Trong cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT cuối tháng 8 vừa rồi về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu cần xác định rõ định hướng tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường, gắn với nhu cầu của thị trường.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất nông nghiệp, cần đổi mới phương thức đầu tư cho KH&CN thông qua việc xây dựng cơ chế để khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm cho người nông dân.

Bắc Giang vừa có mùa vải thiều thắng lợi trên mọi mặt trận nhờ áp dụng chặt chẽ KH-KT.

Bắc Giang vừa có mùa vải thiều thắng lợi trên mọi mặt trận nhờ áp dụng chặt chẽ KH-KT. Năm 2016, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 142.000 tấn quả tươi và có giá bán cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Giá trung bình toàn tỉnh năm 2016 đạt 21.000 đồng/kg (2015 chỉ khoảng 6.000 đồng/kg). Giá trị xuất khẩu vải thiều toàn tỉnh đạt gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ hỗ trợ đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Kết quả này đến từ việc địa phương bền bỉ ứng dụng tiến bộ KH&CN cho cây vải (mô hình trồng vải theo VietGAP, công nghệ bảo quản thực phẩm CAS Nhật Bản, công nghệ chiếu xạ cho quả vải…). Nhờ vậy, không chỉ giúp giảm chi phí, quả vải Việt Nam còn dễ dàng xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ trong những năm qua. Trong 3 năm qua, xuất khẩu của toàn ngành trung bình mỗi năm đạt 29,5 tỷ USD. Riêng xuất khẩu từ trồng trọt đạt trung bình 14 tỷ USD/năm.

Bản thân lãnh đạo Bộ NN-PTNT thừa nhận, để có được những kết quả đó chính là nhờ ứng dụng những công nghệ mới, những tiến bộ KH-KT trong sản xuất nông nghiệp. Từ quá trình tạo và chọn giống, đến quy trình xuất nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch,... đều đã có những bước tiến mới.

Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc như làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa ngày càng tăng; công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cũng được phát triển mạnh. Nhiều đơn vị chế biến nông sản phẩm đã sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất; đồng thời, liên kết với nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để thúc đẩy ngành nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển mới, cần phải ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu của KH-KT và công nghệ mới. Nói cách khác, muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài câu chuyện quản lý thì phải đẩy mạnh ứng dụng KH&CN. Đó là điều không thể khác được.