Để thúc đẩy mô hình liên kết chuyển giao công nghệ cần có sự tham gia của 3 bên doanh nghiệp, viện trường và các tổ chức trung gian, trong đó, doanh nghiệp phải là trọng tâm, và cơ chế doanh nghiệp là yếu tố để tạo nên mối quan hệ cộng sinh bền chặt giữa ba bên.

Nhiều mô hình chuyển giao hiệu quả

Để góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến phát triển thị trường KH&CN nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ là rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm được các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Là một trong những đơn vị xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học để ươm tạo và chuyển giao công nghệ, BK Holding đã đạt được một số thành công. Ví dụ như sự ra đời và phát triển của BKAV với sản phẩm lõi ban đầu là phần mềm diệt virus của anh Nguyễn Tử Quảng. Sản phẩm này đã nhận được sự hỗ trợ từ các đề tài công nghệ trong trường và ươm tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa. Giờ đây, BKAV đã trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và có vị trí trên thế giới trong lĩnh vực an ninh mạng.

Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc Vươn ươm BK Holding cho biết, ngoài thành công của BKAV, ĐH Bách khoa cũng đã hợp tác chuyển giao công nghệ với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và thương mại hóa nghiên cứu về đèn huỳnh quang.

“Bóng đèn compact ban đầu chỉ có một phổ ánh sáng đơn giản. Khi kết hợp với các nghiên cứu của trường ĐH Bách khoa, Rạng Đông đã được cung cấp thêm một số phổ phản quang, tăng phổ phát sáng của đèn lên và ứng dụng nhiều hơn trong nông nghiệp” – ông Hiệp cho biết.

Mặc dù mới chỉ là những kết quả ban đầu nhưng theo ông Hiệp, việc xây dựng doanh nghiệp trong trường đại học là công cụ thuận lợi để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hóa. Trường Đại học Bách khoa không có tư cách pháp nhân để đi bán hay đấu thầu, nên nhóm doanh nghiệp này là công cụ hữu hiệu.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu về các sản phẩm nghiên cứu tại Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Hiệp cũng tiết lộ thêm, mỗi năm, trường ĐH Bách khoa thực hiện khoảng 400 đề tài nghiên cứu về KH&CN, trong đó có khoảng 200 đề tài nghiên cứu ứng dụng. Những đề tài nhận được đặt hàng của doanh nghiệp là đề tài có tỷ lệ thương mại hóa cao nhất.

Trong khi đó, trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội theo định hướng ứng dụng. Doanh nghiệp cần gì sẽ đáp ứng yêu cầu, từ vị trí giám đốc điều hành đến điều hành dây chuyền sản xuất. Một trong những quy trình công nghệ được ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội chuyển giao cho doanh nghiệp là lean và đạt hiệu quả tích cực.

Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường ĐH công nghiệp dệt may Hà Nội chia sẻ: “Doanh nghiệp dệt may có từ 20-30 chuyền. Khi chuyển giao, chúng tôi chọn 4 chuyền có năng suất thấp nhất để thí điểm trong 3 tháng. Kết quả, chuyền tăng năng suất thấp nhất là 23,6%, cao nhất là 45%. Khi tiếp nhận 4 dây chuyền này, doanh nghiệp tiếp nhận được công nghệ, quy trình triển khai, và quy cách đào tạo người lao động rồi tự nhân rộng ra các dây chuyền khác. Trong khi đó, chi phí chuyển giao được tính bằng 70% năng suất tăng thêm của các dây chuyền”.

Hay như với các doanh nghiệp mới thành lập, trường ĐH Công nghiệp dệt may cũng thực hiện việc chuyển giao trọn gói nhân lực. Nghĩa là, nhà trường chịu trách nhiệm tìm kiếm, đào tạo toàn bộ nhân sự khung cho một doanh nghiệp và cả phần mềm, công cụ quản trị trong ngành rồi bàn giao để doanh nghiệp vận hành.

Liên kết nào cho bền chặt?

Tùy theo từng mô hình và hoàn cảnh khác nhau, các mô hình sẽ được áp dụng vào thực tế để đưa đến kết quả chuyển giao tốt giữa doanh nghiệp và viện, trường nghiên cứu. Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 đang đến gần. Tuy nhiên, theo khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc Tiểu dự án FIRST-NASATI do Cục Thông tin KHCN Quốc gia thực hiện thì có tới 85% doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có sản phẩm mới, 14% doanh nghiệp phối hợp với đơn vị bên ngoài triển khai nghiên cứu sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp, chỉ khoảng dưới 1%.

Đây là điều vô cùng lãng phí, khi 99% kết quả nghiên cứu nằm trong ngăn kéo - TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận định và phân tích về mối quan hệ cần có giữa các bên: “Việt Nam có thể xây dựng nhiều mô hình chuyển giao phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, mô hình này cần có sự tham gia của 3 bên là doanh nghiệp, viện trường nghiên cứu và tổ chức trung gian. Trong đó, cơ chế doanh nghiệp với lợi ích đi kèm phải là yếu tố then chốt liên kết 3 nhà. Quan hệ 3 nhà phải là quan hệ cộng sinh, đối tác bền chặt mới tạo nên sự bứt phá và sáng tạo”.

Khẳng định sự cần thiết của các tổ chức môi giới trung gian, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – nguyên Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT bày tỏ: “Đây là vị trí cần thiết cho sự thương mại hóa của mọi công nghệ toàn cầu. Những người môi giới công nghệ này nhìn thấy sự cần thiết của thị trường và sự đáp ứng của các đơn vị nghiên cứu. Họ dẫn dắt, tư vấn để đưa một sản phẩm có thể lên sàn và hưởng lợi ít nhất 10% sau mỗi thương vụ thành công”.

Lâu nay, đơn vị môi giới giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng. Vì thế, để liên kết giữa các bên bền vững hơn, cần thay đổi góc nhìn về nhân tố này để có những quan tâm về mặt chính sách đúng mực.