Tại công trình thủy điện Sơn La, một vài thiết bị quan trắc không hoạt động hoặc có sai số, vì vậy cần kiểm tra thay thế nhằm cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác trong quá trình vận hành.

Đây là một trong những kiến nghị vừa được Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho công trình khi vận hành. Hội đồng có sự tham gia của các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng… và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan thường trực hội đồng.

Cần lưu ý động đất kích thích

Tại phiên họp thường kỳ năm 2016 vừa tổ chức ngày 15/7, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN - cho biết, từ ngày 9-11/6, cơ quan thường trực hội đồng đã tổ chức đoàn công tác gồm các ủy viên phản biện của hội đồng và đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn của công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình.

Hội đồng tư vấn KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà khảo sát tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Hải Nam

Hội đồng tư vấn KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà khảo sát tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Hải Nam


Qua kết quả quan trắc và đo đạc, đánh giá các thông số đến tháng 5/2016, cơ quan thường thực đồng thuận với báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thủy điện Hòa Bình, Sơn La, đánh giá công trình đang làm việc an toàn và ổn định.

“Công tác phòng, chống lũ, bão đã được chuẩn bị chu đáo. Công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2016” - ông Hậu nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện Vật lý địa cầu, Ủy viên hội đồng - cho biết, từ tháng 4/2015-6/2016 mạng quan trắc động đất ở khu vực Tây Bắc đã ghi nhận được 156 kích động có độ lớn từ 0,5-3,9, chấn tâm tập trung chủ yếu ở khu vực các hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La.

Ở khu vực thủy điện Hòa Bình không thấy có kích động đáng kể nào, nhưng ông Nguyễn Xuân Anh cung cấp thông tin, năm 1989 sau khi thủy điện Hòa Bình bắt đầu tích nước đã xảy ra động đất kích thích, trận lớn nhất có độ lớn 4,9 (năm 1989). Từ năm 1992 trở lại đây, có một số trận động đất xảy ra với cường độ nhỏ. “Thủy điện Lai Châu mới tiến hành tích nước nên có khả năng phát sinh các trận động đất kích thích” - ông Xuân Anh cảnh báo.

Góp ý cho cơ quan vận hành các nhà máy thủy điện trên hệ thống thủy điện bậc thang sông Đà, ông Phạm Văn Tỵ - Ủy viên phản biện của hội đồng - cho rằng, đối với thủy điện Sơn La đang trong giai đoạn dần đi vào ổn định, cần theo dõi, tìm hiểu hiện tượng thấm trên vai đập để có biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn đập để so sánh, đối chiếu.

Nhiều ủy viên hội đồng đồng tình với các kiến nghị này và lưu ý cần bổ sung thêm hệ thống quan trắc tự động hiện đại để nâng cao chất lượng dự báo.

Lắp đặt 31 trạm địa chấn

Ông Mai Văn Biểu - Ủy viên hội đồng - lưu ý tình trạng tổng lượng nước về của 2 hồ Hòa Bình và Sơn La chỉ đạt 80% suốt gần chục năm qua. Về nguyên nhân, ông Biểu nghĩ nhiều đến biến đổi khí hậu, song điều này cũng liên quan mật thiết đến quy trình tích nước. Ông kiến nghị cần nghiên cứu đưa ra quy trình tích và xả nước phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao trong vận hành.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch hội đồng - đồng tình với việc đưa ra tiêu chuẩn an toàn đập và cho rằng tiêu chuẩn đánh giá an toàn đập cần nhất quán, xây dựng bộ tiêu chí về các thông số cần đo để dễ so sánh.Về mặt an toàn đập, ông Hùng cho rằng cơ bản là thuận lợi vì thực tế lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất năm đến hồ Lai Châu có khả năng ở mức 4.000-5.000m3/s, đến hồ Sơn La ở mức 8.000-9.000m3/s, không đáng kể so với thiết kế. Tuy nhiên, cần xây dựng các kịch bản có thể xảy ra với các trường hợp bất lợi để chủ động ứng phó.

Theo Viện Vật lý địa cầu, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài đánh giá động đất kích thích trên hệ thống thủy điện bậc thang sông Đà năm 2016, đến tháng 6 đã hoàn thành công tác khảo sát và bước đầu xây dựng một số trạm quan trắc động đất.

“Nhóm nghiên cứu đã khảo sát vị trí các trạm địa chấn ở hồ thủy điện Hòa Bình, Lai Châu và Sơn La. Dự kiến trong năm 2016 sẽ xây dựng và lắp đặt thiết bị quan trắc. Cuối năm 2016, mạng lưới quan trắc động đất tại các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà gồm 31 trạm địa chấn sẽ được lắp đặt xong, nếu nối mạng toàn quốc thì có thể dự báo trực tuyến sớm nhất về động đất. Hệ thống này cũng sẽ cung cấp nguồn số liệu đầy đủ cho các nghiên cứu về địa chấn vùng Tây Bắc” - ông Xuân Anh nói.

Chủ tịch hội đồng - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, để đảm bảo an toàn các đập thủy điện trên hệ thống thủy điện bậc thang sông Đà, đối với các tồn tại đã được hội đồng khoa học chỉ ra, các cơ quan quản lý, vận hành công trình cần tiếp tục theo dõi, phát hiện bất thường để có phương án xử lý.

Ngoài ra đối với từng lĩnh vực, nếu cần nhiệm vụ khoa học sẽ tăng cường, đặc biệt đẩy mạnh cơ chế trao đổi thông tin.

Đối với kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn đập, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan kế thừa những kết quả đã có, hướng tới theo sát quy trình, tiêu chuẩn quốc tế để ngày càng hoàn thiện ở mức cao hơn.

Hội đồng cũng kiến nghị tổ chuyên gia, cơ quan thường trực tổ chức sát thực tế, xem xét và đánh giá các hiện tượng bất thường của đập và hồ chứa thủy điện trong hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà trước và sau mùa lũ; kiến nghị kịp thời các biện pháp xử lý, khắc phục giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN để quyết định các nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu khoa học liên quan đến việc nâng cao hiệu quả chống lũ, phát điện và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La.