế, nhìn lại năm 2016 Cục SHTT đã có nhiều đổi mới cả trong xử lý đơn, đơn giản hóa quy trình thẩm định đơn và phân cấp mạnh mẽ hơn. Thay vì như trước đây đơn xử lý phải qua thẩm định viên 1 và 2 rồi mới lên lãnh đạo phòng, lãnh đạo cục, nay được phân cấp dần. Các thẩm định viên có nhiều quyền quyết định hơn nên phần nào đã tháo gỡ được khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh. Ảnh: Châu Long

Tuy nhiên, để cả hệ thống sở hữu trí tuệ của đất nước chạy trơn tru thì đòi hỏi nhiều hơn những điều trên. Đó là hệ thống các trung tâm sở hữu trí tuệ đặt tại các viện nghiên cứu, trường đại học mà Thứ trưởng Trần Việt Thanh đang mong đợi giống như các trung tâm vệ tinh, hỗ trợ đắc lực cùng với cục. Theo ông, công việc này cần sự chung tay nhiều hơn và khi vấn đề sở hữu trí tuệ không phải là chuyện của riêng Cục SHTT mà là của cả quốc gia, mỗi viện nghiên cứu, trường đại học thì hoạt động này sẽ khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có chỉ đạo tháo gỡ nhiều điểm vướng, trong đó điểm đặc biệt quan trọng là áp dụng cơ chế tự chủ tài chính cho Cục SHTT; cho phép thuê hạ tầng công nghệ thông tin và chỉ định thầu trong hoạt động đầu tư phát triển hệ thống này của cục. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đặt nhiệm vụ, năm 2017 sẽ là năm bứt phá của sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đến năm 2020, Việt Nam phải trở thành nước đứng thứ hai ASEAN về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

“Sự nỗ lực của anh em là đáng ghi nhận. Những kết quả đã đạt được phần nào phản ánh sự cố gắng nhưng chúng ta chưa thể hài lòng về những gì đã đạt được, tình trạng tồn đọng đơn vẫn nhức nhối, doanh nghiệp và xã hội càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Phải làm sao để sở hữu trí tuệ trở thành động lực của đổi mới sáng tạo? Muốn vậy, năm 2017 sẽ là năm hành động. Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành động lực của phát triển kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh