Thay vì phải ‘vẽ’ chuyên đề để có thể thanh toán theo đúng sức lao động của mình, nay các nhà khoa học sẽ có cách tính mới – dựa vào ngày công để xây dựng dự toán cho các dự án khoa học và công nghệ.

Nội dung này được quy định tại Thông tư liên tịch số 55 do Bộ Tài chính và Bộ KH&CN ban hành ngày 22/4, có hiệu lực từ 8/6 đã nhận được sự đồng thuận cao trong giới khoa học. Với sự thay đổi này nhà khoa học sẽ không còn phải đối phó, nói dối

Khốn khổ vì nghĩ chuyên đề

Câu chuyện về sự khốn khổ vì phải nghĩ ra tên chuyên đề không còn xa lạ đối với các nhà khoa học khi muốn được quyết toán kinh phí cho đề tài, dự án đang triển khai.

Tức là với trước đây do công nghiên cứu không được tính vào lương nên muốn được trả công, nhà khoa học phải dồn vào công tác phí, có khi phải nói dối ngày công tác, tăng hóa đơn tiền ăn, tiền ngủ khi đi công tác để được tính công.

“Có những dự án phải nghĩ tới vài chục chuyên đề. Chồng tài liệu cao hơn người nên có khi cũng không thể kiểm soát được hết. Thế nhưng nếu không “vẽ” ra chuyên đề thì cũng không có cách nào để thanh toán được công cho các nhà khoa học”, GS.TSKH Trần Văn Sung, Phó Chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết.

Chú thích ảnh: Thông tư 55 quy định việc tính toán công lao động của nhà khoa học theo ngày công lao động.
Thông tư 55 quy định việc tính toán công lao động của nhà khoa học theo ngày công lao động.

Từng là nhà quản lý và cũng ngồi nhiều hội đồng nhiều năm GS Trần Văn Sung hiểu rõ cái khó của cả chủ nhiệm đề tài cũng như các nhà khoa học tham gia đề tài, dự án khoa học mỗi khi phải nghĩ ra cách để nói dối như vậy.

“Khi đó cả hội đồng cũng phải rất vất vả để đọc còn nhà khoa học thì khốn khổ để nghĩ ra chuyên đề để đối phó. Đôi khi có những chuyên đề nội dung rất sơ sài nhưng vẫn phải chấp nhận”, TSKH Trần Văn Sung thành thật.

Chính từ những bất cập này nên thông tư 55 được xem như sự ‘cởi trói’ cho các nhà khoa học.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, so với những quy định tại Thông tư liên tịch 44 ban hành năm 2007, Thông tư 55 có sự thay đổi lớn về định mức chi cũng như có cách tiếp cận mới trong hướng dẫn xây dựng dự toán cho các dự án khoa học và công nghệ.

Cụ thể tại Thông tư 55, ngoài định mức cao hơn hẳn so với quy định trước đó, Thông tư 55 cũng quy định việc tính toán công lao động của nhà khoa học tham gia dự án dựa theo ngày công lao động chứ không tính theo chuyên đề như trước đây.

“Việc tính công lao động theo ngày công sẽ giúp các nhà khoa học thanh toán đúng sức lao động của mình, không phải nói dối, không phải “vẽ” chuyên đề nữa”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ tháng tổ chức vào tháng 7/2015.

Vấn đề vướng mắc trong khâu thanh toán đối với các đề tài, dự án khoa học từng được Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ. Theo đó những quy định chặt chẽ, cứng nhắc trong vấn đề thủ tục, hóa đơn, chứng từ không những không tiết kiệm ngân sách mà chỉ khiến nhà khoa học buộc phải nói dối. “Chúng ta đều biết các nhà khoa học đang nói dối nhưng chúng ta mặc nhiên chấp nhận việc nói dối ấy”, ông Quân nói.

“Nếu trước đây ông chủ nhiệm đề tài bảo đề tài thua lỗ, khó khăn, hết tiền rồi, chia được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không ai giám sát được. Nay thì ngược lại, chi như nào, ai được hưởng từng nào sẽ minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Tạo ‘cú hích’ để khoa học sáng tạo hơn

"Cú hích" để khoa học sáng tạo hơn


"Cú hích" để khoa học sáng tạo hơn.

Đánh giá cao về sự đổi mới khi giúp nhà khoa học không buộc phải nói dối GS.TS Đinh Văn Ưu, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng để khoa học Việt Nam thực sự tạo được cú hích, nhà khoa học cảm thấy được tôn trọng hơn thì cơ chế cần phải thay đổi nhiều hơn nữa để tránh lãng phí cả về thời gian cho nhà khoa học cũng như ngân sách của nhà nước.

Theo GS Đinh Văn Ưu, vấn đề tài chính luôn là chủ đề khiến nhà khoa học từ xưa tới nay đau đầu và thực sự có lúc khiến phân tâm trong quá trình triển khai đề tài.

“Nay các nhà khoa học đã có thể được hưởng đúng như những gì công sức bỏ ra thì chắc chắn sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy sự sáng tạo trong nghiên cứu”, GS Đinh Văn Ưu chia sẻ.

Cũng đánh giá cao cách ‘gỡ rối’ từ thông tư này, song GS Trần Văn Sung lưu ý, khi thông tư tính ngày công rất có thể sẽ nảy sinh yếu tố liên quan đến quy định giờ làm việc mà Luật Lao động đã quy định. Có nghĩa là Luật Lao động quy định trong một tuần không được làm quá số giờ đã quy định (kể cả làm thêm ngoài giờ), thế nhưng các nhà khoa học có trình độ cao không thể tính giờ ngồi trong phòng thí nghiệm mà họ có thể làm cả đêm hoặc bất cứ lúc nào mà có thể thấy là tốt nhất cho công việc.

“Vì vậy việc tính theo giờ rất có thể sẽ khiến người có trình độ lao động (có chất xám cao) so với những người lao động bình thường. Tức là mức độ lao động khác nhau sẽ khó phân biệt”, GS.TSKH Trần Văn Sung lưu ý.

Tuy nhiên GS.TSKH Trần Văn Sung bày tỏ sự kỳ vọng khi văn bản này áp dụng vào thực tế.

“Mong rằng những gì được xem là ưu việt sẽ được cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc và thể hiện đúng được tinh thần ‘gỡ rối’ cho các nhà khoa học”, ông Sung nói.

Một số điểm đáng lưu ý quy định tại Thông tư 55

Ngày 22/4/2015, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó Thông tư quy định rõ các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN; các hoạt động phục vụ công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN của cơ quan có thẩm quyền; quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN; quy định chi công bố kết quả nghiên cứu và chi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Cụ thể việc xây dựng dự toán nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước Thông tư 55 cho phép căn cứ vào hệ số tiền công ngày cho các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tiền công trực tiếp cho các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN được tính theo ngày công lao động quy đổi và mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xây dựng dự toán.

- Thông tư 55 cũng quy định trường hợp thuê chuyên gia trong nước theo ngày công thì mức dự toán thuê chuyên gia trong nước không quá 40.000.000 đồng/người/tháng (22 ngày/1 tháng).

- Tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia trong nước không quá 30% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định.

- Tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia ngoài nước không quá 50% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định.

- Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung và mức kinh phí thuê chuyên gia ngoài nước.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/6. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư này.