Hiện việc chiếu xạ thực phẩm đã được triển khai trên cả thiết bị chiếu xạ gamma và máy gia tốc nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên vì nhiều lý do, quy trình này mới chỉ thực hiện đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

Chưa có mặt trên thị trường trong nước

Công nghệ chiếu xạ đã được Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế(IAEA)và Tổ chức Nông lương Thế giới xem là biện pháp hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh nguồn gốc thực phẩm. Xử lý chiếu xạ kiểm dịch đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát sự phát tán của các côn trùng, sâu bệnh hại giữa các vùng, miển lãnh thổ.

So với một số phương pháp kiểm dịch truyền thống khác như xử lý hơi nước nóng, nhiệt, hóa chất, chiếu xạ có thể được thực hiện với sản phẩm đã đóng gói, trên quy mô lớn và không để lại bất kỳ dư lượng độc hại nào, nên đã được IAEA khuyến cáo sử dụng để kiểm soát côn trùng, dịch bệnh trong sản phẩm nông nghiệp xuất nhập khẩu.

Chính vì lẽ đó, TS Trần Minh Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - cho biết, công nghệ chiếu xạ thực phẩm đã phát triển nhanh chóng và được ứng dụng tương đối rộng rãi để đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thực phẩm, giảm tổn thất, kéo dài thời gian bảo quản…

“Tuy nhiên, do thiết bị chiếu xạ phải được vận hành theo các quy định nghiêm ngặt về an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, cùng với nhận thức chưa đúng của người tiêu dùng, công nghệ này chủ yếu vẫn chỉ được triển khai để đảm bảo chất lượng vệ sinh đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu là hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh, bột gia vị…” – TS Quỳnh cho biết.

Hiện chi phí chiếu xạ cho một kilogram vải thiều là 6.000 đồng. Hoa quả tươi, hải sản được chiếu xạ sẽ kiểm soát được côn trùng, ký sinh trùng, dịch bệnh, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh. Với nông sản khô, chiếu xạ giúp giảm nhiễm khuẩn, nấm mốc.

Các cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đang thực hiện thao tác
Các cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đang thực hiện thao tác kiểm nghiệm sự an toàn trên sản phẩm.

Chiếu xạ không làm nhiễm bẩn phóng xạ

TS Quỳnh khẳng định chiếu xạ không làm thực phẩm bị nhiễm xạ, cũng như không tạo ra bất kỳ chất độc nào nếu thực phẩm được xử lý ở liều trung bình dưới 10 kGy. Vì các nguồn năng lượng sử dụng trong công nghệ bức xạ như tia gamma, tia X, chùm điện tử gia tốc (kể cả máy gia tốc Electron Beam có năng lượng đến 10 MeV) không có năng lượng đủ mạnh để làm cho thực phẩm nhiễm xạ, giống như hàng hóa được soi chiếu bằng tia X không trở thành vật phóng xạ. Hơn nữa, thực phẩm không thể bị nhiễm xạ vì chúng không bao giờ tiếp xúc trực tiếp với nguồn chiếu.

Thậm chí hiện nay, thế giới sử dụng thực phẩm được chiếu xạ liều cao đến 45kGy để sản xuất các bữa ăn vô trùng dành cho bệnh nhân ghép tạng, các nhà du hành vũ trụ.

Dù công nghệ này an toàn nhưng hiện mới chỉ đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu. TS Quỳnh kiến nghị, công nghệ này cần phải được phát triển để thay thế cho biện pháp xử lý hóa chất độc hại trong kiểm dịch thực vật, diệt côn trùng, nấm mốc gây hại cũng như giảm nhiễm vi sinh, đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản nông sản thực phẩm.

“Cần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, nhất là các chiến dịch tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ lợi ích của chiếu xạ thực phẩm, sự an toàn của thực phẩm chiếu xạ, qua đó có được sự lựa chọn tốt hơn, giảm thiểu các dịch bệnh có nguồn gốc thực phẩm hay các trường hợp ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn” – ông Quỳnh kiến nghị.