Đối với nhiều người, nhắc đến công cụ chỉnh sửa gene CRISPR cùng với Trung Quốc, họ sẽ ngay lập tức liên tưởng đến He Jiankui (Hạ Kiến Khuê), người từng có tai tiếng trong việc sử dụng công cụ chỉnh sửa gene vào năm ngoái nhằm điều chỉnh DNA của hai phôi thai và cho chào đời hai bé gái sinh đôi.

Trong số 52 công bố CRISPR về cải thiện tính trạng của cây trồng nông nghiệp, được xuất bản từ năm 2014 đến 2017, Trung Quốc chiếm 42% tổng số công bố. Trong ảnh: Nhà nghiên cứu Gao Caixia, ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đứng bên cạnh những cây lúa mỳ được chỉnh sửa gene. Nguồn: sciencemag
Trong số 52 công bố CRISPR về cải thiện tính trạng của cây trồng nông nghiệp, được xuất bản từ năm 2014 đến 2017, Trung Quốc chiếm 42% tổng số công bố. Trong ảnh: Nhà nghiên cứu Gao Caixia, ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đứng bên cạnh những cây lúa mỳ được chỉnh sửa gene. Nguồn: sciencemag

Trước công bố này, cộng đồng nghiên cứu CRISPR ở Trung Quốc cũng còn chưa biết nhiều đến ông. Cộng đồng này đã và đang lớn mạnh nhanh chóng, dần trở thành đối thủ và thậm chí đã vượt qua Hoa Kỳ về một số phương diện trong việc sử dụng công cụ đáng gờm này.

Một đại diện nổi bật hơn trong nghiên cứu CRISPR tại Trung Quốc là nhà sinh học thực vật Li Jiayang thuộc Viện Di truyền học và Sinh học Phát triển ở Bắc Kinh. Li đi du học vào năm 1985 rồi sau đó hồi hương vào năm 1995 để tập trung vào việc nghiên cứu chỉnh sửa DNA thực vật và nhiều năm liền làm quản lý ở Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (mới nghỉ quản lý gần đây). Ông nói rằng bản thân đã vật lộn trong nhiều năm để thực hiện các chỉnh sửa gene đầy tinh vi, và rồi công cụ CRISPR đã trao cho ông một cách thức đơn giản, nhanh chóng để , thúc đẩy việc chỉnh sửa gene cây lúa. “Bây giờ, đột nhiên, những giấc mơ trở thành sự thật”, Li trả lời phỏng vấn trong lúc phòng thí nghiệm của ông vẫn hoạt động hết công suất vào 9 giờ tối, với hai mươi tư thành viên trong nhóm đang chạy các thí nghiệm.

Giờ đây, các phòng thí nghiệm CRISPR trên toàn thế giới đều luôn sáng đèn tới tận đêm khuya. Vào năm 2012, khi các nhà nghiên cứu biến một hệ thống miễn dịch của vi khuẩn thành một công cụ chỉnh sửa gene nhanh chóng và đa năng, tổng số công bố khoa học có đề cập tới CRISPR mới là 127 công trình. Kể từ đó đến nay, con số ấy đã vượt quá 14.000 công bố. Mặc dù Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều công bố khoa học về CRISPR nhất — và tiếp tục có nhiều tài liệu được trích dẫn nhất — nhưng Trung Quốc hiện đang rượt đuổi ngay sau và đang rót rất nhiều tiền vào việc nghiên cứu các ứng dụng của CRISPR.

Phóng viên tạp chí Science đã đến gặp gỡ các nhà khoa học đang làm về CRISPR tại năm thành phố của Trung Quốc.Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh các nghiên cứu chỉnh sửa gene trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các nhà nghiên cứu cũng đang áp dụng công cụ biến đổi gene trên quy mô lớn ở động vật, trong đó việc nghiên cứu để cấy ghép nội tạng lợn cho người đang là tâm điểm làm dấy lên nhiều tranh cãi nhất. Hơn nữa, nước này cũng đang ráo riết nghiên cứu việc chỉnh sửa gene để ứng dụng trong y học, đồng thời đưa ra nhiều thử nghiệm lâm sàng có sử dụng CRISPR, chủ yếu là cho bệnh ung thư.

Mặc dù dự án của He Jiankui không thuộc lĩnh vực được nghiên cứu nhiều nhất tại Trung Quốc, nhưng công bố mới đây tác giả này vẫn gây chấn động khắp Trung Quốc. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm, nhưng ít được đề cập về những dự án nghiên cứu này của He Jiankui, đó là vai trò của những người khác, cả ở Trung Quốc và cả nước ngoài, trong cuộc chạy đua thử nghiệm của anh ta.

Yang Hui, thuộc Viện Khoa học thần kinh ở Thượng Hải, một trong những nhà nghiên cứu CRISPR trẻ tuổi và được đánh giá thuộc hàng thành công nhất ở nước này, hy vọng rằng Trung Quốc có thể vượt qua được sự việc của He và tăng tốc trong cuộc đua của mình. “Các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố nhiều nghiên cứu liên quan đến CRISPR”, ông nói, nhưng “rất ít” trong số họ thực hiện được những dự án được đánh giá cao, mà có thể tạo nên những bước đột phá trong khoa học. “Thế hệ của chúng ta nên xuất bản được nhiều bài báo có tính phát hiện hơn”, Yang nói.

Yang cũng nhấn mạnh rằng ông đã chứng kiến chất lượng tăng “rất nhanh” trong hai năm qua. Khi Trung Quốc cắm lá cờ đánh dấu địa phận của mình trong lĩnh vực nghiên cứu này, những người từng làm việc ở nước ngoài như Li Jiayang và chính bản thân ông có thể trở thành những người ngoài cuộc. “Hiện tại, nhiều sinh viên giỏi của Trung Quốc sẽ chọn ở lại đây vì những cơ hội tốt,” Yang nói. “Và chúng tôi có nhiều sinh viên giỏi làm việc chăm chỉ.”

Dưới đây là một biểu đồ cho thấy thực lực của Trung Quốc trong nghiên cứu chỉnh sửa gene:

Biểu đồ số lượng sáng chế CRISPR.
Biểu đồ số lượng sáng chế CRISPR.

Số lượng sáng chế CRISPR: Trung Quốc sắp đuổi kịp Mỹ

Trong một phân tích gần đây về hơn 2000 đơn xin cấp bằng sáng chế cho các phát minh riêng biệt có liên quan đến CRISPR, Hoa Kỳ cũng chỉ mới nhỉnh hơn Trung Quốc. Số lượng đơn xin cấp bằng từ Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, đất nước này đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Số lượng bài báo về CRISPR: Trung Quốc bắt kịp Mỹ mặc dù số lượng trích dẫn chưa bằng

Các nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố hầu hết các bài báo liên quan đến CRISPR, nhưng Trung Quốc đang bắt kịp, theo dữ liệu mà PubMed phân tích cho Science, được thực hiện bởi nhà sinh học tính toán Geoffrey Siwo thuộc Đại học Notre Dame ở South Bend, Indiana.

Các tác giả Hoa Kỳ đã chiếm ưu thế về số lượng trích dẫn cho các nghiên cứu CRISPR từ năm 2012 đến 2018. Trong năm 2017, 15 trong số 20 công trình được trích dẫn nhiều nhất có trưởng nhóm nghiên cứu là người Mỹ. Chỉ có nhà khoa học thực vật Trung Quốc Gao Caixia là chen vào được danh sách đó.