Đại điện các khu công nghệ cao (CNC) cho rằng, các văn bản chi phối hoạt động và tổ chức khu CNC còn khập khiễng, không phù hợp với thực tế và sự ưu đãi chỉ có trên giấy tờ.

Chẳng hạn như Nghị định 99 về quy chế hoạt động của khu CNC, Quyết định 53 về chính sách khuyến khích đầu tư, Quyết định 27 quy định tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm CNC.

Ý kiến trên được nêu ra trong buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương cùng với đại diện 4 ban quản lý khu CNC là Hòa Lạc, TPHCM, Đà Nẵng và Đồng Nai để rà soát, kiến nghị với Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án khu CNC.

Mất ưu đãi vì luật chuyên ngành chi phối

Bà Lê Bích Loan - Phó trưởng ban quản lý Khu CNC TPHCM - nêu ý kiến: “Nghị định 99/2003/NĐ-CP ban hành năm 2003, Quyết định 53/2004/QĐ-TTG ban hành năm 2004 và Quyết định 27/2006/QĐ-BKHCN ra đời năm 2006 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử, Nghị định 99 có nhắc tới doanh nghiệp đầu tư vào CNC được hỗ trợ 50% số tiền thuê, nhưng không nêu rõ nguồn hỗ trợ lấy từ ngân sách trung ương hay địa phương”.

Toàn cảnh Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ, Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: Loan Lê

Ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - cho rằng: “Việc sửa Quyết định 53 gần như vô nghĩa, bởi lẽ các chính sách ưu đãi không nằm trong tầm quy định của quyết định. Quyết định chỉ quy định về thẩm quyền, còn quyết định ưu đãi phải là Quốc hội. Ưu đãi nằm trong luật và Luật CNC dù rất hoành tráng nhưng khi triển khai thực tế về thuế suất, ưu đãi thì luật chuyên ngành lại chi phối hết”.

Ông Quỳnh cho biết Hòa Lạc đã đầu tư tới 30% nguồn lực để bám các bộ chuyên ngành, đề xuất, giải trình và tham gia góp ý vào quá trình xây dựng, sửa đổi các luật chuyên ngành.

Đại diện Ban quản lý Khu CNC Đà Nẵng - ông Đoàn Ngọc Hùng Anh - Phó trưởng ban - kiến nghị: “Nếu sửa đổi nên sửa Luật CNC, đồng thời cần nhấn mạnh luật chuyên ngành phải áp dụng theo Luật CNC để các luật chuyên ngành ra sau không thay đổi, chi phối các chính sách ưu đãi đã được thông qua. Lâu nay, Luật CNC đã được Quốc hội thông qua cho doanh nghiệp vào khu CNC hưởng ưu đãi cao nhất, tuy nhiên khi áp dụng thì thuế theo Luật Thuế, đất đai theo Luật Đất đai”.

Ông Quỳnh cũng nêu một vấn đề khác đang tồn tại ở Khu CNC Hòa Lạc, đó là thẩm quyền của ban quản lý rất hạn chế, hầu như mọi hoạt động đều phải xin ý kiến của sở, ngành.

Cơ chế cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại khu CNC cũng là vấn đề được đại diện Khu CNC TPHCM đề cập. “Lâu nay theo cơ chế một cửa, doanh nghiệp đã quen làm việc trực tiếp với ban quản lý; nhưng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ra đời đã phá vỡ cơ chế dành cho các khu CNC. Theo đó, hồ sơ đăng ký đầu tư phải gửi về sở kế hoạch và đầu tư. Do lượng hồ sơ lớn nên phải chờ rất lâu, dù thời gian trả lời theo quy định là 3 ngày” - bà Loan nói.

Chia sẻ với ý kiến của bà Loan, ông Hùng Anh cho biết Ban quản lý Khu CNC Đà Nẵng cũng phải xin ý kiến UBND trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đây là thủ tục bắt buộc để lãnh đạo thành phố quản lý hiệu quả việc sử dụng đất của các doanh nghiệp.

Kiên quyết sửa Quyết định 27

Góp ý về ý kiến một cửa và vấn đề báo cáo với lãnh đạo thành phố khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng đây là vấn đề chung của các khu CNC và nên làm. Bởi lẽ khu CNC nằm trong sự quản lý của thành phố nên việc giải trình, lấy ý kiến của UBND là điều cần thiết; nếu ảnh hưởng tới việc xúc tiến đầu tư thì nên mời đại diện ủy ban và các đơn vị như sở kế hoạch và đầu tư, sở KH&CN tham gia cùng.

Phân tích ý kiến của ông Hùng Anh, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ CNC, Bộ KH&CN - cho rằng, Luật CNC là luật khung, khi đứng cạnh các luật chuyên ngành như đất đai, thuế, quy hoạch sẽ bị chi phối. Vì thế, để nhận được ưu đãi cao nhất cho khu CNC nên tập trung “bám đuổi” luật chuyên ngành. Ví dụ như Khu CNC Hòa Lạc bám sát Luật Đầu tư, Vụ CNC theo dõi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước kiến nghị sửa đổi Quyết định 27, ông Đàm Bạch Dương nêu quan điểm: “Nếu muốn thay đổi Quyết định 27 thì phải có thông tư, nhưng thông tư chỉ được ban hành khi có một văn bản cấp trên, được hiểu là nghị định”. Theo ông Dương, nên lồng ghép Nghị định 53 vào một văn bản phù hợp và việc sửa đổi Nghị định 99 là điều hợp lý để phù hợp với thực tiễn phát triển.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng: “Tiêu chí của dự án CNC và tiêu chí sử dụng đất theo Quyết định 27 có nhiều bất cập. Tuy nói quyết định này không có hiệu lực nhưng nó vẫn tác động đến doanh nghiệp, như quy định phải có 5% R&D, không có thì không được cấp phép. Vì vậy, dứt khoát phải sửa Quyết định 27”.