Ở Việt Nam, giá trị của TSTT ngày càng được nhận thức rõ bởi ngày càng có nhiều nhân vật trở thành triệu phú nhờ TSTT. Vậy vấn đề phân chia loại tài sản này khi ly hôn được quy định ra sao?


Luật sư Trần Thị Tám.

Trước hết, phải xác định bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, TSTT là một loại tài sản dân sự. Do vậy, cần áp dụng các chế định về tài sản đối với TSTT. Nếu phát sinh tranh chấp TSTT khi ly hôn, đối với tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, việc xác định chủ sở hữu sẽ được thực hiện căn cứ vào thời điểm phát sinh. Trước ngày 1/1/2015 (thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực), mọi tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu chung vợ chồng.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng có quy định chế độ chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là những tài sản hiện hữu (đã có); còn đối với các tài sản phát sinh (hoặc dự báo sẽ phát sinh, cùng với hoa lợi, lợi tức từ nó) thì chưa có quy định cụ thể. Do vậy, tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân cùng với hoa lợi, lợi tức kèm theo có thể coi là thuộc sở hữu chung của vợ chồng cho dù trên thực tế, chỉ một trong hai người bỏ công sức tạo nên nó.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về việc xác lập thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, trước khi kết hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận tài sản nào là chung, là riêng đối với những loại tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân.

Tuy nhiên, hai người phải lập thỏa thuận trước khi kết hôn bằng hình thức công chứng hoặc chứng thực, khi đó những điều họ thống nhất với nhau mới có giá trị. Và tất nhiên, nếu không có thỏa thuận về tài sản chung hay riêng thì mọi loại tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân - bao gồm TSTT - đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng.