Việc đầu tư ngân sách vào các chương trình không gian trên quy mô toàn cầu tăng lên 70,9 tỷ USD trong năm 2018 và tỷ lệ đầu tư đã tăng 5,75% trong vòng 5 năm hứa hẹn vào một tương lai sẽ có nhiều ứng dụng mới cho con người.

Các nhà du hành vũ trụ Robert L. Curbeam Jr., Christer Fuglesang tham gia một hoạt động ở ngoài tàu vũ trụ, phía dưới là New Zealand và eo biển Cook ở châu Á Thái bình dương. Nguồn: NASA.
Các nhà du hành vũ trụ Robert L. Curbeam Jr., Christer Fuglesang tham gia một hoạt động ở ngoài tàu vũ trụ, phía dưới là New Zealand và eo biển Cook ở châu Á Thái bình dương. Nguồn: NASA.

Đây là kết quả rút ra từ báo cáo mới công bố “Các chương trình không gian cấp chính phủ 2019” của công ty tư vấn và nghiên cứu Euroconsult. Báo cáo dự báo một tương lai tươi sáng cho ngành vũ trụ. Để so sánh, hãy nhìn vào con số 62,5 tỷ USD mà các quốc gia đầu tư cho những chương trình vũ trụ vào năm 2015, thấp nhất kể từ năm 2007. Nguyên nhân là do hai quốc gia dẫn đầu là Mỹ và Nga đều cắt giảm đầu tư: Mỹ thắt chặt đầu tư còn Nga cũng giảm tới 60% ngân sách, một phần do đồng ruble mất giá.

Gia tăng các chương trình dân sự

Có một điểm đặc biệt trong chính sách đầu tư của các quốc gia là 63% kinh phí dành cho các chương trình dân sự trong khi các phần dành cho quân sự dao động tùy theo quan điểm của từng quốc gia. Nó cho thấy, xu hướng phát triển các chương trình dân sự đang chiếm thế chủ đạo trên thế giới, ví dụ năm 2018 là 44,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2017. Có thể thấy ngay điều đó trong chương trình của Mỹ khi mảng dân sự tăng 4% trong vòng 5 năm, qua đó thúc đẩy sự gia tăng của lĩnh vực KH&CN không gian, các chương trình đưa người vào vũ trụ…. Ở các phần còn lại của thế giới cũng xảy ra điều tương tự: chương trình dân sự của châu Á, Trung Đông và châu Phi tăng từ 5,6% đến 6,5%.

Tuy không chiếm ưu thế như trước nhưng trong xu thế gia tăng đầu tư của toàn cầu, các chương trình quân sự trong năm 2018 cũng được mở rộng với tổng số 26,4 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2017 – một bước tiến so với mức 23,4 tỷ USD billion năm 2015. Trong đó, mức đầu tư của Mỹ chiếm 72% thế giới năm 2018, tuy nhiên lại thấp hơn so với chính khoản ngân sách của họ một thập kỷ trước (khi đó Mỹ chiếm 81% ngân sách quân sự toàn cầu). Nguyên nhân một phần là do nhiều quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu đầu tư vào các chương trình quân sự không gian, đặc biệt tại châu Á với mức tăng gấp ba từ 195 triệu USD năm 2008 đếm 626 triệu USD năm 2018.

Với mức tăng trưởng này, các chuyên gia Euroconsult dự báo, thế giới sẽ có xu hướng đầu tư gia tăng và ước tính đạt đỉnh 84,6 tỷ USD vào năm 2025, trước khi có xu hướng giảm. Vào thập kỷ tới, sự tăng trưởng sẽ đảo ngược: trong khi các khoản ngân sách dân sự được chờ đợi tăng trung bình 1.6% mỗi năm trong những năm 2020, chủ yếu do các cường quốc đầu tư vào nghiên cứu khoa học như khám phá các hành tinh, đưa người lên vũ trụ…; các chương trình quân sự sẽ có sự tăng trưởng ngắn hạn trung bình khoảng 4,2% mỗi năm kể từ giữa thập kỷ 2020 với các quốc gia như Mỹ, châu Á…, điều đó sẽ có tác động lớn đến toàn thế giới. Sau quãng thời gian này, ngân sách đầu tư cho chương trình quân sự sẽ giảm sút khoảng 4,4% mỗi năm cho đến cuối thập kỷ.

Năm 2018, 24 cơ quan dân sự và quân sự đã phóng 138 vệ tinh trên 50 kg, tăng trên 84% so với vệ tinh 75 năm 2017. Các kỷ lục trên bị phá vỡ ở khía cạnh số lượng các vệ tinh từ các chính phủ cũng như số lượng những tổ chức phóng vệ tinh. Những quốc gia có nhiều vệ tinh nhất là Trung Quốc 58 vệ tinh, Mỹ 22 và Nga 17. Trong số 79 vệ tinh thuộc phạm vi dân sự, 42% thuộc hẹ thống quan sát trái đất, tiếp theo là vệ tinh viễn thông 15%; phần còn lại là 59 vệ tinh quân sự. Vào thập kỷ tới, các chính phủ thiết lập kế hoạch phóng 1.553 vệ tinh mới, trung bình hơn 150% mỗi năm.

Về mặt ứng dụng các công nghệ vũ trụ, các chương trình quan sát Trái đất (bao gồm cả khí tượng học) là ứng dụng không gian được tài trợ cao nhất với 11,8 tỷ USD. Nó thường là khoản đầu tư đầu tiên của các nước mới nổi và cũng là khoản đầu tư mang tính lâu dài do lợi ích dân sự và quân sự mà nó đem lại. Ở các mức tiếp theo là đầu tư cho tàu vũ trụ 11,6 tỷ USD, khoa học vũ trụ và thám hiểm tổng cộng 7 tỷ USD – dự báo chương trình này sẽ tiếp tục gia tăng khi các nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ quốc tế được thúc đẩy.

Đáng chú ý, ở khía cạnh quân sự quốc phòng, dù chỉ con ở mức 2,1 tỷ USD, nhưng có sự thay đổi về chất: trong quá khứ, đây là màn chạy đua của Mỹ và Nga, còn nay đã có nhiều quốc gia khác bắt đầu đầu tư, không chỉ ở phía chính phủ mà còn cả lĩnh vực tư nhân.

Sự chạy đua của các cường quốc

Trong số các quốc gia đầu tư cho các chương trình vũ trụ, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Nhật Bản là năm quốc gia dẫn đầu. Tổng ngân sách của Mỹ chi cho vũ trụ năm 2018 là 40,9 triệu USD, chiếm 58% thế giới, dẫu vậy thì số kinh phí của Mỹ cũng giảm từ 75% so với đầu những năm 2000. Chính quyền Trump đã ủng hộ chương trình quốc phòng, với việc gia tăng đầu tư được cân nhắc cho việc mở rộng các chương trình và các tổ chức (Lực lượng tác chiến không gian và Cơ quan phát triển không gian cũng như các kế hoạch thúc đẩy sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng), đặc biệt là thương mại hóa các công nghệ. Dự báo, khoản đầu tư cho dân sự vẫn có khả năng gia tăng, trung bình 1,5% trong thập kỷ,

Trong năm 2018, Trung Quốc dành khoảng 5,8 tỷ USD cho chương trình không gian. Với tỷ lệ tăng trung bình 9,4% (11% cho chương trình dân sự, 6,8% chương trình quốc phòng), Trung Quốc nằm trong số các quốc gia có khoản đầu tư ổn định nhất và có nhiều chương trình “đình đám” nhất như các hệ quan sát Trái đất Yaogen và Gaofen, Beidou… Các nhiệm vụ trong chương trình quốc phòng của Trung Quốc chủ yếu là các chuyến bay đưa người vào vũ trụ và thiết bị phóng.

Trong năm năm qua, Nga buộc phải cắt giảm ngân sách đầu tư cho vũ trụ, từ chỗ 9,75 tỷ USD năm 2013 xuống còn 4,2 tỷ USD. Trong thời gian tới, Nga cũng khó tăng tỷ lệ đầu tư và các chuyên gia dự đoán là có thể sẽ đạt mốc 6 tỷ USD vào năm 2028, tương đương mức năm 2011. Các nhiệm vụ chủ yếu của Nga sẽ là tăng cường năng lực viễn thông, bổ sung các hệ thống quan sát Trái đất đã lão hóa, một hệ phóng được sắp xếp hợp lý, cũng như bảo trì hệ thống định vị toàn cầu Glonass. Ngân sách Nga Nga dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn, mặc dù dự kiến sẽ phục hồi vào đầu những năm 2020. Tuy nhiên, xem xét tình trạng vẫn còn mong manh của nền kinh tế, ngân sách được dự báo sẽ đạt 6 tỷ đô la vào năm 2028, bằng với mức năm 2011 của nó.

Với sự kết hợp của nhiều quốc gia, trong năm 2018, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và Tổ chức Khai thác các vệ tinh Khí tượng (Eumetsat) đã đầu tư 3,2 tỷ USD, trong đó Pháp là quốc gia hạng tư thế giới và cao nhất châu Âu, đóng góp nhiều nhất. Nhìn tổng thể, phần kinh phí cho họat động dân sự sẽ tăng trưởng chậm trong khi trong khi kinh phsi cho quốc phòng sẽ giữ ở mức hiện nay trước khi được dự báo là suy giảm vào giữa những năm 2020.

Nhật Bản, một quốc gia khác của châu Á cũng đáng chú ý với mức đầu tư 3,1 tỷ USD, thấp hơn mức năm 2012 là 3,62 tỷ USD. Phần lớn ngân sách dành cho quốc phòng của họ là tập trung vào chương trình do thám IGS với chiếm 72%. Dự báo, kinh phí hằng năm sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 2% mỗi năm và phần dành cho dân sự sẽ ở mức ổn định.

Nhìn về thập kỷ tới, ngân sách toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng, ước tính đạt đỉnh 84,6 tỷ USD vào năm 2024 trước khi giảm dần về cuối thập kỷ; chương trình dân sự sẽ tăng trung bình 1,8% mỗi năm với sự lèo lái của những cường quốc tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN dài hạn; về quốc phòng, ngân sách sẽ gia tăng với sự mạnh tay của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ vào an ninh vũ trụ như các hệ thống vệ tinh thế hệ mới...