Mặc dù không thiếu những thí dụ xuất sắc nhưng về cơ bản, nhiều trường đại học Việt Nam vẫn có xu hướng chỉ coi giáo dục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là một hoạt động thức thời, tranh thủ chính sách khuyến khích của Chính phủ.

Ông Lê Nhật Quang (trái), Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP), và sinh viên mới tốt nghiệp Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (phải), người sáng lập doanh nghiệp Inut, trao đổi với đoàn nhà báo trong chương trình đào tạo “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại Khu khởi nghiệp thuộc ITP hôm 27/5/2019. Ảnh: Đề án 844
Ông Lê Nhật Quang (trái), Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP), và sinh viên mới tốt nghiệp Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (phải), người sáng lập doanh nghiệp Inut, trao đổi với đoàn nhà báo trong chương trình đào tạo “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại Khu khởi nghiệp thuộc ITP hôm 27/5/2019. Ảnh: Đề án 844

Một thiếu, một yếu

Từ khi còn là sinh viên khoa CNTT, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (SN 1996, quê Phú Yên) đã có nhiều sáng tạo về phần mềm và có đam mê khởi nghiệp. Chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp, Khánh đã thành lập doanh nghiệp Inut, chuyên cung cấp các sản phẩm nền tảng, thiết bị IoT, và vừa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cách đây chưa đầy 1 tháng. Doanh nghiệp của Khánh gồm 7 thành viên tuổi 9X và có văn phòng nhỏ vài chục mét vuông nằm ngay trong Khu khởi nghiệp thuộc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP). Inut là một trong hàng chục startup hiện đang đóng đô ở khu vực hết sức nhộn nhịp này.

“Khi còn là sinh viên, điều quan trọng đầu tiên trường cung cấp cho tôi là kiến thức, đặc biệt những kiến thức chuyên ngành về các loại chuẩn trên thế giới, làm cơ sở để chế tạo platform hay các thiết bị. Trong quá trình làm, tôi tiếp tục được các thầy cô góp ý tinh chỉnh sản phẩm nhiều lần. Còn khi khởi nghiệp, tôi được hỗ trợ về văn phòng làm việc thông qua các gói dịch vụ ưu đãi có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với thuê ngoài,” Khánh chia sẻ với đoàn nhà báo thuộc chương trình đào tạo “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” của Đề án 844.

Rất nhiều sinh viên năng động, sáng tạo giống như Khánh đang được hưởng những điều kiện thuận lợi rõ rệt kể từ khi các trường đại học bắt đầu quan tâm đến đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên. Theo bà Phan Hoàng Lan - Phó giám đốc Văn phòng Đề án Hệ sinh thái KN ĐMST quốc gia (Bộ KH&CN), hệ sinh thái khởi nghiệp tại một số trường đại học ở Việt Nam đã khá hoàn chỉnh, với các hoạt động đào tạo, ươm tạo, khu làm việc chung, khu thử nghiệm sản phẩm mẫu, các câu lạc bộ và cuộc thi khởi nghiệp để đưa văn hóa khởi nghiệp lan tỏa. “Cái mà các trường đang thiếu là hỗ trợ tài chính,” bà Lan nói tại một hội thảo mới đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tuy nhiên, bà Lan lạc quan rằng, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách khai thác các quỹ của nhà nước, nhà đầu tư, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đối tác hay cựu sinh viên. “Cách đây 3-4 năm, tôi từng đưa những nhà đầu tư như vậy về ĐH Bách khoa và ĐH Quốc gia nhưng lúc đó các trường chưa thực sự sẵn sàng cho việc tiếp nhận đầu tư bên ngoài vào khởi nghiệp vì họ băn khoăn các nhà đầu tư sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần. Nhưng đến thời điểm này, hệ sinh thái của các trường đã đủ phát triển, hoàn toàn có thể tiếp nhận đầu tư bên ngoài với sự phân chia lợi nhuận rõ ràng.”

Một vấn đề khác cũng thách thức không kém so với vấn đề tài chính, theo bà Lan, chính là việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, bởi nếu không trả lời được câu hỏi ai là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu thì không nhà đầu từ nào dám bỏ tiền thương mại hóa kết quả đó. Tính chất phức tạp của các vấn đề liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có những điều chỉnh về mặt pháp lý. Chẳng hạn, bà Lan chỉ ra, với các quy định trong Nghị định 70/2018, việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu trở nên không hề dễ dàng bởi nếu muốn được chuyển giao thì tổ chức/cá nhân chủ trì phải hoàn lại 100% kinh phí nhà nước đã đầu tư vào nghiên cứu. Nếu chọn giao quyền sử dụng, không giao quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức/cá nhân chủ trì được phép trả lợi nhuận từ từ, không phải trả hết ngay lập tức nhưng cũng không dễ vì đo lợi nhuận như thế nào và quyền định giá ra sao cũng không hề đơn giản và rõ ràng. Bà Lan nói vui “có 1 lỗ hổng nho nhỏ có thể tận dụng” là trong trường hợp nhà nước đầu tư dưới 30% cho nghiên cứu thì tổ chức/cá nhân chủ trì được giao quyền sở hữu trí tuệ mà không phải hoàn trả kinh phí. “Nhưng với những kết quả nghiên cứu được nhà nước đầu tư trên 30% thì việc giao quyền sở hữu trí tuệ thực sự khó khăn,” bà Lan nhấn mạnh một lần nữa và bày tỏ mong muốn có thêm tiếng nói từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học và viện nghiên cứu để thuyết phục chính phủ thay đổi những quy định này.

Phân tầng và chia cụm

Bất chấp những thách thức kể trên, không khó để kể ra một số trường đại học đang có hoạt động thúc đẩy ĐMST&KN sôi nổi: ĐH Ngoại thương với các cuộc thi khởi nghiệp đã trở thành bệ phóng cho những startup thành công như Kênh 14, Ybox, ColorMe hay Finbox; ĐH Quốc gia TPHCM với chương trình thúc đẩy khởi nghiệp iStartX, tương tự chương trình StartX của ĐH Standford; ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM với Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đã và đang ươm tạo 46 dự án khởi nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp KH&CN và 14 doanh nghiệp đang trong giai đoạn tung sản phẩm ra thị trường; ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thành lập Khoa Sáng tạo và Khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam với các sản phẩm đã được thương mại hóa thành công như máy pha cà phê Javi hay máy bán phở tự động…

Mặc dù vậy, nhìn nhận về hoạt động ĐMST&KN trong trường đại học, TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holdings thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi đầu tiên thí điểm vốn hóa tài sản tri thức là các kết quả nghiên cứu khoa học từ năm 2008, cho rằng, chiến lược của đa phần các trường đại học Việt Nam đang ở mức tập trung cho cấp độ cơ bản đầu tiên của đại học là các hoạt động giáo dục và đào tạo. Một số ít bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu và một số rất ít nghĩ tới ĐMST&KN một cách nghiêm túc trong chiến lược của mình. Chính vì vậy, việc đầu tư cho ĐMST&KN tại các trường mới dừng lại ở mức độ phong trào chứ chưa đi vào bài bản, thực chất và dài hơi.

Kết quả là, vai trò của các trường đại học Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vẫn tương đối mờ nhạt. Trong khi đó, trên thế giới, ĐMST&KN được ghi nhận là vai trò quan trọng của trường đại học và khái niệm trường đại học khởi nghiệp giờ đây được nhắc đến khắp mọi nơi. Các trường đại học khởi nghiệp được hiểu là các cơ sở chuyên tập trung thương mại hoá kết quả nghiên cứu thông qua các quan hệ đối tác với doanh nghiệp hoặc các công ty con thuộc sở hữu của trường đại học. Để hỗ trợ cho các hoạt động này có các cơ quan, đơn vị chuyên môn bao gồm Văn phòng Chuyển giao Công nghệ (TTO - Technology Transfer Office) và Văn phòng Cấp phép Công nghệ (TLO - Technology Licensing Office). Dần dần, các trường đại học khởi nghiệp bắt đầu phát triển các chương trình đào tạo nhằm giáo dục sinh viên về ĐMST&KN. Gần đây, bên cạnh giảng viên và sinh viên, trường đại học khởi nghiệp còn kết nối với cả các cựu sinh viên, vườn ươm, đơn vị tăng tốc và các cơ quan chính phủ muốn phát triển tinh thần khởi nghiệp ở địa phương.

Xét theo định nghĩa nêu trên, một trường đại học khởi nghiệp đích thực của Việt Nam còn đang đâu đó ở trong tương lai. Tài liệu thảo luận chính sách về ĐMST&KN trong các trường đại học của IPP cũng nhận định, nhiều trường đại học Việt Nam có xu hướng chỉ coi giáo dục ĐMST&KN là một hoạt động thức thời, tranh thủ chính sách khuyến khích của Chính phủ. Một số trường chỉ đơn giản coi giáo dục ĐMST&KN là nơi tổ chức các cuộc thi để sinh viên tham gia và giành chiến thắng. Các giảng viên vẫn còn thiếu kiến thức và kỹ năng về các vấn đề ĐMST&KN, và trọng tâm đào tạo chỉ là hướng dẫn để sinh viên “thắng một giải thưởng” chứ không phải xây dựng một đề xuất kinh doanh khả thi.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, để cải thiện tình trạng này, cấu trúc về ĐMST&KN của ngành giáo dục phải mang tính phân tầng, chia thành nhiều cụm (cluster), đầu tư trọng điểm cho các cụm trung tâm (cluster head) để trở thành điểm tập trung ĐMST (innovation hub). Không phải trường nào cũng đầu tư từ A-Z toàn bộ quá trình ĐMST mà phối hợp chặt chẽ với nhau, phát huy tính đa dạng và lợi thế đặc thù của từng trường. Không nhất thiết trường nào cũng phải có vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung, TTO/TLO hay thậm chí là hệ thống doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là các trường phải nhận thức đúng tầm quan trọng của ĐMST&KN, thể hiện qua chiến lược, tư duy và hành động cụ thể.