Không lâu trước Thế vận hội Olympic thì Omicron, biến thể mới của corona bắt đầu lây lan ở Trung Quốc. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm tình hình đại dịch ở trong nước.

Tin xấu đã được phát đi, tuy đã chuẩn bị trước nhưng tin này vẫn khiến hầu hết người Trung Quốc bị sốc. Hôm thứ bảy một cặp vợ chồng ở thành phố ven biển Thiên Tân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Omicron. Truyền hình nhà nước đã đưa tin vào sáng Chủ nhật: Đây là những trường hợp Omicron đầu tiên trong cả nước. Đã phát hiện hơn 20 trường hợp lây nhiễm, trong đó có ít nhất 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cư dân thành phố 15 triệu dân không nên ra khỏi nhà, chính quyền muốn tiến hành xét nghiệm hàng loạt.

Dù Omicron tiếp tục lây lan ở Trung Quốc như thế nào thì điều này cũng liên quan đến Thế vận hội mùa đông. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 4 - 20/2 tại Bắc Kinh trong một "bong bóng khép kín". Những người tham gia và nhân viên phục vụ không được tiếp xúc với người dân địa phương. Do công tác an ninh rất nghiêm ngặt đối với virus corona nên chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Thomas Bach, coi việc hủy bỏ ngày hội thể thao này là không thể.

Với chiến lược Zero COVID triệt để, Trung Quốc đang đạt đến giới hạn của mình. Ảnh: thetimes

Đối với Trung Quốc đây là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra. Các nhà virus học hàng đầu trên thế giới đã cảnh báo cách đây vài ngày virus đột biến có khả năng lây nhiễm cao có thể làm đảo lộn tất cả. Không lâu trước lễ Giáng sinh, nhà virus học người Đức Christian Drosten cũng mô tả Trung Quốc là “mối quan tâm lớn nhất” của ông, xét cả về nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Giống như Drosten, hầu hết các nhà khoa học quốc tế tin rằng, đột biến có khả năng lây nhiễm cao, do đó chính sách Zero COVID chắc chắn sẽ thất bại. Bất chấp các chế độ kiểm dịch và phong tỏa nghiêm ngặt đến đâu. Sự lây lan của virus là không thể ngăn chặn được nữa.

Thêm vào đó, các loại vaccine của Sinopharm và Sinovac, được phê duyệt ở Trung Quốc, không cung cấp khả năng bảo vệ đầy đủ đối với Omicron, ngay cả khi tiêm bổ sung. Điều này cũng có thể gây ra hậu quả ở cả bên ngoài Trung Quốc: Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho đến nay khoảng 2 tỷ liều vaccine đã được chuyển đến hơn 120 quốc gia. Các nước đang phát triển và mới nổi như Brazil và Chile nói riêng hoàn toàn tin tưởng vào vaccine của Trung Quốc.

Một vấn đề khác có thể làm cho sự lây lan biến thể Omicron ở Trung Quốc càng thêm trầm trọng: Do số lượng người bị lây nhiễm bệnh ở Trung Quốc rất thấp kể từ khi đại dịch bùng phát do đó khả năng miễn dịch “tự nhiên” cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác. Chỉ có hơn 100.000 người đã nhiễm virus trong 1,4 tỷ dân. Trong vài ngày qua, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ đạt tới giới hạn của mình với chiến lược Zero COVID triệt để, nhưng cho đến nay vẫn thành công.

Thủ phủ Tây An ở phía Tây Bắc Trung Quốc đã bị phong tỏa hoàn toàn trong hai tuần rưỡi vừa qua và 13 triệu cư dân chỉ được phép ra đường khi buộc phải đi làm xét nghiệm COVID. Các cơ quan y tế chỉ ghi nhận không tới 2.000 trường hợp lây nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Tây An. Cho đến nay, chưa một ai trong số họ chết vì virus.

Mặc dù vậy nhà chức trách đã hành động rất triệt để. Thiệt hại đi kèm với chính sách quyết liệt này cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Ví dụ, ngày đầu năm mới, các nhân viên của bệnh viện Gaoxin ở phía Tây Nam thành phố đã nhất quyết từ chối tiếp nhận một phụ nữ mang thai vượt mặt vì bản xét nghiệm COVID âm tính của người phụ nữ này đã hết hạn trước 4 tiếng đồng hồ. Trước khi có kết quả xét nghiệm virus mới, người mẹ đã đẻ non và đứa bé sơ sinh đã thiệt mạng.

Nhiều nước trên thế giới kinh ngạc quan sát cuộc đấu tranh chống virus cực đoan ở Trung Quốc, nơi tiếp tục phong tỏa toàn bộ thành phố chỉ vì một số ít người bị lây nhiễm và tiếp tục đóng cửa biên giới hai năm sau khi đại dịch bùng phát. Nhưng như một cuộc khảo sát tại chỗ cho thấy, con đường đặc biệt của Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với những gì được mô tả trên các phương tiện truyền thông. Con đường đó dựa trên một khế ước xã hội, ở Trung Quốc điều này chịu ảnh hưởng của Nho giáo và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, chấp nhận sự hy sinh của một thiểu số để đảm bảo hạnh phúc của cả một tập thể.

Cho đến nay cách thức hoạt động chống dịch ở Trung Quốc đem lại một kết quả đầy kinh ngạc. Trên thực tế, chiến lược chống dịch quyết liệt của Trung Quốc đã ngăn chặn được số ca tử vong do virus. Theo các số liệu chính thức, cho đến nay ở Trung Quốc có chưa tới 6.000 người chết vì virus corona. Ngay cả khi số lượng các trường hợp không được báo cáo cao hơn, thì con số người chết vẫn là không đáng kể so với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. Đối với phần lớn người Trung Quốc, nguy cơ lây nhiễm bệnh không đóng vai trò gì trong cuộc sống hằng ngày trong hơn một năm rưỡi vừa qua. Nhờ tình hình bình thường ở hầu hết các vùng của đất nước nên nền kinh tế cũng đã phục hồi nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác.

Một người dùng trên nền tảng trực tuyến Weibo so sánh tình hình giữa chính sách Zero COVID của Trung Quốc và các biện pháp nới lỏng ở Mỹ với tình thế tiến thoái lưỡng nan ở xe tự lái, phần mềm phải quyết định trong trường hợp xảy ra tai nạn: "phải chấp nhận giữa một cái chết và hàng trăm cái chết, trong trường hợp đó luôn lựa chọn sự mất mát thấp nhất".

Vài tuần tới sẽ cho thấy liệu các ca lây nhiễm Omicron hiện tại ở Thiên Tân có kiểm soát được hay không. Điều này sẽ là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống virus của Trung Quốc. Một cư dân Thiên Tân nói "Ơn trời là các vụ lây nhiễm Omicron cách nhà tôi tới 30 km. Nhưng cẩn tắc vô áy náy, tôi sẽ dự trữ thực phẩm cho nhà mình. Lúc này việc phong tỏa còn kinh khủng hơn nhiều so với chính con virus".