Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đối với những vấn đề lớn. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Với những chính sách đầu tư cho khoa học ngày càng thông thoáng và cởi mở, các nhà nghiên cứu thuộc các trường đào tạo tư nhân càng có điều kiện tiếp cận các nguồn đầu tư của nhà nước qua Quỹ Nafosted. Nguồn: trường ĐH Duy Tân
Với những chính sách đầu tư cho khoa học ngày càng thông thoáng và cởi mở, các nhà nghiên cứu thuộc các trường đào tạo tư nhân càng có điều kiện tiếp cận các nguồn đầu tư của nhà nước qua Quỹ Nafosted. Nguồn: trường ĐH Duy Tân

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đã gửi phiếu chất vấn tới Thủ tướng Chính phủ với câu hỏi “Bao giờ Thủ tướng chỉ đạo hai Bộ Tài chính và Bộ KH&CN xây dựng cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học khắc phục được tình trạng mà hầu như trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước cũng cho là chưa có nhiều đột phá, nhất là về cơ chế tài chính, thủ tục hành chính để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định về chính sách quản lý, cơ chế tài chính

Trong văn bản trả lời số 1101/TTg-KGVX ngày 28/8/2019, Thủ tướng đã điểm lại những chỉ đạo về xây dựng cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho Bộ Tài chính và Bộ KH&CN trong thời gian qua, đặc biệt sau mốc thời điểm quan trọng Quốc hội ban hành Luật KH&CN. Theo đó, chính phủ đã ban hành 5 nghị định liên quan trực tiếp đến chính sách quản lý khoa học cũng như các khía cạnh “đầu vào, đầu ra” trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm: Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/2/2019 về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả dịch vụ trong lĩnh vực KH&CN), Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019... Đi kèm với các nghị định này là nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tiếp tục đổi mới một cách có hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển KH&CN, bao gồm các cơ chế tài chính.

Cùng với quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong hai năm 2018 và 2019, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, đã chủ trì nhiều cuộc đối thoại cùng với các bộ, cơ quan liên quan để trao đổi với các nhà khoa học, qua đó tìm ra nhiều giải pháp mới để phát triển lĩnh vực KH&CN. Trong các cuộc đối thoại và làm việc này, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến yêu cầu thay đổi về nhận thức, chấp nhận đặc thù tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để có phương thức quản lý phù hợp; coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo; chuyển phương thức quản lý, đầu tư cho KH&CN theo mô hình quỹ phát triển KH&CN nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành cũng như thu hút được nguồn lực xã hội tham gia cùng nhà nước.

Do đó, trong thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có nhiều thành công đáng ghi nhận: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn, năm 2018 đạt 43,5% (bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 42,18%, cao hơn nhiều giai đoạn 2011-2015 là 33,58%) vượt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao (khoảng 30%-35%). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam tiếp tục cải thiện, liên tục tăng trong những năm gần đây (tăng 17 bậc từ 2017 đến nay, năm 2019 đứng thứ 42/129 quốc gia/nền kinh tế, dẫn đầu các quốc gia có thu nhập trung bình thấp); trong giai đoạn 2014-2018, gần 9.000 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước.

Cần có thêm những cơ chế, chính sách mang tính đột phá

Để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên cả nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực KH&CN.

Theo chỉ đạo này, Bộ KH&CN cần chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đối với một số vấn đề lớn như các chính sách mang tính đột phá để khuyến khích, thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển công nghệ; tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia, các nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm…

Bộ KH&CN cũng cần khẩn trương tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định về đặt hàng, tuyển chọn, phê duyệt và nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng theo hướng đơn giản, hiệu quả; tăng cường công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đề xuất, xây dựng thuyết minh, tuyển chọn, thẩm định, đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức KH&CN và nhà khoa học về sử dụng kinh phí khoán, thanh toán, tạm ứng kinh phí khoán, quyết toán nhiệm vụ.

Để làm tốt những nhiệm vụ này, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính cần tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đặc thù của lĩnh vực KH&CN, bám sát yêu cầu thực tế và bảo đảm hiệu quả thực thi các chính sách đó. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ trì nhiệm vụ KH&CN cũng cần chịu trách nhiệm việc giao, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN bảo đảm hiệu quả, minh bạch, công khai; việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định.

Đại biểu Lê Công Nhường đề xuất ba điểm trong phiếu chất vấn:

1. Cho phép các nhà khoa học được tự chủ trong kinh phí nghiên cứu và nhà nước thanh toán thông qua chất lượng, số lượng sản phẩm cuối cùng, còn hành trình, quá trình nghiên cứu, kinh phí thì để nhà khoa học tự chủ.

2. Nếu cơ chế tài chính chưa cho phép thì cho phép nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu nếu phát hiện phương pháp, vật tư thay đổi để nghiên cứu tốt hơn thì cho phép thay đổi nhưng không vượt qua 30% nội dung, vật tư so với hợp đồng nhưng kinh phí không đổi, miễn là có sản phẩm và kết quả tương tự.

3. Kiểm toán các đề tài khoa học cũng nên đánh giá trên kết quả đạt được, không nên căn cứ chi tiết vào hợp đồng.