Thông điệp mới, rõ ràng, hữu ích và thú vị, có cấu trúc trình bày hợp lý... là các yếu tố giúp bản thảo thu hút thẩm định viên, biên tập viên. Đó là kinh nghiệm mà bà Velerie Teng-Broug, Nhà xuất bản Elsevier (có trụ sở chính tại Hà Lan), chia sẻ tại hội thảo sáng 21/2.

Hội thảo “Kỹ năng viết và xuất bản bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học” do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Nasati) tổ chức tại Hà Nội thu hút gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các sở khoa học và công nghệ (KH&CN).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia -nhấn mạnh, công bố quốc tế là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực nghiên cứu của một đơn vị khoa học hay một quốc gia.

“Hiện trên thế giới có nhiều cách, nhiều chỉ tiêu để đánh giá năng lực, sản phẩm của một cơ quan nghiên cứu hay một quốc gia. Yếu tố đổi mới sáng tạo hiện đã được lồng ghép và tích lũy trong khả năng đánh giá nghiên cứu. Tuy nhiên, công bố quốc tế vẫn là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá năng lực, kết quả nghiên cứu sáng tạo của cơ quan nghiên cứu, từ đó suy rộng ra năng lực nghiên cứu của quốc gia. Do đó, việc rèn luyện kỹ năng viết và xuất bản bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học là vô cùng quan trọng” – ông Định nói.

Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cũng cho biết, sắp tới, 70%nguồn kinh phí nuôi dưỡng nghiên cứu khoa học sẽ đến từ đặt hàng của các doanh nghiệp thay vì từ ngân sách nhà nước như hiện nay. "Do đó, dư địa phát triển cho các công bố trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo là rất lớn. Chúng tôi tin tưởng cộng đồng khoa học Việt Nam sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới” – ông Định nói.

TS Lê Xuân Định phát biểu khai mạc hội thảo.
TS Lê Xuân Định phát biểu khai mạc hội thảo.

Chia sẻ về kỹ năng viết bài nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học, bà Velerie Teng lưu ý, để bài báo nhận được sự chú ý, quan tâm tương xứng với nỗ lực bỏ ra, trước hết nhà khoa học cần chọn đúng tạp chí.

“Cần xác định đối tượng độc giả cho nghiên cứu của bạn; chọn duy nhất một tạp chí vì không được phép nộp bài đồng thời trên nhiều tạp chí. Trên cơ sở đó, bạn nghiên cứu để đầu tư vào bài báo khoa học cho đúng mục đích, phạm vi, kiểu định dạng của bài báo, độc giả và những chủ đề đang được quan tâm nhất” – bà Velerie Teng chia sẻ.Để bài viết thực sự nổi bật so với những bài khác, bà cũng gợi ý chia sẻ thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội cũng là cách mà .

“Một bản thảo có chất lượng phải mang đến thông điệp mới, rõ ràng, hữu ích và thú vị. Cấu trúc trình bày hợp lý... là yếu tố để đội ngũ thẩm định viên và biên tập viên dễ dàng hiểu được ý nghĩa khoa học chuyên môn. Bài báo khoa học cũng rất cần được quảng cáo, tức là phần tóm tắt phải thú vị và dễ hiểu, viết đúng trọng tâm và cụ thể ý. Sự mạch lạc của phần tóm tắt ảnh hưởng rất nhiều tới việc bài viết của bạn có được tiếp tục xem xét hay không” - bà Velerie Teng nhấn mạnh.

bà Velerie Teng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong việc viết bài báo khoa học gửi đến các tạp chí quốc tế.
Bà Velerie Teng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc viết báo khoa học gửi đến các tạp chí quốc tế.

Cũng đến từ Nhà xuất bản Elsevier , ông Nicholas Pak chia sẻ kinh nghiệm quảng bá bài viết tới cộng đồng: "Nhà nghiên cứu cần sử dụng các công cụ sẵn có hiện nay để thu hút sự quan tâm của độc giả bằng cách chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn học thuật. Để làm được như vậy, các nhà nghiên cứu phải liên tục cập nhật về lĩnh vực của mình; tìm kiếm trực tuyến dữ liệu khoa học và có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực".

TS Lê Xuân Định cho biết, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ sẵn sàng hỗ trợ các nhà khoa học có nền thông tin cập nhật và hiện đại nhất để có được các công trình nghiên cứu hiện đại và công bố quốc tế. Cục được Chính phủ cho phép bổ sung tập trung nguồn tin từ nhà xuất bản Elsevier. Tất cả các tạp chí của SienceDirect hiện nay đã được cung cấp cho những người chủ trì nhiệm vụ quốc gia tại các cơ sở nghiên cứu lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Ông Định cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay, nhịp độ gia tăng công bố quốc tế của Việt Nam trung bình khoảng 19%/năm (Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đề ra chỉ tiêu từ 17-20%).