Theo TS Lương Minh Huân - Viện phó Viện phát triển doanh nghiệp, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - cơ sở hạ tầng là yếu tố được đánh giá cao nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, đạt 4,07 điểm (trên thang điểm từ 1 đến 5).

Đây là thông tin được TS Lương Minh Huân trích từ Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015 trong buổi tọa đàm Kinh nghiệm xây dựng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công diễn ra sáng 13/11. Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest 2016, sự kiện do Ngân hàng Vietinbank và Ngân hàng Vietcombank tài trợ.

TS Dương Minh Huân trình bày Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015. Ảnh:NV

Ông Huân cho biết, các chuyên gia đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 hầu như không thay đổi nhiều so với năm 2014 và 2013 cả về mức độ và thứ tự xếp hạng của các chỉ số.

“3 chỉ số được đánh giá cao nhất là cơ sở hạ tầng (4,07 điểm), sự năng động của thị trường nội địa (3,59 điểm) và văn hóa, chuẩn mực xã hội (3,23 điểm). Trong 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp, chỉ có 3 chỉ số trên đạt trên mức trung bình (hơn 3 điểm, 9 chỉ số còn lại được đánh giá dưới mức trung bình, trong đó 3 vị trí cuối cùng lần lượt là chương trình hỗ trợ của chính phủ (2,14 điểm), tài chính cho kinh doanh (2,12 điểm) và giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông (1,57 điểm)” – ông Huân nói.

Một con số đáng chú ý được TS Lương Minh Huân đưa ra là nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 đã tăng mạnh so với năm 2014 và 2013 với tỷ lệ 56,8%, xếp thứ 9/60 các quốc gia tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ lo sợ thất bại trong kinh doanh dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao là 45,6%.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh là sáng lập tổ chức KisStartup chuyên hỗ trợ kỹ năng cho startup. Ảnh:NV

Chia sẻ về các tổ chức hỗ trợ, giúp giảm rủi ro khi khởi nghiệp cho các startup, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Nhà sáng lập và điều hành tổ chức KisStartup cho biết: “Bản thân tôi cũng đã thất bại nhiều lần khi khởi nghiệp. Tôi nhận ra rằng, cần phải có một ai đó làm việc cùng các bạn trẻ khi hình thành, xây dựng ý tưởng. Chúng tôi giúp họ nâng cao các kỹ năng cần thiết, vượt qua những khó khăn ban đầu, chỉ cho họ cách kêu gọi vốn, và hỗ trợ các startup đưa ra một giá trị rõ ràng cho doanh nghiệp trước nhà đầu tư”.

Theo bà Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều những người có kinh nghiệm để cố vấn cho các startup và dạy họ các kỹ năng cần thiết. Đây là một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp cùng với vườn ươm và các quỹ tăng tốc khởi nghiệp. Hiện nay, chương trình huấn luyện, đào tạo của bà Minh cũng đã nhận được nhiều lời mời xây dựng chương trình huấn luyện cho các quỹ và vườn ươm trong thời gian tới.