126 tỉ là số tiền ngân sách trong tổng số 146 tỉ đồng được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quyết định đầu tư cho dự án KH-CN “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” bước đầu đã gặt hái được thành công.

Lễ ký hợp tác phát triển, thương mại chip RFID.
Lễ ký hợp tác phát triển, thương mại chip RFID.
“Trái ngọt” từ quyết định táo bạo

Câu chuyện về việc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - ĐHQG TPHCM) tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công con chip mang tên Việt Nam, con chíp của người Việt từng làm nức lòng giới khoa học.

Đến thời điểm này, ICDREC đã chế tạo được chip SG8V1 ứng dụng vào hơn 30 sản phẩm thương mại, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

Bước đầu, đã có Tổng công ty Điện lực TPHCM sử dụng 40.000 bộ thu thập dữ liệu DCM (ứng dụng chip SG8V1) của ICDREC, đã tiết kiệm cho ngân sách 25 tỉ đồng... Sau đó, Công ty CM Engineering (Nhật Bản) cũng đã có ký kết để ICDREC cung cấp sản phẩm chip cảm biến không dây dùng vào thiết kế bộ phận cấp nguồn điện nằm trong vi xử lý thu phát sóng vô tuyến đa băng tần, đa hệ thống cho công ty này. Mới đây, ICDREC lại tiếp tục công bố chip, thẻ và thiết bị đầu đọc RFID HF và UHF có khả năng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong sản xuất.

ThS Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - cho biết, con chip có triển vọng phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam trong những năm tới. Theo ông Hoàng, RFID được ứng dụng rộng rãi trong các thẻ nhân viên chấm công, thẻ kiểm soát vào ra, thẻ khách sạn và tương lai là thẻ chứng minh nhân dân, vé xe buýt, vé metro… Đây là thị trường rộng lớn và giàu tiềm năng cho chip cùng thiết bị RFID HF và quan trọng hơn, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ công nghệ.

KS Kỳ Thiết Bảo - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiết Bảo - một đơn vị chuyên sản xuất các thiết bị tự động như máy quấn dây tự động, máy đo kiểm, robot… đánh giá cao thành công này. Theo ông Bảo, hiện các DN sản xuất ở trong nước đều đang phải nhập khẩu các thiết bị, linh kiện từ nước ngoài. Do vậy việc các nhà khoa học ICDREC đã bước được một chân vào lĩnh vực công nghệ cao - công nghệ vi mạch - là một tin vui đáng tự hào.

Còn ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam - vui mừng: “Tôi đánh giá cao thành công của ICDREC khi sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm chip với giá thành chỉ khoảng 50.000Đ/chip. Hiện sản phẩm này đã ứng dụng được vào côngtơ điện tử và một số thiết bị quốc phòng. Đây thực sự là thành công lớn vì các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, có thể chủ động trong sản xuất các thiết bị phục vụ đời sống và cả an ninh quốc phòng”.

Phía trước còn nhiều gian nan

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Chip là một phân tử quan trọng trong nền kinh tế, là biểu tượng của năng suất lao động cao nhất. Vi mạch cộng với phần mềm nhúng sẽ thành “bộ não” trong tất cả các thiết bị hiện đại. Vì thế, việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch sẽ tạo động lực đi đầu để công nghiệp hóa đất nước”.

“Xác định được tầm quan trọng này, Bộ KH&CN đã đầu tư và thành công bước đầu - mà ICDREC đạt được - phần nào cho thấy bước đi có triển vọng, mặc dù vậy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Trên thực tế, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỉ con chip các loại. Đây là cơ sở để TPHCM đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành ngành kinh tế chủ lực. Số liệu thống kê cũng cho thấy giá trị sử dụng chip RFID trên toàn cầu khoảng 9 tỷ đôla và sẽ tăng lên mức trên 27 tỷ đôla trong vài năm tới do nhu cầu ngày càng cao. Nhu cầu thực tế rộng lớn là như vậy, song cả cơ quan quản lý và nhà khoa học đều nhìn nhận con đường để chạm được tới nhu cầu đó không phải đơn giản. Và dư luận cũng còn băn khoăn: Liệu con chip của ICDREC có thể giúp doanh nghiệp làm ra được một sản phẩm chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại hay không?

Chia sẻ về băn khoăn này, ThS Ngô Đức Hoàng khẳng định cả chất lượng và giá thành hoàn toàn có thể cạnh tranh, nhưng cái khó ở đây chính là tâm lý người dùng khi quyết định chọn hàng nội thay vì nhập khẩu. Theo ông Hoàng, thực tế ở nước ngoài mọi mô hình ứng dụng cũng khá rõ. Hầu như các công ty làm ra chip sẽ bán cho các công ty làm thiết bị, các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất này sẽ làm ra thiết bị cuối cùng và đưa vào phân phối. Ví dụ như Intel làm ra chip sẽ bán ra cho các nhà sản xuất máy tính, Qualcomm thì làm ra chip bán cho các nhà sản xuất điện thoại di động như HTC, Samsung...

Nhưng những đơn vị muốn chuyển giao con chip giống như một mô hình bình thường của nước ngoài để áp vào Việt Nam hiện nay là không có nhiều. Chính vì vậy, hiện ICDREC đang phải làm ra con chip SG-8V1 và ứng dụng luôn đối với hơn 30 sản phẩm khác nhau. Mục đích là để chứng minh luôn cho các nhà sản xuất thiết bị quen mua bo mạch, bảng mạch từ nước ngoài về thấy rằng chip Việt Nam có khả năng ứng dụng vào thiết bị của họ như thế nào.

Ông Hoàng cho biết thêm, việc sản xuất con chip thành công như hiện nay có thể làm ra được 500-600 sản phẩm khác nhau. Khi đó với mỗi nhà sản xuất thiết bị nào đó thì họ phải có đội ngũ tiếp nhận con chip đó để tiếp tục phát triển lên.
Như vậy, giá trị gia tăng sẽ được chia ra, người làm chip cũng nhận được phần làm chip, người sản xuất thiết bị cũng nhận được giá trị từ chip tốt nhưng với điều kiện có đội ngũ tiếp nhận và phát triển lên theo đúng ý mình.
“Nhưng thật lòng là đội ngũ tiếp nhận này (R&D tại các doanh nghiệp) còn khá yếu. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm và cũng đã có một số doanh nghiệp đồng ý đưa chip của ICDREC vào thay thế chip ngoại nhập vì họ có đội ngũ tiếp nhận. Tuy nhiên, những công ty như thế không nhiều” - ông Hoàng cho biết.
Dù biết thực tế khó khăn, song ThS Hoàng chia sẻ: “Đã là thị trường thì phải cạnh tranh, nhưng cần tỉnh táo và chúng tôi luôn nhớ KHCN hiện nay phải lấy DN làm trung tâm và thị trường là đích đến cuối cùng”.
“Nếu chỉ dừng lại ở mức hoàn thành nhiệm vụ KHCN thì chúng tôi cũng đã hoàn thành; nhưng nếu quyết tâm lấy sản phẩm thương mại làm mục đích cuối cùng thì bước tiếp theo là phải thực sự tạo ra được sản phẩm và cạnh tranh sòng phẳng. Chúng tôi phải tham gia đấu thầu và tiếp tục chứng minh sản phẩm có thể đứng được trên thị trường trong nước” - ông Hoàng nói.