Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015" (Chương trình Tây Nguyên 3) đã bước vào chặng cuối và sẽ tổng kết toàn diện vào quý II năm 2016.

Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015" đã bước vào chặng cuối.
Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015" đã bước vào chặng cuối.

Chương trình Tây Nguyên 3 là chương trình khoa học mang tính tổng hợp liên ngành, với sự phối hợp thực hiện giữa Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai đoạn mới.

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 cho biết, có thể nói lần đầu Tây Nguyên có một bộ cơ sở dữ liệu toàn diện, đồng bộ và hiện đại phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm trước mắt và các năm tiếp theo.

Bám sát thực tế ở Tây Nguyên trong thời gian qua, hơn 600 nhà khoa học chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài đã tập hợp hàng nghìn cán bộ khoa học tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu tình hình Tây Nguyên. Hàng chục nghìn số liệu, dữ liệu đã được xác lập, phân tích và thống kê. Bằng các phương pháp hiện đại được thực hiện ở các phòng thí nghiệm tiên tiến trong và ngoài nước, không ít đề tài đã phát hiện hàng trăm loài sinh vật mới, nhiều hoạt chất sinh học mới có giá trị dược lý. Cơ sở dữ liệu về khoáng sản, về đất, nước, rừng, cũng như các tai biến thiên nhiên đã và đang được xây dựng bằng các công nghệ hiện đại, viễn thám và GIS. Những kịch bản về hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu đã được xây dựng và đang được kiểm định cho khu vực Tây Nguyên. Cơ sở dữ liệu nền địa lý được thống nhất cho toàn vùng Tây Nguyên với nhiều tỷ lệ khác nhau, từ 1/250.000 cho toàn vùng đến 1/100.000 cho tỉnh và 1/25.000 cho các huyện.

Các nhiệm vụ khoa học xã hội và an ninh quốc phòng đã vẽ nên một bức tranh tổng thể hiện trạng kinh tế - xã hội Tây Nguyên sau 30 năm đổi mới (từ năm 1986) trên quan điểm, phương pháp tiếp cận phát triển bền vững các dữ liệu về dân số, tôn giáo, văn hóa, thể chế chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng… đã được phân tích đánh giá. Trên cơ sở nắm bắt các giá trị đặc thù của Tây Nguyên đã đề xuất các phương án tái cơ cấu, chuyển dịch, bổ sung chính sách, thể chế thích hợp.

Đáng chú ý, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã thành công với hơn 20 hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, đồng thời chuyển giao vào thực tế hiệu quả được các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên và doanh nghiệp đón nhận. Có thể kể đến như công nghệ hóa học phục vụ xử lý bùn đỏ thành sắt thép và vật liệu không nung (từ khai thác bô-xít) đã thành công ở quy mô công nghiệp, nhận một bằng sáng chế và một giải pháp hữu ích, được Thủ tướng Chính phủ cấp phép cho Công ty thép Thái Hưng tiếp nhận xây dựng đề án sản xuất tại Tân Rai - Lâm Đồng. Hiện, đang khảo sát địa chất công trình xây nhà máy. Nhiệm vụ ứng dụng đèn LED phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Tây Nguyên đã phối hợp thành công với các đơn vị sản xuất trên địa bàn. Công nghệ chế tạo phân bón, chất giữ ẩm đặc biệt có tác dụng ứng phó với hạn hán, cải tạo đất; công nghệ vũ trụ, công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin phục vụ quản lý tài nguyên môi trường, phòng tránh thiên tai; công nghệ sinh học về lai tạo giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên... Các nhiệm vụ, đề tài công nghệ cơ bản hoàn thành và đang từng bước được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh.

Theo TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình, đến cuối năm 2015 và sang đầu quý II năm 2016 sẽ hoàn thành nghiệm thu và tổng kết đánh giá. Nhìn chung, tất cả các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 đều đáp ứng yêu cầu chuyển giao vào thực tiễn Tây Nguyên.

Tuy nhiên, cơ chế chuyển giao và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Các bằng sáng chế, các giải pháp hữu ích, sở hữu trí tuệ đạt được của Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 cần được các chủ nhiệm sáng tạo tiếp tục hoàn thiện nâng cấp đưa vào Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020. Cho nên, cần sớm có chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ, khuyến khích xây dựng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tránh tình trạng các đề tài, dự án nghiệm thu xong kém phát huy tác dụng, hoặc "cất trong ngăn tủ" gây lãng phí…Mặt khác, cần sự liên kết, hợp tác của các nhà khoa học và công nghệ để tạo thành các hệ thống đồng bộ đặc thù cho Tây Nguyên nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, hệ thống công nghệ quản lý về tài nguyên, môi trường, thiên tai cần kết hợp việc khai thác ảnh vệ tinh VNREDSat-1 với máy bay không người lái và nền mạng viễn thông WIMAX cùng hệ thông tin địa lý đã và đang được nghiên cứu, xây dựng ở Tây Nguyên. Có như vậy các đề tài nghiên cứu mới thật sự mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển một nền kinh tế bền vững và toàn diện cho Tây Nguyên.