Có khoảng 4 tỷ người thuộc nhóm dân cư sống ở các vùng nông thôn, có thu nhập dưới 3.000 USD/năm và sống trong tình trạng nghèo tương đối. Nhiều doanh nhân và nhà khởi nghiệp bỏ qua các cơ hội thị trường rất tiềm năng ở nhóm này do tin rằng người nghèo có sức mua thấp.

Mục tiêu số một trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) là chấm dứt nghèo đói ở mọi nơi. Tuy nhiên, theo thống kê của Bottom of the Pyramid Hub (BoP Hub), hiện nay có tới 4 tỉ người sống ở các vùng nông thôn trong tình trạng nghèo tương đối, ít có khả năng tiếp cận điện, nước, vệ sinh và dịch vụ. Mà để xóa nghèo thì “từ thiện không phải là giải pháp, để thoát nghèo bạn cần có thu nhập”, Jack Sim, nhà sáng lập BoP Hub, nói tại hội nghị Youth Co:Lab 2019 đang diễn ra ở Hà Nội.

Mô hình kim tự tháp kinh tế. Ảnh: BoP Hub.

Đáy của kim tự tháp (Bottom of the Pyramid - BOP) là thuật ngữ trong kinh tế dùng để chỉ hai phần ba số người nghèo nhất trong kim tự tháp kinh tế - hay chính là nhóm 4 tỷ người nêu trên. Nhóm này còn bị đặt vào khó khăn hơn nữa khi họ khó tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ do bị bỏ qua trong chuỗi sản xuất, phân phối.

Cách tiếp cận BOP là mô hình phát triển kinh tế dựa trên thị trường 4 tỷ người này, mang lại tăng trưởng và lợi nhuận cho các doanh nghiệp, đồng thời xóa đói giảm nghèo trên diện rộng. Tuy nhiên nếu phụ thuộc vào sự tham gia của các tập đoàn lớn thì thu nhập của người dân địa phương không được cải thiện và họ cũng sẽ phải phụ thuộc vào việc các tập đoàn có muốn cung cấp hàng hóa với lợi nhuận thấp hay không.

Jack Sim (bìa phải), nhà sáng lập BoP Hub, trong một chương trình cải thiện vệ sinh tại Ấn Độ. Ảnh:Sulabh International Social Service.

“Từ thiện càng không phải cách làm đúng đắn”, đại diện BoP Hub cho biết. “Từ thiện có nghĩa là các hàng hóa được bán với mức giá 0 đồng, một mức giá mà không nhà doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh được, không có nhà doanh nghiệp có nghĩa là không có việc làm cho người dân địa phương và họ không thể thoát nghèo”.

Theo Jack Sim, cách làm tốt nhất là hướng dẫn người dân địa phương tự xây dựng cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ và cho họ vay vốn để bắt đầu các doanh nghiệp tác động xã hội. Khi các doanh nghiệp địa phương phát triển và sinh lời, họ có thể tiếp tục thuê thêm người dân địa phương, đem lại nhiều việc làm và thu nhập hơn. Cách tiếp cận theo hướng “cho cần câu” này sẽ đặt các khu vực nghèo vào chuỗi sản xuất, cung ứng và xóa nghèo bền vững.

BoP Hub Ltd. được thành lập năm 2011, là nền tảng tăng tốc (accelarator) kinh doanh để tạo ra các mô hình kinh doanh xóa đói giảm nghèo. BoP Hub kết nối các sản phẩm với kênh phân phối, hậu cần, mô hình kinh tế theo quy mô địa phương, chính sách công và công nghệ để hoàn thành chuỗi cung ứng và cung cấp hiệu quả hơn các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng tại khu vực "đáy của kim tự tháp".