Phản hồi bài “Nhà khoa học thế chấp uy tín, sắm phòng lab” và các bài khác trong chuyên đề về phòng thí nghiệm (PTN) tự chủ của Báo Khoa học và Phát triển số 35, ra ngày 25/8, PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh - Đại học Khoa học tự nhiên - bày tỏ một số ý kiến về mô hình này.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh. Ảnh: Loan Lê

Phải khẳng định rằng mô hình “PTN của nhà khoa học” rất mới mẻ ở nước ta, tuy khá phổ biến trên thế giới. Trong nước, các PTN theo mô hình tập trung, quy mô lớn ở các viện, trường đang thể hiện một số vai trò nhất định, nhưng khá nhiều trong số đó đang vận hành không thực sự hiệu quả. Vì vậy, mô hình PTN tự chủ có thể là một giải pháp mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Theo tôi, mô hình này có nhiều lợi điểm như nhỏ gọn hơn, sự phát triển của bản thân nó linh hoạt, phù hợp và bám sát các hướng nghiên cứu mà nhà khoa học theo đuổi. Khi mỗi phòng lab như vậy hoạt động tốt, nó là một đơn vị cơ sở để cấu thành mạng lưới các PTN tự chủ và mạng lưới này có thể sẽ có “sức sống” tốt hơn.

Tuy nhiên, với cơ chế quản lý nhân lực, trang thiết bị hiện nay ở các đơn vị nghiên cứu nhà nước, sẽ rất khó để các nhà khoa học phát huy tính tự chủ. Hơn nữa, mô hình PTN tự chủ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với mô hình hiện hành. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế và sự ủng hộ để các nhà khoa học - đặc biệt là nhà khoa học trẻ - có thể hiện thực hóa mô hình này.

Tôi cho rằng hiện nay, uy tín của nhà khoa học chỉ là yếu tố thứ yếu để cạnh tranh trong việc huy động các nguồn lực về tài chính, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho phòng lab. Vì vậy, mô hình PTN riêng tự chủ khó phát triển bùng nổ nhanh chóng trong thời gian tới.