Việc phê duyệt đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện mất nhiều thời gian bởi cơ quan đặt hàng nhưng lại không phải là bên sử dụng kết quả nhiệm vụ, vì vậy thường có thêm công đoạn hỏi ý kiến bộ, ngành sử dụng.

Đây là vấn đề vừa được nêu ra tại hội thảo “Các giải pháp để chương trình KH&CN quốc gia phục vụ tích cực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam”.

“Lệch pha”, chồng lấn khi đặt hàng

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, KH&CN tuy có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng so với kỳ vọng thì vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý, cơ chế tài chính chưa thúc đẩy KH&CN phát triển.

Nhiều gioogns cây, lúa do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu đang được ứng dụng hiệu quả cho khu vực phía nam. Ảnh: Mạnh Ninh
Nhiều gioogns cây, lúa do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu đang được ứng dụng hiệu quả cho khu vực phía nam. Ảnh: Mạnh Ninh

PGS-TS Phạm Công Hoạt - Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH&CN - cho biết, phần lớn nhiệm vụ do cán bộ các viện, trường đề xuất thông qua bộ, ngành chủ quản. Các bộ, ngành thường thiếu sự sàng lọc trước khi gửi Bộ KH&C. Tuy vùng kinh tế phía nam mỗi năm nhận gần 1.300 nhiệm vụ KH&CN, các nhiệm vụ vẫn trong tình trạng vụn vặt, chỉ giải quyết yêu cầu của một bộ, ngành, địa phương. Ít có nhiệm vụ xứng tầm quốc gia, tạo đột phá về KH&CN.

Việc đặt hàng cũng còn nhiều vấn đề. Lấy ví dụ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có khoảng 30 viện đầu mối, nếu mỗi viện đăng ký một nội dung thì danh mục đã có tới 30 nhiệm vụ. Trước khi gửi tới Bộ KH&CN, viện tổ chức hội đồng thẩm định, sau đó bộ lại tổ chức thêm một hội đồng để sàng lọc lấy 5-7 nhiệm vụ. “Vấn đề là hai hội đồng có thể trùng một số nhân sự, nhưng kết quả cuối cùng lại khác nhau. Rõ ràng, đây một sự lãng phí” - ông Hoạt nói.

Ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương - nói: “Cần xác định sản phẩm cuối cùng là gì rồi mới đặt hàng, thay vì đặt hàng chung chung theo nhiệm vụ. Các nhiệm vụ ở địa phương rất dễ chồng lấn, bởi nhiều khi các địa phương diễn ra cùng một thực trạng, vấn đề cần giải quyết tương tự nhau”.

PGS Hoạt phân tích thêm, nhiều cơ quan đặt hàng nhiệm vụ không phải là bên sử dụng kết quả, nên có thêm công đoạn hỏi ý kiến bộ, ngành sử dụng. “Các đề tài khi xin ý kiến của cơ quan, bộ, ngành phải làm công văn, tờ trình, chờ phê duyệt mất từ 5-7 ngày, sau đó phải gửi sang bộ, ngành chủ quản nghiên cứu, sử dụng sản phẩm, mất rất nhiều thời gian. Vì thế, có những nhiệm vụ cấp thiết nhưng 2 năm mới được cấp tiền” - ông Hoạt nói.

Cơ quan quản lý chủ động đề xuất đặt hàng

PGS-TS Phạm Công Hoạt nêu ý kiến, là tổng tư lệnh ngành, Bộ KH&CN cần thực hiện tốt vai trò đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. “Nếu làm tốt việc này, bộ sẽ hạn chế được việc xin ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành, giảm lãng phí về thời gian, kinh phí họp hội đồng xét duyệt, sự không đồng nhất về kết quả tư vấn của các hội đồng” - ông Hoạt nói. Theo ông, với các đề xuất đơn lẻ từ bộ, ngành, địa phương, nên đặt hàng các sản phẩm cần thiết thay vì đặt hàng nhiệm vụ.

Từ góc nhìn của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, ông Hồng Hà cho biết, việc chuyển đặt hàng nhiệm vụ sang đặt hàng sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích. Từ khâu lên kế hoạch, các đề tài đã phải có hướng nghiên cứu, mẫu sản phẩm, quy trình sản xuất và mô hình sản xuất hàng loạt, lập tức đi vào đời sống.

Ví dụ, chiến lược xuất khẩu lúa gạo của Sóc Trăng đặt mục tiêu đưa lúa gạo thơm thành sản phẩm chủ lực có giá bán cao hơn so với mức giá phổ biến hiện nay. Để giải được bài toán đó, tỉnh đã đầu tư nghiên cứu về giống lúa, phân bón, quy trình thu hoạch...

Đối với các nhiệm vụ ở cụ thể của ngành, địa phương, ông Hoạt cho rằng cần tạo ra cụm nhiệm vụ và xây dựng liên kết vùng. Thời gian qua, 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa đã cùng nhau đặt hàng nhiệm vụ liên quan đến giống bò tót. Khi nhiệm vụ hoàn thành, kết quả có thể ứng dụng ở cả 3 tỉnh, tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả rộng.

Về kinh phí, ông Nguyễn Hồng Hà cho biết, năm 2016 các chương trình nghiên cứu quốc gia chiếm khoảng 55% ngân sách đầu tư cho KH&CN. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa tổng đầu tư cho KH&CN đạt trên 2% GDP vào năm 2020.

Theo ông Nguyễn Ngọc Song - Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ KH&CN, trước đây việc xác định kinh phí cho một nhiệm vụ mất từ 12-24 tháng. Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia cũng như của các bộ, ngành, địa phương đã ra đời nhằm khắc phục tình trạng chậm trễ này.

“Tuy nhiên, hiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện và sử dụng quỹ vẫn chưa đồng bộ. Điều này cần có sự đổi mới từ nhận thức đến quá trình áp dụng của các cán bộ quản lý quỹ” - ông Song nói.