Công nghiệp đóng tàu phát triển là nền tảng để thực hiện chiến lược biển quốc gia nhằm tạo sức mạnh trên biển, đó là sức mạnh hải quân và một đội thương thuyền phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu người với tham vọng các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước.

Trong những năm qua, sau thất bại của Vinashin và Vinalines, do yêu cầu của cuộc sống, công nghiệp đóng tàu vẫn phát triển theo hướng tự phát, phục vụ cho các nhu cầu đi lại biển đảo, cho việc chuyển đổi vật liệu đóng tàu thuyền đánh cá…của chính những yêu cầu nội tại chứ không từ thị trường toàn cầu đang chao đảo mà đã có thời kỳ ta mơ ước đứng thứ tư thế giới!

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có những nghiên cứu căn cơ, có định hướng rõ rệt cho nền công nghiệp quan trọng này. Muốn vậy phải làm rõ nhu cầu của hải quân và kinh tế biển, cần có những dự báo trong những năm tới như cầu loại tàu gì (từ tàu phục vụ tàu ngầm tới tàu dạo chơi trên biển, tàu pháo cho tới tàu nghiên cứu hải dương...) số lượng bao nhiêu, cái gì mua nước ngoài, cái gì đóng trong nước…, một công việc có thể làm được với số lượng viện nghiên cứu rất đông đảo hiện nay. Bởi vì, nếu chưa làm rõ các phương tiện tàu thuyền phục vụ cho nhiều mục tiêu từ bảo vệ Tổ quốc, vận tải tới khai thác tài nguyên, nghiên cứu biển, khảo cổ …thì những mục tiêu nêu ra có lẽ chỉ mang tính định tính mà chưa có cơ sở xác định tính khả thi của nó.

Toàn cảnh công nghiệp đóng tàu hiện nay

Nhìn vào thực trạng ngành đóng tàu, ta nhận thất có hai vấn đề lớn:

1- Số lượng đông đảo, đầu tư khập khiễng, dàn trải, trùng lắp. Theo thống kê của Đăng kiểm Việt Nam, vào năm 2007 có tới gần 200 cơ sở đóng tàu trên cả nước, một con số rất lớn với một nước nhỏ như nước ta, khi đóng tàu có lúc trở thành “phong trào”.

Sau khi Vinashin thất bại, rất nhiều tài sản lớn không được sử dụng tiếp tục một cách hợp lý mà để quăng quật như vô chủ. Nhiều nhà công nghiệp nước ngoài vào nước ta tiếc rẻ cho những nhà xưởng đầu tư dang dở, tại những vị trí cực đẹp, đang tranh nhau cùng tìm việc làm hoặc cho nước ngoài thuê với giá rẻ mạt chỉ mong duy trì đội ngũ.

Hiện nay đóng tàu rải rác từ nhiều ngành kinh tế: các nhà máy thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Quốc phòng, Dầu khí, Thủy sản… trùng lắp về mục tiêu, ví như xưởng 189 của Tổng cục CN Quốc phòng lại đang đóng hàng loạt tàu ven biển cho tư nhân và các chủ tàu nước ngoài trong khi Hạ Long thuộc GTVT cũng may rủi được hợp đồng đóng tàu cho Cảnh sát Biển!

Hiện có tới gần 200 cơ sở đóng tàu trên cả nước , một con số quá lớn với một nước nhỏ như nước ta.

2- Đội ngũ chuyên viên đóng tàu rất thiếu trình độ cao, què quặt về đào tạo. Trong quá khứ, Nhà nước đã từng tổ chức đào tạo có hệ thống, gửi du học sinh học tại các nước đóng tàu tiên tiến thuộc phe XHCN, tổ chức các đoàn đi tu nghiệp đồng bộ: đoàn học đóng tàu 3 nghìn tấn, 1 vạn tấn…

Hiện nay, do lịch sử để lại, các trung tâm đào tạo kỹ sư đóng tàu, giàn khoan, tàu quân sự được dàn trải trên cả 7 cơ sở, các thầy giáo – tiến sĩ không được gửi đi đào tạo ngay từ bậc cử nhân mà phần lớn học trong nước sau đó lấy bằng thông qua việc các trường nước ngoài tuyển nghiên cứu sinh, giúp việc cho các giáo sư nghiên cứu rất nhiều đề tài khác nhau.

Kết quả là các đề tài học tập giúp ích rất ít cho việc đào tạo, nghiên cứu trong nước sau này và các trường không trở thành trung tâm nghiên cứu cho công nghiệp đóng tàu. Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy gần như bị xóa sổ, Viện Thiết kế Tàu Quân sự được thành lập trong khi đã có Viện Thiết kế Hải quân tồn tại nhiều năm, Bể thử tàu – một công cụ đắt tiền, cần thiết cho thiết kế - vẫn chỉ là một đống container đang hư hỏng từng ngày, tàu thuyền của ngư dân vẫn thiếu những định hướng công nghệ thiết thực…

Tàu phục vụ cho đánh bắt thuỷ sản xa bờ do cả những nhà máy thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục CNQP chế tạo.

Chương trình đóng tàu quốc gia

Trước tình hình kể trên, việc cần thiết là phải có một chương trình đóng tàu quốc gia nhằm làm nền tảng cho việc thực hiện chiến lược biển vừa được ban hành với một số quan điểm như sau :

1- Chỉ có một ngành công nghiệp đóng tàu biển thống nhất cho một đất nước nhỏ như nước ta. Cần coi công nghiệp đóng tàu trên toàn hệ thống cũng như quản lý biển cả khác với tầm nhìn ao hồ. Công nghiệp biển cần được nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa nhưng với tình trạng phân tán, cát cứ thì đầu tư nào chịu nổi trong khi nguồn lực có hạn.

Cần sắp xếp toàn bộ ngành đóng tàu hiện đang phân tán trong Bộ GTVT, Dầu khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng… để tập trung đầu tư, bao cấp cho một, hai viện nghiên cứu Thiết kế, trang bị đầy đủ, có bể thử tàu, và gắn liền với nó là một hai nhà máy quốc doanh đóng tất cả các loại tàu đòi hỏi kỹ thuật cao, cho nhu cầu quốc phòng lẫn dân sự. Cần xem xét sự chia cắt giữa công nghiệp đóng tàu quốc phòng và dân sự trong khi công nghiệp biển ở nhiều nước bản chất đã là phục vụ quốc phòng và hài hòa trong việc phục vụ dân sinh.

Tàu cảnh sát biển do xưởng 189 của Tổng cục CNQP thiết kế và chế tạo.

2- Xây dựng đội ngũ chuyên viên công nghiệp biển chất lượng cao là yêu cầu sống còn, trước hết là đội ngũ thiết kế tàu có khả năng chủ trì các dự án, các công nhân đóng tàu chuyên nghiệp cũng như đào tạo những ngành nghề còn thiếu ví như kỹ sư kinh tế đóng tàu có khả năng phân tích dự án, những nhà dân tộc học hàng hải nghiên cứu tàu thuyền phục vụ cho bảo tàng hàng hải cần thiết được xây dựng trong một tương lai gần.

Cần đầu tư cho đào tạo bằng cách gửi người đi học từ năm đầu đại học tại các nước tiên tiến và khuyến khích làm việc thực tiễn tại các công xưởng một thời gian mới trở về nước. Cần xem xét lại dự án Bể thử tàu, sao cho tận dụng cái gì còn dùng được và giao cho cơ sở nghiên cứu thiết kế đáng tin cậy để tiếp tục được đầu tư

Trong những ngày tháng khó khăn vừa qua, những cố gằng của một vài đơn vị như xưởng 189 liên kết với các đơn vị thiết kế tư nhân, hình thành từ các thành viên của Viện Nghiên cứu Thiết kế Tàu thủy Bộ GTVT gần như bị xóa sổ, cùng với doanh nhân của Green Lines đưa các máy tàu tiên tiến vào nước ta là một trong những điểm son phát triển đóng tàu đúng hướng. Một môi trường vận tải ven biển, giữa bờ và các hải đảo đã hoàn toàn thay đổi, khiến ta hy vọng ngành công nghiệp đóng tàu nước ta sẽ phát triển đúng hướng.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược biển

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.


Một số giải pháp phát triển KH&CN và tăng cường điều tra cơ bản biển

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.

Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm…

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế. Đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu.

Trích Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045