Các sai phạm gây thiệt hại liên quan đến nhập công nghệ thời gian qua chủ yếu xảy ra trong khu vực nhà nước, khu vực công. Do đó, cần có quy định chặt chẽ trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ (CGCN) đối với khu vực công để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước.

Đó là đề xuất của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre - khi bày tỏ quan điểm ủng hộ dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Xây dựng chính sách theo 3 nhóm đối tượng

Trong khi nêu quan điểm cần có quy định chặt chẽ hơn về CGCN đối với khu vực công, đại biểu Lệ Thủy cho rằng ở khu vực tư nhân thì ngược lại, cần có chính sách thoáng hơn để tạo điều kiện CGCN tích cực, kể cả trong việc nhập và xuất khẩu công nghệ.

“Không nên quy định chung chung với cả hai khu vực này vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng kìm hãm chuyển giao công nghệ ở khu vực tư, trong khi không quản lý chặt chẽ được khu vực công” - bà Thuỷ nói.

Máy siêu âm tự động kiểm tra lọc các linh kiện bị lỗi được Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông chuyển giao công nghệ từ Mỹ. Ảnh: HM

Đại biểu này đề nghị xây dựng chính sách theo 3 nhóm đối tượng: “Một là nhóm doanh nghiệp phải đăng ký dự án đầu tư theo Luật Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Hai là nhóm doanh nghiệp không phải đăng ký dự án đầu tư theo Luật Doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Ba là nhóm doanh nghiệp nhà nước. Mỗi nhóm cần có chính sách riêng thật cụ thể phù hợp về mục tiêu, phân cấp quản lý nhà nước về CGCN để quản lý hoặc khuyến khích CGCN”.

Bà Thuỷ cũng cho rằng cần có quy định chế tài đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật trong hoạt động CGCN để đảm bảo luật thực thi được trong thực tế.

Cần danh mục công nghệ cấm vào Việt Nam

Để khắc phục tình trạng công nghệ lạc hậu, không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia vẫn được đưa vào Việt Nam qua các dự án đầu tư như đã diễn ra thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phương - Đại biểu Quốc hội đoàn Cần Thơ - cho rằng, luật cần quy định rõ quy trình thẩm định như tổ chức hội đồng thẩm định, trách nhiệm của hội đồng thẩm định, thực hiện khảo sát công nghệ, thời gian thực hiện công nghệ.

“Tôi cho rằng đây là quy định rất quan trọng, cần đưa vào luật để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định. Bên cạnh đó, kết quả thẩm định quy trình công nghệ hiện vẫn mang tính chất lý thuyết, việc đánh giá chủ yếu dựa vào hồ sơ mô tả công nghệ. Đôi khi người thẩm định cũng chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ, nên chưa thể đánh giá hết kết quả thực tế của công nghệ. Vì vậy, tôi đề xuất quy định trong luật về thời gian giám sát vận hành công nghệ, nhất là dự án có khả năng tác động môi trường” - ông Phương nói.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - cho rằng, hiện các quy định về ngăn chặn công nghệ cũ mới chỉ nằm rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, tính pháp lý không cao nên việc thực hiện không nghiêm.

Thực tiễn đã chứng minh qua việc nhập công nghệ lạc hậu trong các lĩnh vực sản xuất ximăng, thép, giấy, mía đường, nhiệt điện chạy than. Tình trạng này không những làm cho năng suất lao động của nước ta thấp kém mà còn gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Trong các văn bản luật về lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện nay chưa có điều luật quy định cụ thể về vấn đề ngăn chặn công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam.

“Tôi đánh giá cao ban soạn thảo trong việc đưa vào một điều mới - điều 12, theo đó việc thẩm định công nghệ đã trở thành bắt buộc dù chỉ đối với dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao, hay dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tôi mong muốn trong thời gian tới, ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung trong dự luật lần này một điều luật quy định về danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu dài, đầu tư trực tiếp đã mang công nghệ cũ vào để tận dụng nhân công giá rẻ của chúng ta, nhưng không cần chuyển giao công nghệ nên sẽ không chịu sự điều chỉnh của luật này” - ông Tuấn đề xuất.

Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc đưa vào luật các quy định đảm bảo sự thông thoáng với doanh nghiệp nhập công nghệ tốt, hạn chế tối đa vi phạm của những doanh nghiệp nhập công nghệ lạc hậu là không đơn giản.

Tuy nhiên, ông Dũng tin tưởng với sự tâm huyết của cơ quan soạn thảo cũng như sự đồng lòng đóng góp trí tuệ tập thể của các cơ quan, ban ngành, Luật CGCN (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ thực thi tốt nhiệm vụ ngăn chặn công nghệ lạc hậu, để Việt Nam không trở thành “bãi rác công nghệ”.