Một số hoạt động kinh doanh đã núp dưới bóng là hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất hàng hóa tiêu dùng thông thường để không phải qua khâu kiểm duyệt. Đây là kẽ hở để “công nghệ bẩn” xâm nhập dễ dàng.

Doanh nghiệp tìm cách “lách”

Từ một số vụ điển hình mà lực lượng cảnh sát môi trường đã điều tra, xử lý thời gian qua cho thấy, thủ đoạn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa thường làm là “khai báo hàng hóa một đằng, nhập hàng một nẻo”, hoặc khai phế liệu nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, nhưng trên thực tế toàn là rác thải có chứa tạp chất, chất thải nguy hại gây ô nhiễm trầm trọng. Chẳng hạn, họ ghi trên giấy tờ là khai nhập quặng chì nhưng thực chất là nhập ắcquy chì phế thải, sợi hóa học… từ bãi rác. Thực tế này đã khiến cơ quan quản lý môi trường gặp khó: Nhập vào không được, tái xuất cũng không xong.

Theo TS Hoàng Xuân Long - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN), cần phải nhìn nhận chính sách nhập công nghệ nói chung và lĩnh vực công nghệ mũi nhọn nói riêng để thấy được những ưu điểm cũng như hạn chế sao cho có giải pháp phù hợp.

Theo TS Long, thời gian qua, cơ chế quản lý đã được thay đổi đáng kể theo hướng mở rộng quyền kinh doanh nhập khẩu công nghệ của doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao vai trò của các công cụ vĩ mô như thuế, lãi suất, tỷ giá. Hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện.

Đã có những chính sách về công nghệ dành riêng cho ngành công nghiệp mũi nhọn. Chính sách nhập công nghệ được đặt trong chiến lược phát triển chung của ngành công nghiệp mũi nhọn, song vẫn còn nhiều kẽ hở doanh nghiệp đang “lách”.

Việc lựa chọn công nghệ tiên tiến cần tầm nhìn dài hạn mà không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn ra.
Việc lựa chọn công nghệ tiên tiến cần tầm nhìn dài hạn mà không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn ra.

Những kẽ hở cần được lấp đầy

TS Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - cho rằng, nguyên nhân là do Luật Đấu thầu hiện nay đang ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng, thiết bị.

Chính vì vậy, đây cũng là kẽ hở để công nghệ chất lượng kém dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam.

TS Long cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện Việt Nam còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các văn bản, giữa các ngành trong quản lý nhập công nghệ, thiếu phối hợp giữa chính sách nhập công nghệ và phát triển công nghệ trong nước.

TS Long cho biết, những chính sách phù hợp đối với một số đối tượng như hỗ trợ để nâng cao năng lực của các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ (môi giới, đánh giá, định giá, đàm phán hợp đồng, tư vấn chuyển giao công nghệ… ) nhằm đáp ứng nhu cầu nhập công nghệ của doanh nghiệp cũng còn vắng bóng.

Ngoài ra, còn những kẽ hở chính sách để doanh nghiệp nhập công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm như: Khi doanh nghiệp nhập khẩu dây chuyền cũ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác thì thuế suất chỉ bằng 0%, trong khi đó nếu doanh nghiệp đặt hàng chi tiết ở nước ngoài thì phải đóng thuế từ 10-15%. Không ít đơn vị nhắm mắt đưa công nghệ cũ để tiết kiệm chi phí.

TS Nguyễn Văn Thụ cũng cho rằng, việc áp thuế nhập khẩu 0% cho việc nhập khẩu các máy móc trong hoạt động chuyển giao công nghệ đã vô tình tạo sức ép cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang phải chịu thuế nhập khẩu các linh kiện lắp ráp từ 15-20%. Các doanh nghiệp sẽ hạn chế sản xuất hoặc chuyển sang hình thức nhập khẩu hàng hóa chuyển giao công nghệ.

Nếu các dự án không thuộc những lĩnh vực “nhạy cảm” như sản xuất thuốc men, thực phẩm, hóa phẩm… thì không bắt buộc thẩm định công nghệ. Do vậy, một số hoạt động kinh doanh đã núp dưới bóng là hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất hàng hóa tiêu dùng thông thường để không phải qua khâu kiểm duyệt. Đây là kẽ hở để “công nghệ bẩn” xâm nhập dễ dàng.

Cần ngăn chặn công nghệ cũ

Theo TS Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chúng ta vẫn chủ trương phải tiếp cận được công nghệ nguồn, công nghệ tiến tiến và tránh việc nhập công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đang diễn ra việc nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sử dụng công nghệ ở trình độ thấp, thậm chí là công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân trước hết là do nhận thức của doanh nghiệp chỉ chú ý đến lợi nhuận trước mắt mà chưa chú ý đến lợi ích lâu dài.

TS Lê Bộ Lĩnh cho rằng việc ngăn chặn nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu đã qua sử dụng cũng phải có một lộ trình và có danh mục cụ thể.

“Hiện chúng ta đã xác định phải ngăn chặn công nghệ có tác động xấu đến môi trường, tiêu hao năng lượng nhiều.

Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay là đưa ra danh mục rõ ràng để tránh tình trạng doanh nghiệp nhập vào rồi đánh giá theo kiểu cảm quan là vẫn sử dụng được.

Phải nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn và nhập khẩu công nghệ trong quá trình đổi mới của doanh nghiệp mình. Cần phải hết sức cảnh giác và có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước” - TS Lê Bộ Lĩnh nói.