Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang được định hình, nhưng vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi "bao nhiêu việc làm sẽ mất đi, bao nhiêu được tạo ra?", “việc làm mất đi hay chuyển đổi?”

Khoảng 9 triệu việc làm ở Đông Nam Á được ILO dự đoán sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới. Số việc làm này chủ yếu là kỹ năng thấp trong cách ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, v.v. Ảnh: Nld.

Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cảnh báo rằng ít nhất tại 15 nền kinh tế phát triển hoặc mới nổi (bao gồm Trung Quốc), 7,1 triệu việc làm mất đi thì có 2,1 việc làm được tạo ra. Tức là có khoảng 5 triệu người không có việc trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên số việc làm mất đi lại là việc làm "cổ trắng", hành chính văn phòng, số việc làm được tạo ra chủ yếu là vị trí kỹ sư tin học, lập trình...

Trong khi đó 56% trong số khoảng 9 triệu việc làm ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự đoán sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới. Số việc làm này chủ yếu là kỹ năng thấp trong cách ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, v.v.

Chưa nói đến sự "lệch pha" của các số liệu trên so với tư duy thông thường về mất việc "cổ trắng" "cổ xanh" giữa các khu vực, các báo cáo này củng cố thêm nỗi lo sợ công nghệ dường như đang thắng con người.

Ít nhất gần 10 triệu người lao động sẽ có khả năng mất việc từ 02 nghiên cứu nói trên. Những công nhân sản xuất tại Việt Nam, họ sẽ đi đâu và làm công việc gì? Quay lại quê hương làm ruộng, chuyển nghề du lịch, khách sạn, hay trở thành tài xế Uber và tham gia vào nền kinh tế tự do (GIG)? Những nhân viên "cổ trắng" sẽ dựa vào ai hay tự đi tìm cơ hội việc làm mới từ các kỹ năng làm việc "của tương lai" như lập trình, tự động hóa, v.v. mà các diễn đàn đang tư vấn chính phủ để hỗ trợ họ.

Việc làm mất đi hay chuyển đổi?

Năm 2017, Tập đoàn tư vấn McKinsey tung ra dự báo về việc làm toàn cầu trước tác động của tự động hóa. Dự báo cho thấy vẫn có đủ việc làm cho đến năm 2030 do 07 xu hướng kích cầu việc làm cùng xuất phát từ chính tự động hóa. Đồng thời tự động hóa sẽ làm thay đổi loại hình và kỹ năng làm việc của từ 75 triệu cho đến 375 triệu người trên toàn thế giới tùy theo mức độ áp dụng công nghệ nhanh hay chậm (www.mckinsey.com).

Cứ 6 trên 10 việc làm hiện nay sẽ bị chuyển đổi về hình thức do ít nhất 30% hoạt động thực hiện công việc đó được tự động hóa. Tức là khoảng 14% trong số 2,66 tỉ việc làm sẽ không bị mất đi mà chỉ chuyển sang dạng khác. Với tốc độ ứng dụng công nghệ nhanh nhất, sẽ có khoảng 30%, tức là 800 triệu người lao động bị thay thế. Tuy nhiên 8-9% việc làm hoàn toàn mới được tạo ra và nhu cầu sẽ tăng lên với 33% lực lượng lao động xuất phát từ các xu hướng như thu nhâp và tiêu dùng gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi; già hóa dân số; phát triển và áp dụng công nghệ mới; đầu tư vào xây dựng cơ bản; năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu; và các dịch vụ bù đắp cho các công việc không được trả lương. Các con số này cho thấy thế giới sẽ có đủ việc làm đến năm 2030.

Với báo cáo này, nỗi sợ mất việc làm sẽ được thay thế bằng sự lo lắng làm sao tốc độ đầu tư vào phát triển & ứng dụng công nghệ của chính phủ và doanh nghiệp có thể đi cùng với tốc độ tăng trưởng, thay thế việc làm, cũng như nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.

Vì chắc chắn rằng việc làm chỉ có thể được tạo ra và được thay thế hiệu quả nếu mức lương đi cùng với năng lực đi lên của người lao động, tăng trưởng kinh tế đi kèm sáng tạo kích cầu việc làm, lực lượng lao động trẻ và đa đạng ngành nghề mở rộng đường cho ứng dụng công nghệ.

Cuối cùng, việc làm kỹ năng thấp hay ít đòi hỏi bằng cấp vẫn được thâm dụng, nhưng không bao gồm các hoạt động mà máy móc và robot có khả năng vượt trội như sản xuất hàng loạt, tổng hợp, xử lý số liệu, v.v. Thay vào đó lực lượng lao động, bao gồm đối tượng quản lý, phải bổ sung và nâng cao các phẩm chất và kỹ năng về công nghệ, quản lý các mối quan hệ việc làm, quan hệ xã hội, tư duy nhận thức, phân tích logic và khả năng sáng tạo. Như ông trùm bán lẻ Jack Ma đã khẳng định, thế hệ lao động mới cần học những thứ mà robot khó có thể qua mặt được họ, như nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, tâm lý hay các kỹ năng tương tác con người với con người.

Tại Việt Nam, các phẩm chất và kỹ năng làm việc này đang là những thách thức lớn nhất của lực lượng lao động, cũng là những khối u nhức nhối đang triệt tiêu năng suất, hiệu quả hợp tác tại nơi làm việc, vốn xuất phát từ xuất phát điểm thấp về chất lượng giáo dục trước và trong khi tham gia thị trường lao động. Từ đây đã và đang có sự dịch chuyển từ quan hệ việc làm truyền thống sang việc làm “tự do” trong nền kinh tế chia sẻ - nền kinh tế GIG - khi mà các cá nhân từ chối làm việc tập thể để trở thành “nhà thầu độc lập” trong mối quan hệ với đối tác hoặc ông chủ “ảo” như Uber, Grab, Airbnb, Freelancer, Upwork, v.v. Phân tích được xu hướng này tại Việt Nam mới có thể dự báo sâu hơn tác động của 4.0 lên việc làm và lực lượng lao động và mới có thể trả lời câu hỏi "Ai thắng ai?"

(Còn tiếp: "CMCN 4.0 Tạo ra các mối quan hệ việc làm phi truyền thống")

Đặng Thị Hải Hà
Dẫn theo Tiasang.com.vn