Danh hiệu hacker mũ trắng nổi bật nhất thế giới có lẽ nên được trao cho chính phủ của đất nước Mặt trời mọc.

Kênh truyền hình NHK World – Japan cho biết, bắt đầu từ tháng Hai tới, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản (NICT) sẽ ưu tiên các nguồn lực cho một kế hoạch 5 năm, như một phần của nỗ lực nhằm tăng cường năng lực an ninh mạng quốc gia – trong đó có kế hoạch hack khoảng 200 triệu thiết bị kết nối internet của công dân, bao gồm bộ định tuyến (router), webcam và nhiều thiết bị trên nền tảng IoT khác.

Nhật Bản sẽ cho phép hack hàng trăm triệu thiết bị kết nối internet của người dân để chuẩn bị cho công tác an ninh mạng tại Olympics Tokyo 2020. Ảnh: Threatpost.

Nhật Bản sẽ cho phép hack hàng trăm triệu thiết bị kết nối internet của người dân để chuẩn bị cho công tác an ninh mạng tại Olympics Tokyo 2020. Ảnh: Threatpost.

Từ tháng 11/2018, NICT đã được chính phủ Nhật Bản cho phép hack công dân vì lý do cần tăng cường công tác an ninh mạng để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè và Paralympic Tokyo 2020. Sau khi hack thành công, NICT sẽ thông báo cho người dùng rằng họ cần tăng cường công tác bảo mật kỹ thuật số. Trao đổi với NHK World – Japan, nhà nghiên cứu Daisuke Inoue của NICT cho biết, tổ chức của ông sẽ bảo mật tất cả các dữ liệu mà họ tiếp cận và thu thập được, bao gồm cả thông tin cá nhân, hình ảnh và video được chụp bằng webcam trên nền IoT.

Tuy nhiên, không phải ai cũng mong mình bị hack, kể cả chính phủ lẫn người dân. Vì vậy, trái ngược với suy nghĩ của nhà chức trách Nhật Bản, tạp chí MIT Technology Review lại đặt ra câu hỏi, rằng tại sao NICT không thông báo trước cho người dân về những nguy cơ rủi ro và khuyến nghị họ tăng cường các biện pháp bảo mật như cài đặt mật khẩu phức tạp hơn hoặc bổ sung cơ chế xác thực hai lớp thay vì tìm cách truy cập và lưu trữ dữ liệu cá nhân, tức xâm phạm quyền riêng tư của họ.