Chia sẻ với Khoa học và Phát triển, GS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp - cho biết nhiều giống mía năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt từ công nghệ nuôi cấy mô sẵn sàng nhưng vẫn chưa thể chuyển giao vì doanh nghiệp chưa vào cuộc.

“Hàng chục giống mía năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt từ công nghệ nuôi cấy mô được lưu tại Viện Di truyền nông nghiệp nhiều năm nay luôn sẵn sàng để chuyển giao vào sản xuất; thế nhưng mía của chúng ta vẫn năng suất thấp, vì sao? Vì doanh nghiệp chưa vào cuộc” - GS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp - chia sẻ với Khoa học và Phát triển.

Thưa Giáo sư, ông nghĩ thế nào về nhận định Việt Nam mới chạm tới phần nổi của công nghệ sinh học (CNSH) với các công nghệ đơn giản?

Không sai! Nói về tiềm năng, CNSH có thể mang lại lợi ích rất lớn, nhưng chúng ta mới chỉ có ứng dụng về nuôi cấy mô để nhân giống cây trồng sạch bệnh, trẻ hóa vật liệu nuôi trồng. Chúng ta đã làm tốt điều này trong 20 năm qua, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết các địa phương hiện đã có thể tự nhân giống các cây nông nghiệp, lâm nghiệp, hoa - cây cảnh, cây phục vụ sản xuất công nghiệp như mía, chuối... Các chế phẩm vi sinh chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi cũng đã được ứng dụng khá rộng rãi.

Tuy nhiên, lẽ ra chúng ta đã có thể sử dụng hiệu quả hơn nhiều những công nghệ mình làm chủ được. Chẳng hạn, công nghệ nhân giống mía sạch bệnh bằng nuôi cấy mô đã khẳng định giá trị từ những năm 1990. Hàng chục giống năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt được lưu tại Viện Di truyền nông nghiệp từ nhiều năm nay luôn sẵn sàng để chuyển giao vào sản xuất. Thế nhưng mía của chúng ta vẫn năng suất thấp, vì sao? Vì doanh nghiệp chưa vào cuộc.

Giáo sư - tiến sỹ Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
Ảnh: Loan Lê

Chỉ sau năm 2010, một số doanh nghiệp mía đường vào cuộc thì công nghệ này mới bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, bài bản và mang lại hiệu quả rõ rệt. Tương tự với cây chuối, chúng tôi đã tạo giống sạch bệnh bằng nuôi cấy mô từ năm 1995 và chuyển giao cho rất nhiều địa phương, cơ quan nhưng các bên vẫn im lìm. Đến khi người Trung Quốc thuê đất tại Lào Cai để trồng chuối cấy mô xuất khẩu, các đoàn cán bộ, doanh nghiệp, nhà khoa học mới đến tham quan mô hình.

Theo Giáo sư, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, đâu là nhân tố quan trọng để CNSH phát huy tối đa hiệu quả?

Chính là địa phương và doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ, Viện Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã hoàn thiện quy trình nhân giống càphê in vitro rất hiệu quả, nhưng chưa có đối tác ứng dụng vì giá thành cao; nhưng tôi tin sẽ đến lúc sản xuất có yêu cầu cao hơn về chất lượng cây giống và địa phương, doanh nghiệp sẽ tìm đến. Khoa học tạo ra tiền đề cho ứng dụng, Nhà nước tạo cơ chế và thị trường; nhưng doanh nghiệp, địa phương mới là người ứng dụng. Khoa học luôn phải đi trước để khi thị trường cần thì đã sẵn tiền đề. Nếu lúc đó mới loay hoay nghiên cứu thì lỡ cơ hội rồi.

Một ví dụ khác: Chúng tôi mất 7 năm để khẳng định công nghệ chỉ thị phân tử tạo giống lúa chịu mặn ở mức 6 phần ngàn, hay giống lúa chịu ngập hoàn toàn 10-17 ngày và đã đề xuất các bộ áp dụng để nâng khả năng chịu mặn của các giống lúa chủ lực ở vùng có nguy cơ nhiễm mặn ven biển.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và các nhà quản lý chưa mặn mà, bởi nhiễm mặn nặng chỉ xảy ra những năm El Nino; ngập lụt chỉ xảy ra 5-10 năm một lần; nhưng chắc chắn công nghệ này sẽ dần có vị trí quan trọng khi chúng ta đòi hỏi cao hơn về tính ổn định của sản xuất. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm nguồn gene mới để nâng khả năng chịu mặn lên nữa, 8-10 phần ngàn chẳng hạn.

Theo Giáo sư, việc đầu tư cho nghiên cứu CNSH cần có những điều chỉnh gì?

Tôi nhớ với khoảng 20 triệu USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong chương trình “nông - sinh - y” giai đoạn 1986-2000, chúng ta đã cơ bản đặt nền móng cho nền công nghiệp sinh học với các xưởng nuôi cấy mô, sản xuất chế phẩm vi sinh. Các phòng thí nghiệm đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ cao hơn như sinh học phân tử, enzym - protein…

Chương trình CNSH quốc gia KC04 từ năm 2000- 2016 chi tương đương 15 triệu USD. Sau 2005, khi có chỉ thị 50 của Ban Bí thư về tăng cường CNSH, chúng ta đã có các chương trình CNSH trong nông nghiệp, thủy sản, chế biến, đầu tư R&D tăng rất đáng kể, tạo tiền đề rất tốt về con người, công nghệ và hạ tầng để đi tiếp trong giai đoạn tới.

Theo ước tính của tôi, tổng đầu tư cho CNSH đến 2016 là khoảng 100 triệu USD. Đó là cố gắng rất lớn của đất nước, nhưng so với thế giới thì quá nhỏ bé. Một viện nghiên cứu, trường đại học ở các nước phát triển hay một công ty đa quốc gia như Bayer thường chi trên dưới 1 tỷ USD/năm cho R&D.

Để sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư không lớn, luôn phải biết “liệu cơm gắp mắm”, nhiều khâu phải điều chỉnh, trước hết là cơ chế. Các chương trình trọng điểm cấp nhà nước có nhiệm kỳ 5 năm, thường bắt đầu muộn ít nhất 1 năm do thay đổi lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo bộ, hình thành tổ chức, chờ thông tư của các bộ liên quan.

Thực tế thời gian thực hiện chỉ hơn 3 năm. Có nhiệm vụ đã được ký nhưng cuối năm kinh phí mới về, gây khó cho triển khai và quyết toán. Nhiệm kỳ 5 năm cũng ảnh hưởng đến kế hoạch ra sản phẩm cuối cùng, bởi phẩn lớn nhiệm vụ liên quan đến cây trồng cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy, cần có cơ chế để các chương trình không bị gián đoạn.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!