Ngày cuối năm, anh em khởi nghiệp ở Đà Nẵng rủ rê về dự một cuộc gặp thân tình. Chủ đề của cuộc gặp này, gây tò mò không ít: “Làm thế nào để bán một giấc mơ?”. Âu cũng là chuyện hay, vì cuối cùng, những thứ mà khởi nghiệp làm, những thứ họ bán, chính là giấc mơ của họ...

TS. Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: KH&PT
TS. Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: KH&PT

Định nghĩa lại giấc mơ

Công thức “làm ăn” của startup loại xịn trên thế giới được gói gọn như sau: bạn có một công trình hay một công nghệ mang tính đột phá để giải quyết một vấn đề gì đó của cuộc sống, bạn đi gặp một nhà đầu tư thiên thần hay một vườn ươm khởi nghiệp để thuyết phục họ đưa tiền cho bạn biến công nghệ này thành sự thực. Hoặc khác một chút, bạn phải đi thuyết phục những người tài năng khác nhau cùng trở thành đồng sáng lập với mình. Sau đó sản phẩm hoàn thiện dần, quỹ đầu tư mạo hiểm thấy được, sẽ tham gia rót vốn để “làm lớn”. Tiếp theo là các vòng gọi vốn với ký tự A, B, C, D.... với số tiền lớn dần, lớn dần. Kết thúc của nó, có thể là trở thành một tập đoàn lớn, IPO trên sàn chứng khoán hoặc bán hoàn toàn cho một công ty nào đó.

Và toàn bộ quá trình này, người làm khởi nghiệp chẳng có gì để thuyết phục đồng sáng lập, những nhà đầu tư thiên thần và cả quỹ đầu tư nữa, ngoài một giấc mơ của mình. Và để bán được giấc mơ này, cần phải... biết cách mơ.

“Giấc mơ là vô cùng quan trọng. Bạn không thể làm được thứ gì nếu chẳng thể tưởng tượng ra nó “ - George Walton Lucas, Jr. - tác giả của loạt phim khoa học viễn tưởng Chiến tranh giữa các vì sao và bộ phim phiêu lưu Indiana Jones bảo thế. Bà Nguyễn Phi Vân - tác giả sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, chia sẻ lại, cả cộng đồng khởi nghiệp vỗ tay...

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, một người từng học giỏi tất cả các trường xịn nhất trên thế giới nói vầy: “Đừng nghiện giấc mơ của ai đó mà hãy tìm kiếm và nghiện giấc mơ của chính mình. Chỉ khi đó, bạn mới thật sự cảm thấy mình là “kẻ nghiện” kiêm “kẻ bơ” hạnh phúc nhất thế giới”. Anh chứng minh việc biết mơ này bằng câu chuyện của bản thân mình, từ một cậu bé nhà quê mỗi ngày ngồi trên cuộn dây điện để trông coi cửa hiệu bán đồ cùa cha mẹ ở một chợ quê Bình Định, nhưng luôn mơ rằng mình sẽ giỏi tiếng Anh như người bản xứ và “làm nên chuyện” ở nước ngoài. Chuyện đó là gì, chính là tổ hợp giáo dục quốc tế mà anh đang điều hành tại Việt Nam, cho một giấc mơ lớn hơn nữa...

Hiếu bảo, cần nhất, là phải biết mơ giấc mơ thực sự của mình, không “mơ ké” giấc mơ của người khác...

Tài sản là giấc mơ

Trong cộng đồng khởi nghiệp, có một mentor chuyên đi khuyến khích mọi người vun đắp tài sản của giấc mơ, đó là ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Ảnh: KH&PT
TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Ảnh: KH&PT

Từ cậu bé mồ côi cha phải đi kiếm sống bằng mọi nghề, khuân vác ngoài bến cảng, bán cà rem đến bánh mì… kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Bao năm tháng lênh đênh xứ người, kiếm sống bằng nghề rửa bát, đi dạy kèm… để học tập và vươn lên, trở thành tiến sĩ khoa học năng lượng và vật liệu. Lọt vào đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn danh tiếng thế giới như IBM, Kodak, Almaden research Center… với hơn 60 bằng phát minh sáng chế vật liệu hóa học quang điện tử, trong đó xuất sắc nhất là bản in offset CTP nhiệt đã đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của nhà sản xuất và ngành in thế giới. Tất cả nỗ lực của ông cũng chỉ để một ngày được trở về Trà Vinh, tạo lập công ty của riêng mình, xây trường học, bệnh viện,…

60 tuổi, ông tiếp tục tưởng tượng ra ngày mình có thể dựng lại cái cù lao nhỏ quê ông đã bị sạt lở hoàn toàn, để làm chỗ cho mọi người đến chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Và tất nhiên, ông cũng khởi nghiệp với giấc mơ công nghiệp hoá nông nghiệp quê mình. “Không có một giấc mơ đẹp, mơ xa và mơ cho cộng đồng, thì làm sao cả cộng đồng góp sức, góp của cho mình biến giấc mơ đó thành hiện thực được?”.

Giáo sư “quần đùi” Trương Nguyện Thành cũng vậy. Ông bảo, sự khác biệt mà ông có được so với bạn bè, là vì ông dám ước mơ. Ông chỉ ra điểm khác nhau giữa ước mơ và ảo tưởng. Theo đó, ông cho rằng muốn ước mơ phải trả giá, đánh đổi bằng thời gian, tâm huyết của bản thân. Còn ảo tưởng chính là muốn mơ mà không chấp nhận trả giá cho ước mơ để nó trở thành hiện thực. Đây chính là cái giá cơ hội cho tương lai. “Đã mơ thì phải mơ cho lớn, mơ nhỏ quá đừng nên vì có ai giới hạn được giấc mơ của bạn”, GS Thành chia sẻ trong một buổi gặp sinh viên trước khi trở lại Mỹ.

Và đi bán một giấc mơ

“Nếu không bán một giấc mơ, thì bạn đang bán cái gì vậy?” - Sopie Gold - nhà tư vấn tài chính hàng đầu nước Mỹ nói trong một trao đổi với cộng đồng doanh nhân nữ. “Nếu một người khởi nghiệp bước vào, toả bừng lên năng lượng sống, cười tươi và ăn mặc chỉn chu, tôi hiểu rằng anh ta đang bán một giấc mơ, và anh đang rất gần cơ hội trở thành triệu phú và đang tin mình sẽ góp phần thay đổi thế giới. Ngược lại, thật chán khi gặp một người đầu bù tóc rối, mệt mỏi vì làm việc nhiều thiếu ngủ, họ không đại diện cho giấc mơ mà họ muốn bán đâu...

Vậy đó, điều này đúng với trải nghiệm của tôi với vô vàn những cuộc thi khởi nghiệp ở Việt Nam. Có những người chỉ lên sân khấu, đứng đó và cười rạng rỡ đầy tự tin, là đã thấy... ăn tiền rồi. Khởi nghiệp hay kinh doanh, đều bắt đầu là mối quan hệ giữa người với người. Và thật, trong năm mới, ước gì lúc nào cũng được gặp những người khởi nghiệp có giấc mơ lớn và hoàn toàn đủ tin tưởng để bán giấc mơ này...