“Có rất nhiều ý tưởng của các giảng viên đại học mà tôi nhận thấy có thể triển khai thành những startup được định giá trên 1 triệu USD”, ông Huỳnh Kim Tước – CEO Saigon Innovation Hub – đã khẳng định tại sự kiện “Đối thoại công nghệ và thị trường”, vừa diễn ra tại TP. HCM.

Platform Innotek.tech, một sản phẩm kết nối cung – cầu công nghệ của SIHUB.
Platform Innotek.tech, một sản phẩm kết nối cung – cầu công nghệ của SIHUB.

Không thể bỏ qua doanh nghiệp và trường – viện nghiên cứu

“Trong năm 2018 vừa qua, chúng ta thấy rằng app đặt món ăn Foody đã gọi vốn được khoảng 60 triệu USD. Một ứng dụng khác là Tiki cũng đã gọi vốn đến series C, được 50 triệu USD. Tuy nhiên không nhiều startup tại Việt Nam có thể làm được điều đó, dù nước ta đang đứng trong tốp 60 quốc gia về đổi mới sáng tạo trên thế giới và đứng thứ nhì về mức độ năng động, sáng tạo trong danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình – thấp. Chúng ta đang bỏ lỡ điều gì?” – Ông Huỳnh Kim Tước gợi mở vấn đề trong buổi đối thoại.

Ông Tước cũng nhận định, truyền thông đang thiên về doanh nghiệp khởi nghiệp khi đề cập đến các vấn đề công nghệ. Ông phân tích: “Khi phân tích bức tranh toàn cảnh về công nghệ, không thể bỏ qua mối quan hệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các trường đại học, viện nghiên cứu. Các nguồn lực nghiên cứu ở đây có nhiều tiềm năng để cho ra đời rất nhiều những sản phẩm có giá trị. Song hiện tại, tiếc là đại học hiện nay chỉ mới quan tâm nhiều đến đào tạo, chưa chú trọng thương mại hóa. Trong khi tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc, tôi biết có trường đại học một năm ra đời 1.000 bằng sáng chế (patent), còn ở Việt Nam, các nhà khoa học thường ít quan tâm đến các dạng tài sản trí tuệ này. Điều đó tạo ra những khoảng trống, lỗ hổng trong chuỗi giá trị về công nghệ, nên thị trường chưa có nhiều sản phẩm mới, mang tính đột phá và hàm lượng chất xám cao của Việt Nam.”

Một platform là Innotek.tech do SIHUB vừa ra mắt trong thời gian gần đây có thể được coi là một giải pháp cho vấn đề này. Ông Tước cho biết, nền tảng này có thể cho phép kết nối đa dạng các giải pháp giữa các bên mua - bán công nghệ, các chuyên gia – giới startup, các nhà đầu tư tài chính – doanh nghiệp đang trong quá trình khởi nghiệp,… “Điểm giao dịch công nghệ và hệ sinh thái online về công nghệ có thể sẽ được giải quyết nhờ vào nền tảng này”, ông Tước khẳng định.

Cần giải pháp mang tính hệ thống

Phiên thảo luận của sự kiện đã diễn ra với sự tham dự của nhiều nhân vật có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động đổi mới – sáng tạo và kinh doanh công nghệ, như: bà Marianne Ohler – Phụ trách Văn phòng UNICEF tại TP. HCM, ông Hoàng Mạnh Thắng – Phó TGĐ công ty Ernst and Young Việt Nam, ông Kiều Huỳnh Sơn – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. HCM và ông Huỳnh Kim Tước.

Khi được hỏi về nhận định từ góc nhìn nhà đầu tư tài chính cho công nghệ, ông Hoàng Mạnh Thắng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và giới startup nói riêng nên quan tâm đến tổng thể của hoạt động kinh doanh hơn là các phát minh, sáng chế. Ông Thắng chia sẻ: “Các doanh nghiệp lớn thường muốn mua lại một doanh nghiệp nào đó vì hiệu quả hoạt động kinh doanh của họ, có các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là know-how (bí quyết sản xuất). Ông cũng đưa ra lời khuyên, “chúng ta nên có hiểu biết rõ ràng hơn về quy trình của sự đổi mới sáng tạo, để biết nên bắt đầu từ đâu. Không phải cứ đọc hàng chục cuốn sách về đổi mới sáng tạo là có thể sáng tạo được doanh nghiệp có giá trị.”

Từ góc độ nhà kinh doanh các sản phẩm công nghiệp, ông Kiều Huỳnh Sơn khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp nên chú trọng vào sản phẩm và đầu tư chất xám cho việc cải tiến các sản phẩm kỹ thuật “made in Vietnam”. “Tất nhiên việc đó khó và mất nhiều thời gian, nhưng tôi cho rằng việc nghĩ ra một sản phẩm mới hoặc một công nghệ mới và được thị trường chấp nhận là thử thách đáng để các bạn trẻ dấn thân”, ông Sơn nói.

Nhìn toàn cảnh, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng startup Việt hiện nay còn thiếu nhiều điều kiện để có thể tạo ra sản phẩm mới một cách hoàn thiện: “Để giải quyết vấn đề từ hệ thống, chúng ta cần đưa các chương trình mang tính sáng tạo như STEM vào giáo dục phổ thông, để các em học sinh phát triển tư duy sáng tạo. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy về phương pháp luận khi tạo ra sản phẩm công nghệ mới, các bạn startup thường yếu hơn các thầy cô tại các viện, trường đại học. Nếu các ý tưởng, sản phẩm từ phòng thí nghiệm được đưa ra thị trường, tôi tin rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp triệu đô la. Từ đó, bức tranh về công nghệ và thị trường cũng dần được hoàn thiện hơn và các hoạt động hỗ trợ từ nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn.”

Khép lại sự kiện, từ góc nhìn của một chuyên gia về trẻ em và thanh thiếu niên, bà Marianne Ohler chia sẻ: “Khi nhìn vào đổi mới sáng tạo ở Bắc Âu, tôi nhận thấy các startup được hỗ trợ rất tốt. Theo tôi, có hai yếu tố chính tạo nên thành công của giới khởi nghiệp ở khu vực này: thứ nhất là khung pháp lý rất rõ ràng, minh bạch và tạo bệ đỡ cho startup, và thứ hai là giới trẻ Bắc Âu được dạy từ nhỏ rằng hãy đặt câu hỏi càng nhiều càng tốt. Theo tôi, việc dạy cho thanh thiếu niên thói quen tò mò, khám phá và sáng tạo từ sớm sẽ góp phần quan trọng cho việc hình thành cộng đồng khởi nghiệp tương lai.”