Báo Khoa học và Phát triển - cơ quan ngôn luận của Bộ KH&CN - trân trọng giới thiệu phần một tham luận của TS Phạm Phương Chi với mong muốn nhận được phản hồi, chia sẻ từ cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước về vai trò của người trí thức trong thời đại mới.

Các trí thức trẻ trong cuộc gặp mặt Thủ Tướng vào ngày 11/9. Ảnh Long Vân

Người trí thức là lương tâm, lương tri của dân tộc

Người trí thức chân chính phải ý thức về vai trò của họ như là lương tâm, lương tri của dân tộc. Không phải ai làm việc với chữ nghĩa, sách vở và với tư tưởng đều là trí thức. Trái lại, người trí thức chân chính không chỉ thụ hưởng và tận dụng các điều kiện vật chất, truyền thống tri thức và văn hóa sẵn có của dân tộc đó. Quan trọng hơn, họ còn phải làm cho dân tộc đó thay đổi và vận động theo hướng văn minh một cách toàn diện. Đó không chỉ là sự văn minh về điều kiện vật chất; quan trọng hơn, đó là văn minh trong văn hóa - quy tắc và truyền thống ứng xử và tư duy - làm sao để diện mạo, tri thức, khả năng và tư tưởng của mọi công dân hay mọi cá thể được tôn trọng và phát huy tối đa và toàn diện.

Vai trò là lương tâm, lương tri của dân tộc này đúng với trí thức làm việc ở các ngành nghề khác nhau và đặc biệt đúng với những người nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Khoa học xã hội và nhân văn là công cụ thiết yếu để xây dựng tinh thần và tư tưởng của công dân theo hướng nhằm đảm bảo tính thống nhất và bản sắc riêng biệt của một quốc gia - dân tộc.

Đặc biệt, sự gắn bó có lương tri và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học với các vấn đề của dân tộc là con đường chiến lược để Việt Nam có hệ tư tưởng và phát triển bản sắc dân tộc theo hướng có thể đối thoại với thế giới và có đóng góp vào hệ tư tưởng nhân loại, hóa giải định kiến cho rằng Việt Nam chỉ là nước theo sau, tiếp thu hay lặp lại tri thức và các mô hình xã hội, văn hóa, kinh tế của thế giới.

Phản biện là phẩm chất quan trọng nhất

Trong việc thực hiện vai trò là lương tri, lương tâm của dân tộc, sự phản biện là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người trí thức chân chính. Sự phản biện này được thể hiện ở hai phương diện: Năng lực phản biện và tinh thần dám phản biện.

Thứ nhất, người trí thức có năng lực phản biện là người có thể nhận thức và làm cho người khác nhận thức rằng, các trật tự xã hội, chính trị, văn hóa, thậm chí các thói quen nói, viết và tư duy của chúng ta không phải là tự nhiên, sẵn có và bất di bất dịch, mà phần lớn là kết quả và là thành phần của quá trình xây dựng và phát triển của một thiết chế chính trị nhất định. Người có năng lực phản biện là người thức tỉnh và làm cho người khác thức tỉnh trước những lối mòn, những thói quen, những cái được (bị) “bình thường hóa” trong cuộc sống của mình và của những người xung quanh: Chúng là sản phẩm và là mắt xích của quá trình xây dựng một chính thể nhất định, trong một hoàn cảnh nhất định.

Sự nhận thức này không phải là để có thái độ tiêu cực với tri thức và chính quyền - bởi vì sự gắn bó của tri thức và chính quyền là điều khó tránh khỏi, mà quan trọng hơn, là để ý thức và chấp nhận sự tồn tại của những tri thức, những hành xử khác, bên ngoài trật tự hay bên ngoài cái được gọi là bình thường. Đặc biệt, sự thức tỉnh này còn gợi ra tính khả thi của việc người trí thức tham gia duy trì sự vững mạnh của chính quyền và phát triển quốc gia - dân tộc thông qua việc thêm vào hay thay đổi những trật tự tri thức và hành xử văn hóa hiện hành bằng những trật tự văn minh hơn. Trong trật tự mới này, người trí thức nói riêng và con người nói chung - với tất cả các năng lực, phẩm chất và diện mạo khác nhau của họ - được tôn trọng và phát huy tối đa.

Thứ hai, để thực hành sự phản biện, người trí thức cần phải có tinh thần dám phản biện. Bởi vì, sự phản biện lại và gợi ý những điều khác so với những trật tự đang có thường vấp phải sự phủ nhận của những cá nhân và tổ chức mà quyền lợi chính trị và kinh tế của họ đang gắn với trật tự hiện có. Ngay cả quyền lợi của bản thân nhiều người trí thức - đặc biệt là các trí thức làm việc và có vị trí trong các cơ quan, đoàn thể nhà nước - cũng nhiều khi gắn với những trật tự hiện đang tồn tại.

Do đó, để thực hành sự phản biện - tháo gỡ quá trình hình thành các trật tự văn hóa, xã hội hiện thời trong mối tương quan với quá trình xây dựng một chính thể và gợi ý những trật tự khác so với trật tự hiện có, người trí thức cần phải vượt qua quyền lợi và sự tiện lợi cá nhân, nghĩ cho quyền lợi và sự tiện lợi của số đông nhân dân và hơn hết là nghĩ cho sự văn minh, sự bền vững và sự tự chủ về lâu dài của quốc gia - dân tộc mình.

(*) Tiêu đề và các tít trong bài do tòa soạn đặt.

TS Phạm Phương Chi đang công tác tại Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Chị tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004. Từ năm 2007 đến 2011, bảo vệ luận án tiến sĩ lý luận văn học tại Học viện Khoa học xã hội Việt Nam. Với thành tích học tập xuất sắc, chị được cử tham gia chương trình học vị thạc sĩ, nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học California, Riverside (Mỹ). TS Phạm Phương Chi đang chủ nhiệm 2 đề tài cấp Viện Văn học, tham gia 15 bài tham luận tham gia hội thảo quốc tế. Ngày 11/9 vừa qua, TS Phạm Phương Chi vinh dự là một trong gần 70 nhà khoa học trẻ tham dự buổi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ.