Viettel đi đầu trong nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gặt hái được thành công. Từ thành công này Viettel cần có sự chú ý đúng mức đến vai trò của tập đoàn dẫn dắt công nghệ cả trong công nghiệp quốc phòng và dân sự.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã nêu trong phần phát biểu của mình tại buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 7/7 vừa qua. Tại đây Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã ghi nhận chặng đường phát triển của Viettel với nhiều bứt phá trong đó dấu ấn của việc đầu tư cho khoa học, phát triển công nghệ được thể hiện rõ nét.

Thành công – cách tiếp cận khác biệt và sáng tạo

Nhìn lại chặng đường phát triển, đặc biệt trong 10 năm gần đây, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng “Viettel có một sự bứt phá rất lớn”.

“Nhìn một cách tổng thể cung đường đi lên của Tập đoàn Viettel trên thực tế bám rất sát với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng. Điều này được thể hiện từ các việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh tế đến các mục tiêu của công nghiệp quốc phòng. Tất cả được phối hợp chặt chẽ với các nhà máy, các cơ sở sản xuất, các ngành nghề kinh tế, thể hiện sự đầu tư có chiều sâu” – Bộ trưởng nhìn nhận.

Minh chứng thêm về nhận định này Bộ trưởng chỉ thêm việc Viettel không chỉ đầu tư về tiềm lực tài chính mà cả về thu hút các chuyên gia giỏi để làm chủ công nghệ cũng đã được chú trọng. Đây chính là cơ sở tạo dựng cho bước đường đi lên của Viettel, đảm bảo được việc cung cấp những sản phẩm chất lượng cho nền kinh tế, cũng như nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Trong đó đó có nhiều sản phẩm quốc phòng mang ý nghĩa đặc biệt, giúp chúng ta không phụ thuộc vào trang bị từ nước ngoài.

“Viettel luôn đặt mục tiêu cao để thách thức, cách tiếp cận cũng khác biệt, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu sản xuất. Bởi thế Viettel đã thu hút được nhiều chuyên gia giỏi” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá.

Ghi nhận thành công của Viettel, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ thêm những căn cứ mang tầm quốc tế. Từ việc Viettel trở thành thương hiệu mạnh nhất Việt Nam về CNTT và viễn thông, nằm trong top 100 thương hiệu viễn thông quốc tế tới việc ở top đầu về triển khai mạng viễn thông 4G; tiếp đến là hàng loạt giải thưởng mà Viettel đã vinh dự được xướng tên.

“Khi triển khai mạng 2G Viettel mất thời gian 20 năm, nhưng chỉ có 6 tháng, Viettel đã phủ sóng 36.000 trạm 4G. Tôi thấy rất lý thú là các hãng viễn thông lớn nhất thế giới hiện tại mạng 4G chỉ sử dụng công nghệ 2 thu – 2 phát, nhưng chúng ta dùng 4 thu – 4 phát. Đây là những đột phá kỹ thuật, công nghệ” – Bộ trưởng minh họa thêm.

Từ việc Viettel đang tập trung để thành Tập đoàn tầm cỡ quốc tế về cung cấp nội dung, kết hợp với viễn thông, CNTT và thiết bị internet, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh kỳ vọng Việt Nam bắt nhịp với vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Cứ theo hướng này, đến năm 2020, nếu làm được, chúng ta sẽ có một nền tảng rất tốt cho khoa học công nghệ nói chung, cho công nghiệp nước nhà nói riêng. Nhìn ở góc độ KH&CN, chúng tôi cũng đánh giá cao khi Viettel vừa là tập đoàn kinh tế vừa là tập đoàn công nghệ cao” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Thể hiện vai trò của tập đoàn dẫn dắt về công nghệ

Với mong muốn nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp, thông qua đó để cạnh tranh, đóng góp cho nền kinh tế đúng như Nghị quyết Trung ương đã đề cập, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng để làm được Việt Nam cần có những tập đoàn dẫn dắt về công nghệ.

“Viettel cũng đang có vai trò dẫn dắt, là đầu tàu phát triển cho khoảng 300 công ty, cùng với nhiều viện nghiên cứu. Các sản phẩm của Viettel đóng góp ở rất nhiều lĩnh vực trong thời gian qua. Từ các sản phẩm dân dụng tới công nghệ viễn thông. Tất cả các công nghệ mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập… đều đã được nghiên cứu phát triển. Chỉ trong thời gian ngắn nữa, Viettel sẽ làm chủ sản xuất và trang bị trên toàn hệ thống” – Bộ trưởng nêu dẫn chứng và dẫn con số 15 sản phẩm của Viettel trang bị toàn quân, 25 sản phẩm đang nghiên cứu sản xuất và nhiều sản phẩm khác ứng dụng trong quản lý vùng trời, sản phẩm tác chiến không gian mạng…

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc

Cho rằng chính sách về phát triển khoa học công nghệ đang chuyển dịch rất mạnh theo hướng chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhanh nhất vào cuộc sống, tuy nhiên để trở thành hiện thực, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận không đơn giản.

Theo Bộ trưởng, để kết quả nghiên cứu ứng dụng nhanh vào cuộc sống sẽ có hai cách. Một là các viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học công nghệ phải chuyển hóa trực tiếp thành quả vào cuộc sống. Hai là các kết quả đó phải được chuyển giao cho doanh nghiệp đủ năng lực để tiếp nhận và nhân rộng. Muốn làm được như vậy, việc huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia sẽ đóng vai trò quan trọng, song đây lại là điểm được Bộ trưởng nhìn nhận: “đang rất hạn chế trong việc huy động nguồn lực xã hội”.

Chính vì vậy mô hình hoạt động của Viettel có thể xem là hình mẫu lý tưởng khi doanh nghiệp trích lợi nhuận với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ lên tới 4.500 tỉ đồng – một con số đủ để làm nền tảng giúp Viettel vững bước hướng tới mục tiêu của mình.

Khẳng định việc xây dựng chính sách hiện đang lấy doanh nghiệp là trọng tâm - trung tâm của đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm tăng cường sức mạnh, đẩy mạnh xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN. Nguồn lực đó chính là từ các doanh nghiệp.

“Chúng ta phải nhìn thấy ngay nguồn lực trước hết là doanh nghiệp. Các đồng chí đang là một mô hình tập đoàn dẫn đầu. Hiện nay chúng tôi đang ước ao các lĩnh vực khác cũng có doanh nghiệp tập đoàn dẫn đầu như thế này” – Bộ trưởng bày tỏ mong muốn và kỳ vọng Viettel cần có sự chú ý đúng mức đến vai trò tập đoàn dẫn dắt công nghệ cả trong công nghiệp quốc phòng lẫn trong dân sự.

Đánh giá cao về cơ chế thu hút và đãi ngộ nhân tài khi Viettel có tới 5.000 cán bộ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, trong số đó có nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Viettel trong các hoạt động KH&CN kết hợp Quốc phòng nói chung và trong các chặng đường phát triển của Viettel.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng kỳ vọng Viettel là doanh nghiệp dẫn đầu, tham gia vào những chương trình khoa học công nghệ quốc gia quan trọng nhất, nghiên cứu sản phẩm quốc gia trong điểm và phải trở thành điểm tựa của cán bộ khoa học công nghệ và quản lý là để cùng bứt phá với các sản phẩm quốc gia.