Thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản cần cho khởi nghiệp, ý tưởng phi thực tế… là những điểm yếu nổi bật của các startup sinh viên, trong khi phong trào khởi nghiệp lại lên mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng thực tế đó đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng về kinh tế đưa nội dung này vào chương trình đào tạo của mình.

Tinh thần cao nhưng thiếu thực tế

Hồi còn là sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, bị kẻ gian tháo mất một số phụ tùng trên xe máy, Đoàn Thiên Phúc đã cùng mấy người bạn mày mò nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm chống trộm xe máy bằng điện thoại di động.

Ý tưởng này đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi ý tưởng sáng tạo cấp trường S-Ideas và được Phúc phát triển thành khóa luận tốt nghiệp. Đến nay, sau 5 năm, sản phẩm S-bike ra đời từ ý tưởng trên ngày càng được lòng khách hàng, và Công ty cổ phần giải pháp phần mềm SetechViet do Phúc và cộng sự thành lập đã có chỗ đứng trên thị trường.

SetechViet nằm trong số rất ít nhóm khởi nghiệp sinh viên thành công dù phong trào này đang lên cao. Theo khảo sát của Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, tại TPHCM, tỷ lệ sinh viên muốn khởi nghiệp tăng từ 50% năm 2008 lên 78-84% năm 2016.

Gian hàng của nhóm khởi nghiệp Fablab Hanoi được giới thiệu tại Techfest 2016.
Ảnh: Lê Hằng

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên có hoạt động kinh doanh thực tế sau khi tốt nghiệp 1-2 năm chỉ còn 3-5%. Theo thống kê tại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM trong 6 năm (2010-2015), trong 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, chỉ có khoảng 200 ý tưởng có thể triển khai.

Cần có chương trình đào tạo về khởi nghiệp

Đánh giá hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, PGS-TS Võ Phước Tấn - Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại - cho rằng, các bạn trẻ tuy giàu đam mê nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản cần cho khởi nghiệp. Họ phải đối diện với không ít khó khăn từ sự hạn chế của thị trường lao động, sự thiếu hụt kỹ năng, kiến thức nên khó tìm con đường khởi nghiệp riêng.

“Nếu các bạn biết được mình đang hướng tới đâu và có đủ nguồn lực để làm điều đó thì việc vạch ra con đường đến mục tiêu riêng sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thực tế rất ít sinh viên hiểu rõ định hướng của mình, rất ít người đủ nguồn lực để khởi nghiệp, chưa tận dụng hết những gì mình có” - TS Tấn nói.

Để tăng hiệu quả của hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, theo ông Tấn, cần tăng cường mối liên kết giữa các trường với doanh nghiệp, hiệp hội nhằm định hướng nghề nghiệp, tăng khả năng và cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp, gia nhập thị trường ngay khi còn đi học và khi mới tốt nghiệp. Các trường nên lập quỹ khởi nghiệp, đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp vào chính khóa trong một số khoa chuyên ngành. Ngoài ra, cần nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính theo hướng lấy doanh nghiệp khởi nghiệp làm đối tượng phục vụ.

TS Huỳnh Lợi – Đại học Kinh tế TPHCM - cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp vào nội dung giảng dạy, nhất là các khối trường kinh tế, đúc kết một cách có hệ thống những bài học mang tính thời sự về khởi nghiệp. Đồng thời, cần kết nối hướng nghiệp với khởi nghiệp, xây dựng một tổ chức hay hiệp hội hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với sự liên kết chặt chẽ giữa sinh viên với nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước để tạo thêm kênh thông tin, kịp thời hành động hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp.