Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào xu hướng công nghiệp 4.0, kinh tế số và kết nối 5G, như vậy không thể không có một chiến lược đầu tư đúng đắn, bài bản và lâu dài cho lĩnh vực điện tử, vi mạch.

Bên trong nhà máy của Samsung Việt Nam. Ảnh: VNExpress.
Bên trong nhà máy của Samsung Việt Nam. Ảnh: VNExpress.

Đó cũng chính là con đường mà nhiều quốc gia Đông Á trong quá trình “hóa hổ” đã từng đi, thành công nhất phải kể tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau này là Trung Quốc; trong khi Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia, mặc dù không rực rỡ bằng nhưng cũng đã phần nào tự khẳng định được vị thế nhờ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực trình độ cao.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017). Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI), việc Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn Việt Nam là một cứ điểm toàn cầu cùng viễn cảnh từ xu hướng chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, trong đó có cả Apple, thì thứ hạng trên chắc chắn sẽ còn được cải thiện thêm nữa. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định thì ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam thực chất chỉ đang “có tiếng mà không có miếng”, bởi phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong tay khu vực FDI, trong khi các doanh nghiệp quốc nội thì èo uột và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn phải nhập khẩu1.

Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này khi ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, trên thực tế không hẳn là quá sinh sau đẻ muộn, thậm chí còn nhận được sự quan tâm đặc biệt? Nhắc lại trường hợp “đáng tiếc” của Vietronics để thấy – tiền thân là Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học trực thuộc Chính phủ, được thành lập từ năm 1984 (cùng thời với nhiều doanh nghiệp Đài Loan như Acer, Asus, TSMC2), sau chuyển đổi thành Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (Tổng công ty 90) trực thuộc Bộ Công nghiệp (năm 1995), bao gồm 13 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực điện tử dân dụng và chuyên dụng như sản xuất điện trở, tụ hóa, mạch in, tụ xoay, thiết bị chuyển mạch và chiết áp, đã từng có doanh thu hằng năm đạt gần 100 triệu USD, trong đó 30 triệu USD là từ gia công, xuất khẩu – một con số rất đáng kể vào thời điểm đó; Tuy nhiên, sau khi được cổ phần hóa (năm 2007), đến năm 2017, tổng doanh thu của Vietronics chỉ còn ở mức 73 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản 723 tỷ đồng, lợi nhuận chưa tới 5 tỷ đồng – tức nhỏ hơn 1% tổng tài sản và chính thức lâm vào cảnh chết lâm sàng3.

Như một số chuyên gia đã từng chỉ ra, chính sự vắng bóng của hoạt động R&D đã khiến hầu hết các doanh nghiệp điện tử Việt Nam không thể sở hữu nhiều công nghệ lõi, cho nên rất khó cạnh tranh để lớn mạnh thông qua chuyển đổi và hạ giá thành sản phẩm. Muốn phát triển công nghiệp, cần thiết phải có sự đầu tư thích đáng cho khoa học cơ bản, không thể mãi đi tắt đón đầu hay chỉ muốn ăn xổi. Để xây dựng thành công một nền kỹ nghệ, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt liên quan đến những chuỗi phối hợp đồng bộ, tinh vi và tinh xảo – điều không phải cứ muốn là đào tạo hay trang bị ngay được, nhiều khi phải mất cả thế hệ. Chỉ khi có được nền tảng cơ bản, chúng ta hẵng nghĩ tới chiến lược hướng ứng dụng để cho ra những sản phẩm made in Vietnam thực thụ, dù cho đó chỉ là các chi tiết phụ trợ như thẻ nhớ, cell pin hay hóa chất tráng màn hình.

Ngoài ra, một nút thắt lớn nữa chính là ở thể chế. Trong khi tại các nước có nền kỹ nghệ điện tử phát triển, hầu hết những thương hiệu nổi tiếng đều thuộc tư nhân, thì khu vực này ở Việt Nam bao năm qua vẫn chưa thể lớn, một phần cũng bởi sự độc quyền của khối doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước và chính sách phân biệt đối xử hãy còn tồn tại nhiều bất cập, khiến rào cản gia nhập những lĩnh vực có tiềm năng sinh lợi lớn như viễn thông, internet là quá lớn. Mặc dù Việt Nam hiện cũng đã có một vài điểm sáng đáng ghi nhận như Asanzo bên cạnh sự chuyển đổi gây nhiều chú ý của VinGroup cùng vị thế lẫn uy tín do FPT gây dựng từ lâu, song chỉ vậy là chưa đủ để có thể đưa cả ngành cất cánh. Thứ nữa, thành tựu của một số tên tuổi nêu trên, phần nhiều cũng do họ đang hoạt động trên những mảng và phân khúc thị trường vốn có nhu cầu rất lớn, còn lại thì hầu hết vẫn đang thiếu đầu tư cho R&D và định hướng chiến lược dài hơi trước áp lực đổi mới không ngừng.

Để vượt qua khó khăn và tìm ra hướng đi cho ngành công nghiệp điện tử vi mạch nước nhà, trong điều kiện đã bị tụt lại quá xa, thậm chí bị gạt ra ngoài rìa, có lẽ Việt Nam nên chuyển đổi và tập trung cho những lĩnh vực mà mình có ưu thế và triển vọng như nông nghiệp. Hãy tích hợp tri thức (know-how) vi điện tử vào hoạt động sản xuất những linh kiện, giải pháp dùng trong các nhiệm vụ kiểm soát, điều hành nhằm cải thiện năng suất và chất lượng nông nghiệp hay làm tăng hiệu quả giám sát môi trường, như vậy có thể sẽ giúp ngành này chiếm giữ được thị trường trong nước. Có một vài hướng đi rất đáng để cho chúng ta tham khảo như nghiên cứu, chế tạo những con chip, vi mạch, các bộ cảm biến (sensor), dùng để đo độ ẩm, nồng độ, pH; Arsenic mete đo độ ô nhiễm arsen trong đất và nước; TDS (total dissolved solids) đo lượng ions, khoáng chất, muối và kim loại trong nước; chip vi sinh dùng trong việc phát hiện các bệnh lý thực vật; sensor dùng trong các thiết bị cơ khí, năng lượng xanh và lưu trữ năng lượng (energy storage); hệ thống GPS dùng tia laser để đo lượng phân bón trong đất; bộ phận phân tích các thành phần trong hạt lúa; bộ phận dùng trong máy quét siêu âm; bộ cảm biến NIR (NIR sensors) để xác định phẩm chất của gạo, trái cây và rau quả; mũi, lưỡi và mắt điện tử đo mùi vị, nhận dạng màu sắc và phát hiện các bệnh lý của thực vật, …4

Sau cùng và cũng là quan trọng nhất, mọi kế hoạch hay đề án sẽ không thể thành công nếu thiếu vắng sự tham gia và hậu thuẫn của chính phủ. Trong hoàn cảnh của Việt Nam, chính phủ cần tài trợ cho những nghiên cứu bám nông nghiệp, môi trường như cung cấp ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính để giúp ngành công nghệ điện tử vi mạch “sống được” trong khoảng thời gian đầu “dò dẫm”. Ngoài ra, để khuyến khích hoạt động bảo hộ, xin cấp bằng sáng chế và thành lập các spin-off, nhà nước cũng cần phải áp đặt chính sách thưởng phạt phân minh liên quan đến sở hữu trí tuệ. Xa hơn nữa là kế hoạch thành lập những trung tâm công nghệ theo kiểu công viên (industrial park) nằm ngay sát các khuôn viên đại học để giáo sư, sinh viên và nhân lực kỹ nghệ có thể làm việc với nhau. Chỉ nhờ cộng tác chặt chẽ như vậy, trường đại học mới có thể thấy rõ hơn nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh nội dung giảng dạy, đào tạo cho phù hợp, giúp sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát thực tế, nâng cao kiến thức và được khuyến khích đam mê khởi nghiệp từ chính thành quả nghiên cứu.

Chú thích:

1. Báo cáo tại hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 28/11/2017.

2. Ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Đài Loan chỉ thật sự được đầu tư bài bản từ thập niên 1980, hiện đã có những tên tuổi dẫn đầu thế giới như TSMC với giá trị vốn hóa thị trường vượt qua cả Intel.

3. Theo số liệu tài chính của Viettronics (2017).

4. Trần Trí Năng (2015), Silicon Valley và định hướng phát triển công nghiệp vi mạch ở Việt Nam. Link: http://erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Part-18-Silicon-Valley.htm