Theo các chuyên gia, PPP trong KH&CN có nhiệm vụ cơ bản là thu hút vốn đầu tư để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ mà Nhà nước đảm nhiệm...

IMG

Có thể áp dụng hình thức đầu tư PPP trong xây dựng các phòng thí nghiệm, khu ươm tạo công nghệ, khu công nghệ cao, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu dịch vụ về đo lường, kiểm chuẩn, chứng nhận chất lượng...

Trước đây, PPP chủ yếu được áp dụng trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đường sá, nhà máy phát điện hay cấp thoát nước… Tuy nhiên, đến nay, hình thức đầu tư này đã được mở rộng ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học và công nghệ (KH&CN), với mục tiêu huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, PPP trong KH&CN có nhiệm vụ cơ bản là thu hút vốn đầu tư để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ mà Nhà nước đảm nhiệm; thay đổi phương thức tổ chức và quản lý để khu vực tư tham gia nhiều hơn, tích cực và chủ động hơn vào các chương trình, dự án công; và chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Ths. Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Ban Đổi mới công nghệ thuộc Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) cho rằng, đặc thù của lĩnh vực nghiên cứu khoa học là doanh nghiệp thường tự đầu tư vào những vấn đề họ quan tâm, tuy nhiên cũng có không ít lĩnh vực mà chuyện thu lợi từ kết quả nghiên cứu tồn tại nhiều rủi ro, nên doanh nghiệp ít khi thực hiện riêng lẻ.

“Trường hợp một doanh nghiệp ở TP.HCM là ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này muốn sử dụng mỡ cá basa làm nguyên liệu sản xuất nhựa sinh học có khả năng phân hủy, nhưng do có quá nhiều rủi ro nên doanh nghiệp ngại đứng ra tự thực hiện, mà mong muốn có sự tham gia của những doanh nghiệp khác cũng như sự hỗ trợ từ phía Nhà nước”, Ths. Nguyễn Võ Hưng dẫn chứng và khẳng định: “Lúc này, áp dụng PPP là cần thiết để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ và mô hình này cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiệm vụ về KH&CN”.

Không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động, Ths. Nguyễn Võ Hưng cho rằng, PPP còn là công cụ giúp Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp mọi nguồn lực giải quyết vấn đề KH&CN trung và dài hạn mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, quốc gia. Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động nghiên cứu, nhiệm vụ về KH&CN hiện nay thường bị phân tán và xé lẻ, không tạo được nguồn đầu tư tới ngưỡng cho phép.

Theo TS. Tạ Doãn Trịnh, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN, về lý thuyết, PPP có thể được áp dụng trong nhiều hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới. PPP trong phát triển hạ tầng là việc xây dựng các phòng thí nghiệm, khu ươm tạo công nghệ, khu công nghệ cao, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu dịch vụ về đo lường, kiểm chuẩn, chứng nhận chất lượng... có bản chất là xây dựng một cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu công ích.

Hiện Bộ KH&CN đang dự thảo Đề án thí điểm cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hạn chế tình trạng đầu tư manh mún từ ngân sách nhà nước, giảm chi phí, rủi ro và tạo ra được một môi trường cạnh tranh cao trong hoạt động KH&CN.

TS. Tạ Doãn Trịnh cho biết, khi xây dựng Đề án thí điểm này, Bộ KH&CN mong muốn tạo ra một “sân chơi” mới cho doanh nghiệp bên cạnh các “sân chơi” đã có từ trước. Trong điều kiện các “sân chơi” cũ đã được nhiều doanh nghiệp tham gia và hiểu luật, để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp vào “sân chơi” mới, Đề án sẽ tập trung làm rõ ưu điểm của “sân chơi” PPP so với các “sân chơi” khác.

Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất của Đề án vì nếu không làm được điều này, doanh nghiệp sẽ tập trung vào Nghị định số 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN hoặc một số cơ chế ưu đãi khác hiện có, trong khi “sân chơi” PPP thì chưa có doanh nghiệp nào tham gia.

Cũng theo TS. Tạ Doãn Trịnh, cơ chế chia sẻ lợi ích, lợi nhuận cũng như rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân là điều mà doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm hàng đầu trong mô hình hợp tác công - tư áp dụng cho KH&CN. Chính vì vậy, khi xây dựng cơ chế hợp tác, Đề án sẽ làm rõ kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN đó thì ai sử dụng.