Cách mạng 4.0 làm cho chất xám vốn đã quan trọng càng trở nên quan trọng hơn rất nhiều, khiến lao động giản đơn ngày càng không cần thiết, được thay thế bằng robot. Chỉ những người giỏi và được đào tạo mới có thể tồn tại.

Năm học vừa qua, lần đầu tiên giáo dục đại học Việt Nam đối diện với thực trạng số thí sinh thi vào thấp hơn số chỗ ngồi chúng ta có. Rất nhiều người nói đó là do chúng ta mở quá nhiều trường đại học. Sự thật có đúng vậy không?

TS Phạm Thị Ly - Đại học Quốc gia TPHCM.

Thử làm phép so sánh: Mỹ có 4.782 trường đại học, 319 triệu dân, tức 1 trường trên 66.708 dân. Việt Nam có 445 trường đại học, 90 triệu dân, tỷ lệ 1 trường trên 202.000 dân. Nếu nói Việt Nam khó so sánh với Mỹ thì hãy so với Malaysia, với tỷ lệ 1 trường đại học trên 55.000 dân. Có thể thấy số trường đại học ở Việt Nam không nhiều và như vậy lẽ ra bằng đại học phải rất quý giá. Thế nhưng chúng ta lại đang chứng kiến cảnh cử nhân thất nghiệp nhan nhản trong khi doanh nghiệp không đủ người làm.

Rõ ràng, có khoảng cách lớn giữa những gì các trường đang dạy với những gì xã hội cần. Liệu cách mạng công nghiệp 4.0 có rút ngắn khoảng cách đó?

Nếu như trước đây tiền đẻ ra tiền thì nay có thêm chất xám đẻ ra tiền. Điều này đúng với mọi lĩnh vực. Doanh nghiệp nào thu hút, sử dụng tốt chất xám thì doanh nghiệp đó sẽ duy trì được năng lực cạnh tranh. Cách mạng 4.0 làm cho chất xám vốn đã quan trọng càng trở nên quan trọng hơn rất nhiều, khiến lao động giản đơn ngày càng không cần thiết, được thay thế bằng robot. Chỉ những người giỏi và được đào tạo mới có thể tồn tại. Điều đó đặt ra bài toán lớn đối với hệ thống giáo dục.

Hình thức đào tạo trực tuyến từ xa ra đời từ sự phát triển công nghệ viễn thông liệu có thể thay thế trường đại học truyền thống? Bây giờ thì chưa, nhưng chắc chắn nó đang đặt ra thách thức và buộc đại học truyền thống thay đổi. Ở Việt Nam, đại học trực tuyến chưa phát triển nhưng trên thế giới đã rất phổ biến, với sự kết hợp đại học truyền thống và đại học trực tuyến. Trước, sinh viên học ở trường và về nhà làm bài tập, giờ họ tiếp nhận kiến thức ở nhà, đến lớp chỉ để tương tác với thầy giáo.

Điều đó thay đổi hoàn toàn cách chúng ta quan niệm về trường đại học. Trường đại học ngày nay trong bối cảnh thay đổi về công nghệ đã khác xa vài trăm năm trước.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp và toàn cầu hóa như vậy, giáo dục đại học Việt Nam có cơ hội để hợp tác và học hỏi; nhưng cũng đừng quên chúng ta đang trong tình thế cạnh tranh rất gay gắt.